Chưa biết ngày trở lại
Ga Hạ Long hiện đại nằm im lìm suốt từ năm 2020 đến nay, vì từ đó đến nay không có chuyến tàu nào qua lại.
Từ 7 - 8 cán bộ, nhân viên ở thời điểm tàu vẫn chạy, đến nay ga chỉ còn 4 nhân sự thay phiên nhau trông coi nhà ga, đường tàu.
Trưởng ga Nguyễn Đức Tân cho biết, hiện, cán bộ, nhân viên chỉ được hưởng mức lương tối thiểu nên đời sống cũng rất khó khăn và cũng không biết bao giờ tàu mới hoạt động trở lại.
Theo những lao động ở đây, kể cả tàu có hoạt động trở lại nhưng vẫn với tần suất ngày một chuyến và chỉ là tàu chợ thì thu nhập cũng chẳng đáng là bao. Vì thế, từ nhiều năm qua, đã có một số công nhân, lao động chuyển nghề; số ở lại vẫn chờ đợi trong khắc khoải, hi vọng tuyến vận tải đường sắt này sẽ được tiếp tục đầu tư để nâng tầm như kế hoạch.
Như Báo Lao Động phản ánh, tuyến đường sắt Yên Viên - Hạ Long lâu nay mỗi ngày chỉ có 1 chuyến tàu, doanh thu có chuyến chỉ đạt khoảng 4 triệu đồng/chuyến. Hành trình một chiều thường mất 7 tiếng, gồm cả thời gian gom khách và hàng hóa, qua gần 20 ga trên tuyến đường sắt hơn 130 km, qua địa phận Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, trong khi nếu đi đường bộ Hà Nội - Hạ Long chỉ mất 2 - 3 tiếng.
Cả đầu máy và các toa tàu đều cũ kỹ, sơn loang lổ, bong tróc ở nhiều nơi. Bên trong các toa tàu chủ yếu là gà, vịt, ngan, rau muống, rau đay, mồng tơi, gạo và các loại rau, củ quả theo mùa… Theo tính toán, với mức thu như vậy, mỗi chuyến phải bù lỗ tới… 95%.
Một trong những nguyên nhân chính khiến tuyến đường sắt này èo uột là tốc độ quá chậm và không có tính kết nối, bởi toàn tuyến dùng khổ đường ray quốc tế - rộng 1,435 m, nhưng thỉnh thoảng có đoạn lồng cả khổ đường ray toàn quốc - rộng 1 m.
Chờ khởi động lại dự án
Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, tốc độ thiết là 120km/h với tàu khách và 80km/h với tàu hàng, có tổng vốn đầu tư trên 7.600 tỉ đồng, được kỳ vọng sẽ giải quyết những điểm yếu trên và đưa tuyến vận tải đường sắt này đạt tầm quốc tế. Theo đó, tuyến đường sắt này sẽ lồng 2 khổ đường ray 1,435m và 1m để kết nối với hệ thống đường sắt toàn quốc và rút ngắn được khoảng 40km do nắn tuyến.
Tuy nhiên, được khởi công năm 2005 và đã được giải ngân hơn 4.500 tỉ đồng, nhưng đến năm 2011 thì bị tạm dừng triển khai theo chủ trương cắt giảm đầu tư công tại Nghị quyết số 11/NQ-CP (ngày 24/2/2011) của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Dự án bị dừng từ thời điểm đó, khiến nhiều hạng mục bị dở dang; nhiều nguyên vật liệu, thiết bị… vẫn để ở một số khu vực dọc bên hàng lang tuyến đường sắt.
Chỉ có đoạn đường sắt từ ga Hạ Long tới cảng Cái Lân - là phần được đầu tư xây dựng hoàn toàn mới nhằm kết nối cảng nước sâu Cái Lân, TP.Hạ Long với tuyến đường sắt từ ga Hạ Long - Yên Viên, là được hoàn thiện.
Đoạn này dài khoảng 5 km, có vốn đầu tư trên 1.500 tỉ đồng, có hai khổ đường ray (1m và 1,435m) để sẵn sàng kết nối với hệ thống đường sắt toàn quốc.
Tuy nhiên, kể từ khi khánh thành cho đến nay, tuyến Hạ Long - Cái Lân chỉ đón một chuyến tàu chở hàng duy nhất vào năm 2014.
Được biết, năm 2023, Bộ Giao thông - Vận tải đã giao Ban Quản lý Dự án đường sắt lựa chọn tư vấn để tiến hành đánh giá tổng thể hiệu quả, phương án đầu tư, lập điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân trình cấp có thẩm quyền xem xét trong năm 2024.