Đó là nhận định của GS.TS Đặng Kim Chi thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường VN tại Hội thảo khoa học Kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy do Bộ TNMT tổ chức ngày 4.6.
GS.TS Đặng Kim Chi cho biết, Việt Nam đứng thứ 4 trong số các nước Châu Á phát sinh nhiều chất thải nhựa, sau Trung Quốc, Indonesia, Phillippines.
Theo GS.TS Đặng Kim Chi, chất thải nhựa, ví dụ là túi nilon dùng làm bao bì khi thải bỏ, kể cả được thu gom đưa đi chôn lấp lẫn vào đất tồn tại hàng trăm năm sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản ôxy đi qua đất ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng. Nếu túi nilon bị vứt xuống ao, hồ, sông ngòi sẽ làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng dẫn đến sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh.
GS.TS Đặng Kim Chi cũng lo lắng về lượng rác thải khổng lồ được đổ ra đại dương mỗi năm. Trong đó, có tới hàng triệu tấn là rác thải nhựa. “Theo ước tính, hiện tại lượng rác thải nhựa trên biển vào khoảng 140 triệu tấn, mỗi năm có thêm 10 triệu tấn. Rác thải nhựa khi trôi ra đến biển có thể tồn tại hàng trăm năm. Bị cọ xát, dưới tác động của nước biển, tia cực tím rác, nhựa sẽ rã thành những mảnh nhỏ và có thể bị các loài hải sản ăn vào để rồi lại có mặt trong chuỗi thức ăn của con người. Do đó, ngành thủy sản và du lịch bị ảnh hưởng rất lớn bởi lượng rác thải này và phải mất rất nhiều chi phí để khắc phục” GS.TS Đặng Kim Chi nói.
Ông Nguyễn Thành Yên, Vụ phó Quản lý chất thải thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ TNMT cho biết, ở nước ta chưa đặt vấn đề quản lý riêng chất thải nhựa, vẫn đặt trong chính sách chung về quản lý chất thải. Bộ TNMT ước tính, trung bình mỗi người sử dụng, thải bỏ 1 túi nilon/ngày, mỗi năm có khoảng hơn 31,4 tỉ túi ni lon bị thải ra nhưng chỉ có khoảng 17% trong số này được tái sử dụng.
Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường từ việc hạn chế sử dụng túi nilon, sử dụng các loại vật liệu thân thiện môi trường. Thường xuyên phát động các phong trào để cộng đồng hưởng ứng, bảo vệ môi trường.
Về chính sách, ngoài nghiên cứu nâng cao hiệu quả hoạt động phân loại, thu gom túi nilon để tái chế, cần tìm ra vật liệu thân thiện với môi trường, dần thay thế túi nilon. Đồng thời, đánh thuế cao sản phẩm từ nhựa để tiến tới hạn chế sử dụng, dần loại bỏ.