Trao đổi với phóng viên báo Lao Động trong ngày 17.5, ông Nguyễn Khánh Dư - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập - cho biết: “Dịp 30.4 - 1.5, chúng tôi phát hiện 6 người đang chèo 4 thuyền ngay đảo giữa hồ, đơn vị đã nhắc nhở yêu cầu những người này di chuyển về bờ.
Những hoạt động trái phép này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đặc biệt khi trong lòng hồ, có nhiều điểm nước sâu. Chưa kể hoạt động ăn uống, tham quan có thể khiến ô nhiễm nguồn nước, nguy cơ cháy rừng… Sau vụ việc, công ty đã tăng cường nhân lực để giám sát tại những địa điểm trọng yếu 24/24, kể cả ngày nghỉ”.
Tuy nhiên, hiện đơn vị có tất cả 16 cán bộ, công nhân viên, nhân lực khá mỏng trong khi địa bàn quản lý rộng. Mong rằng qua báo chí, mọi người sẽ nâng cao ý thức tự giác, tuyệt đối không tổ chức tham quan, du lịch trong lòng hồ” - ông Dư cho biết thêm.
Điều đáng nói, thời gian gần đây, một số trang Facebook còn đăng bài chào mời tour tham quan, khám phá chèo thuyền lòng hồ. Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập đã phải làm văn bản gửi các địa phương và UBND tỉnh Quảng Ninh báo cáo sự việc.
Hồ Yên Lập có dung tích 127,5 triệu m3, là hồ chứa nước ngọt lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh, cung cấp nước cho TP.Uông Bí, TX.Quảng Yên và TP.Hạ Long.
Hiện có khá nhiều lối dẫn vào hồ, trong đó chủ yếu là từ bến tàu Đá Gân (phường Đại Yên, TP. Hạ Long).
Ngày 5.2.2020, UBND tỉnh Quảng Ninh ra văn bản số 582/UBND-XD2 quy định rõ, cho phép duy trì hoạt động của 19 phương tiện vận chuyển khách trên lòng hồ Yên Lập trên nguyên tắc chỉ phục vụ vận chuyển khách từ bến Đá Gân sang chùa Lôi Âm.
Quy định là vậy nhưng vẫn xuất hiện tình trạng một số tàu chở nhiều người tham quan lòng hồ Yên Lập không đúng tuyến, vào các đảo trong lòng hồ để tổ chức dã ngoại, ăn uống, cắm trại, chèo thuyền.
Ngoài ra, ngay tại khu vực bến tàu Đá Gân còn một số hộ kinh doanh ăn uống tự phát tổ chức các hoạt động chèo thuyền, bơi lội. Tình trạng này không phải bây giờ mới diễn ra.
Để lập lại trật tự, UBND thành phố Hạ Long đã Giao UBND phường Đại Yên kiểm tra, rà soát và yêu cầu dừng hoạt động chèo SUP, các hoạt động du lịch tự phát trong khu vực Hồ Yên Lập.
Giao BQL rừng phòng hộ Hồ Yên Lập bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra các hoạt động phát sinh ảnh hưởng tới khu vực Hồ Yên Lập, thực hiện cắm biển cảnh báo, biển cấm tắm, bơi, lội, cấm tổ chức các hoạt động du lịch trong khu vực lòng Hồ Yên Lập.
Thực tế trên cho thấy, công tác quản lý lòng hồ rất cần sự vào cuộc và đi trước một bước của chính quyền địa phương để các hoạt động du lịch tự phát chấm dứt hoàn toàn.