Từ rừng thiêng biên giới

Bút ký của lữ mai |

“Trên này chỉ có hai mùa, mùa mưa và mùa sương, nhà báo ạ! Mùa mưa trời đất xầm xì không ngớt, mùa còn lại, không thể gọi mùa khô, sương cứ mịt mùng từ sáng đến tối, ẩm sâu hơn cả mưa. Non trưa rạng được tí chút, chẳng đáng gì”, một chiến sĩ trên trạm kiểm soát biên phòng đồn Thu Lũm giải thích khi thấy tôi lúng túng kéo chiếc khăn từ cổ lên trùm kín đầu. Nếu chậm tay, sương sẽ ướt đẫm tóc ngay chính khi ngồi phòng khách của trạm.

Bữa cơm nồng đượm nghĩa tình...

Thường tháng một lần, anh em dưới đồn biên phòng sẽ lên trạm cùng đồng đội ăn chung bữa cơm. Bữa ăn không chỉ có bộ đội mà bà con đồng bào, các cô giáo, cán bộ dưới xuôi lên công tác ghé chợ biên giới chơi, gặp bữa vẫn ăn cùng. Gần trưa, bếp được nhóm lên, sương mỗi lúc thêm mờ mịt. Bếp chỉ một người nấu, còn lại từ chỉ huy đến chiến sĩ, khách khứa đều ngồi trên những chiếc ghế gỗ con con, giống ngày ở quê chúng ta hay ngồi đợi bà hoặc mẹ thổi cơm, vừa vùi khoai sắn vừa nhặt từng hạt thóc nổ lép bép thành bỏng trắng tựa hoa ngâu.

“Rửa thêm tí rau thơm đi”, “Nấm chừng này chưa đủ”, “Tiện tay nướng luôn vài quả ớt, nhớ để lại chút ớt tươi”... Đến giờ khắc ấy, tôi cam đoan rằng mình chưa từng dự phần vào bếp ăn nào nồng nã, sinh động thế. Có cá, có gà, có vô số rau củ quả, đến những quả ớt bóng bẩy nửa xanh nửa đỏ cũng được chế biến nhiều cách: Quả nướng trên than hồng, quả cắt xéo thả mắm nguyên chất, quả dầm nát quyện muối trắng, tiêu đen... Khung cảnh ấy trái ngược hoàn toàn phòng khách đẫm sương, bốn bề tường mốc meo loang lổ. Hóa ra, dù ta ở thôn quê, thành thị hay lên đồn biên phòng vùng biên ải, để chạm vào nỗi ấm nồng, yêu thương chỉ cần tìm căn bếp.

Bếp trên trạm có con mèo ngúng nguẩy, chốc chốc chấm đuôi vào đám tro lạnh, đập mạnh xuống nền nhà. Mấy người kề bên trỏ một ngón tay gõ gõ vào đám lông xám ra chiều cưng nựng nó. Chúng tôi là khách, cũng được quan tâm, chăm lo theo cách rất đặc biệt. Mọi người xích ra nhường chỗ, hỏi han có quen ăn món này, món kia không. Ngoại trừ tôi, bốn cô còn lại chưa chồng. Hai cô từ xuôi lên công tác, hai cô ở tỉnh bên về. Má căng, môi thắm, mắt nồng.

Từ trạm về đồn biên phòng Thu Lũm, lúc xe gần tới nơi, nhìn lên bản sẽ thấy một tán cây cổ thụ hàng nghìn năm tuổi, nhiều ngọn lớn tỏa ra tứ phía mọc ngay vị trí đầu tiên của khoảnh rừng. Người Hà Nhì gọi đó rừng thiêng, hằng năm luôn diễn ra những nghi lễ lớn và không ai được phép xâm phạm dù chỉ là những loài cây cỏ yếu mềm hay thân cổ thụ mục ruỗng.

Đầu năm mới, người dân làm lễ cúng trời để tạ ơn mẹ thiên nhiên ban mưa thuận gió hòa giúp bản làng trù phú, ấm no và cầu may trong năm tới. Đây được coi như một nghi thức quan trọng nhất trong năm của người Hà Nhì được thực hiện ở rừng thiêng vào đúng lúc mặt trời bắt đầu ló rạng. Cũng như nhiều tín ngưỡng khác, giá trị tinh thần ấy tiếp thêm niềm tin để người dân nơi phên giậu Tổ quốc vững vàng đương đầu với những khó khăn, thử thách; sẵn sàng cùng bộ đội biên phòng bảo vệ từng tấc đất, rừng cây.

Thu Lũm là xã biên giới xa nhất của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Ngoài đồng bào dân tộc Hà Nhì chiếm tỉ lệ dân số khoảng 90%, ở đây còn có đồng bào Dao, La Hủ với nhiều nét phong tục tập quán đặc biệt và người Kinh đang sinh sống, công tác tại địa bàn. Địa lý hiểm trở với đồi núi độ dốc cao, giao thông đi lại khó khăn nên Thu Lũm từng là một trong những xã có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước. Tuy nhiên, hiện nay, địa phương đã trở thành một thị tứ khá sầm uất giữa vùng biên ải xa xôi.

Ông Phùng Lòng Cà - Chủ tịch UBND xã Thu Lũm - hồ hởi giới thiệu, bản chính của xã toàn người Hà Nhì sống quần tụ trong những ngôi nhà trình tường sát nhau, kiến trúc truyền thống. Mỗi nhà dân được nối nhau bằng đường dốc và tường đá. Con đường đất ngày nắng bụi bặm ngày mưa sình lầy xưa giờ được đổ bê tông rất khang trang, sạch đẹp. Tường đá thì vẫn y nguyên, hiện hữu cho sự thẩm mỹ, cần mẫn của bà con nhiều năm tháng lên núi nhặt đá dăm về xếp đặt không gian sống, trang trí thêm cho những mảnh vườn hoa màu. Thay vì chỉ biết trồng ngô, sắn trên nương rẫy nay bà con nhân dân đang trồng nhiều loại cây dược liệu, cây công nghiệp; mở rộng sản xuất, kinh doanh đa dạng loại hình khác để phát triển kinh tế.

 

Huyền thoại còn xanh như lá

Các chiến sĩ biên phòng đưa chúng tôi lên đỉnh núi Pa Thắng để tận mắt chiêm ngưỡng tảng đá trắng huyền thoại được bà con đồng bào coi như một vị thần thần trấn ải nơi địa đầu Tổ quốc. Giữa đỉnh đồi hoang vắng nổi lên khối đá cao chừng mét rưỡi, hình dáng người đàn ông trầm tư, tọa vững chãi trên chân đế rộng hướng về phía dòng suối chảy róc rách dưới chân đồi. Đồng bào truyền miệng nhiều câu chuyện khá ly kì về tảng đá từ thuở di cư, người dân chọn lập bản dưới chân tảng đá hình một vị thần để được che chở cho tới chuyện “đá vọng thê” kể sự tích đôi vợ chồng chạy lạc, người vợ quay lại tìm chiếc khăn đánh rơi mà người dân tộc mình quan niệm đó như hồn vía không thể mất. Lúc quay lại, người chồng chờ vợ trong thiên tai, biến động đã hóa thành tảng đá cùng đứa con.

Bây giờ, những người già ở Thu Lũm vẫn hát câu câu hát được lưu truyền khi ai đó gợi nhớ câu chuyện nhuốm màu sử thi, huyền tích: “Em hóa con bướm bay đến với anh/ Em đừng hóa con bướm cánh đen, viền xanh, vằn tím, đốm vàng/ Nó là con bướm không lành...”. Hỏi chuyện, người Hà Nhì không chỉ tôn thờ tảng đá trắng trên đỉnh núi Pa Thắng mà ở nhiều vùng đất khác, họ luôn có tục thờ đá với nghi thức tín ngưỡng gọi là Thổ Ty nhằm cầu mong no ấm, an cư lạc nghiệp.

Thu Lũm có ruộng bậc thang đẹp, khí hậu biến đổi đầy sinh động, phong tục tập quán độc đáo, bản làng và rừng còn giữ được nét nguyên sơ với bao câu chuyện hơi hướng ly kì, huyền ảo... Xa hơn, ngoài bản chính là Thu Lũm, xã còn có các bản làng tiềm năng khác như: Gò Khà, Pa Thắng, Ló Na, U Ma Tù Khòng, Là Si, Á Chè... được hình thành cách đây vài trăm năm có hang động, ruộng bậc thang, sông suối; còn bảo tồn được các làn điệu dân ca, điệu xòe và múa.

Chúng tôi hướng mắt ra khoảnh sân rộng rãi, sạch sẽ của đồn biên phòng. Bốn bề cây rừng xanh um, cây ở đồn lại ngả sắc vàng úa dù được chăm sóc tốt. Hỏi ra, đó toàn giống cây từ xuôi đưa lên, có cây đến vài năm vẫn chưa thể thích nghi mưa nắng biên thùy. Trái ngược khung cảnh ấy, mỗi mùa xuân về, hàng đào thẳng băng luôn bật lá xanh, hoa thắm từ thân cây cằn cỗi mốc thếch địa y.

“Tất cả những cây kia đều do khách của đồn biếu tặng. Ai mới về đồn nhận công tác hoặc chuyển đi cũng trồng một cái cây”, một chiến sĩ người H’Mông giới thiệu cho khách. “Hoa đào đẹp quá. Nhiều người quen gọi là đào đá, khác hẳn loại đào màu hồng ửng, cánh mỡ màng dưới xuôi. Mình thấy hoa đào trên này hoang dại, se sắt như trổ ra từ đá núi” - khách cũng vui vẻ góp chuyện.

“Các anh chị có thích không, bộ đội tặng cả gốc đào này về xuôi chơi Tết? Bộ đội nói thật mà, cây thì trồng lại được, nhưng người về rồi khó lên đây lắm! Cứ nhìn vào mắt nhau thì biết thôi”. Câu nói pha niềm tiếc nuối của người lính trẻ khiến ai nấy đều cay mắt.

Lại cùng nhau bước trên con đường quanh co dốc, chúng tôi đứng trên mỏm núi vắng hiu, mặc mây chiều từ lòng thung lũng cuồn cuộn dâng ngập dấu chân. Phút chốc, người hòa vào núi, núi đổ bóng người. Rồi những tiếng cười rúc rích vang lên. Là những cô giáo và cán bộ trẻ hôm nọ ăn cơm cùng nhau trên trạm. Có cô nháy mắt rất tinh nghịch, vài đốm tàn nhang trên gò má nhấp nháy theo: “Mấy chú bộ đội kể, chị còn là nhà thơ, chị đọc thơ đi”.

“Người có thể lạc nhau/ Nhưng đất là máu xương, nước mắt/ Người có thể hận thù, hờn trách/ Nhưng rừng đầy bao dung/ Em cứ mở lòng mình rồi sẽ thấy/ Cánh hoa bay tự biết lối về/ Chái nhà vẫn tiếng chim gù quẩn mùi khói bếp/ Em có là ai vẫn khôn nguôi hờn tiếc/ Vẫn nhìn trẻ nhỏ khóc cười biêng biếc ngày sau...”.

Bút ký của lữ mai
TIN LIÊN QUAN

Quảng bá văn hóa dân gian Thái Bình tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Khánh Linh |

Các hoạt động quảng bá, tôn vinh văn hóa dân gian tỉnh Thái Bình như chèo, múa rối nước, trò chơi dân gian pháo đất... diễn ra tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán Canh tý 2020.

Phó Thủ tướng thăm đồn biên phòng và bà con các dân tộc tỉnh Hà Giang

V.T |

Ngày 5.1, tại tỉnh Hà Giang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đến thăm, chúc Tết cán bộ chiến sỹ đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thuỷ (tỉnh Hà Giang) và tặng quà bà con các dân tộc trong tỉnh.

Chính sách với dân tộc thiểu số được sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước

Thanh Hà |

Chính sách với dân tộc nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước góp phần nâng cao rõ rệt đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

“Người vận chuyển” những chuyến xe miễn phí đón công nhân về quê ăn Tết

Trần Tuấn |

Để việc đón công nhân về quê ăn Tết diễn ra thuận tiện nhất, lái xe của các doanh nghiệp vận tải đã đưa xe đến khu công nghiệp Thăng Long từ tối hôm trước và ngủ qua đêm chờ công nhân tới.

Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc rời Thủ đô về quê ăn Tết

PHẠM ĐÔNG - HỮU CHÁNH |

28 Tết, tại các bến xe lớn Hà Nội như Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát... bắt đầu nhộn nhịp, người dân khăn gói đồ đạc về quê nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đầu tư chứng khoán dài hạn có hiệu quả hơn gửi tiết kiệm?

LÂM ANH |

VN-Index kết năm 2022 giảm gần 33% dẫn đến tỉ suất sinh lời của các nhà đầu tư trên kênh này bị kéo tụt đáng kể. Trong khi đó, cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi đang ngày một nóng lên khiến kênh đầu tư chứng khoán đang ngày càng lép vế hơn trong cuộc đua hút dòng tiền.

Người dân lỉnh kỉnh hành lý về quê ăn Tết, có chặng xe về miền Tây hết vé

Chân Phúc |

Lượng khách tăng đột biến tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) trong sáng ngày 19.1. Một số chặng từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây đã rơi vào tình trạng hết vé.

Người lao động Việt Nam ở nước ngoài: Luôn khắc khoải nỗi nhớ Tết quê nhà

Vương Trần |

Tết Nguyên đán Quý Mão đến nhưng ở nơi xa xứ, nhiều lao động Việt Nam vẫn đang ngược xuôi, mưu sinh với công việc. Xa quê, nơi xứ người, nhiều lao động không khỏi bồi hồi, nhớ hương vị Tết quê.

Quảng bá văn hóa dân gian Thái Bình tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Khánh Linh |

Các hoạt động quảng bá, tôn vinh văn hóa dân gian tỉnh Thái Bình như chèo, múa rối nước, trò chơi dân gian pháo đất... diễn ra tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán Canh tý 2020.

Phó Thủ tướng thăm đồn biên phòng và bà con các dân tộc tỉnh Hà Giang

V.T |

Ngày 5.1, tại tỉnh Hà Giang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đến thăm, chúc Tết cán bộ chiến sỹ đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thuỷ (tỉnh Hà Giang) và tặng quà bà con các dân tộc trong tỉnh.

Chính sách với dân tộc thiểu số được sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước

Thanh Hà |

Chính sách với dân tộc nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước góp phần nâng cao rõ rệt đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số.