Trường đóng cửa, giáo viên mầm non tư thục xoay đủ nghề

Nhóm Phóng viên |

Bán rau, bán hàng online, phụ bán quán, thậm chí xin đi làm công nhân thời vụ... là những công việc mà rất nhiều giáo viên mầm non tư thục tìm đến trong suốt thời gian gần 2 năm qua, khi các nhà trường, cơ sở mầm non tư thục đóng cửa do dịch COVID - 19. Vẫn chưa biết đến khi nào cơ sở mầm non tư thục mở cửa trở lại! Rất cần chính sách hỗ trợ cụ thể cho cơ sở mầm non tư thục và giáo viên mầm non thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Không lương, không việc làm, phải xoay xở...

Xoay xở chuyển qua làm công nhân cũng không được, chị Bùi Tuyết (Đại Mạch, Đông Anh, Hà Nội) cùng gia đình lại đau đầu tính toán và cuối cùng quyết định vay mượn để kinh doanh. Những ngày này, chị Tuyết đang cùng gia đình sửa sang cửa hàng, bán đồ điện nước.

8 tháng trước, chị Tuyết là cô giáo tại cơ sở mầm non Toàn Cầu (Đông Anh, Hà Nội). Dịch COVID-19 bùng phát, cơ sở mầm non buộc phải đóng cửa, chị không có việc làm. Vì chưa biết khi nào được quay trở lại với công việc đã gắn bó 3 năm, áp lực tiền bạc đè nặng buộc chị phải chuyển công việc khác.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hương - Giáo viên tại cơ sở mầm non tư thục ở Đông Anh (Hà Nội) cũng mong ngóng từng ngày để được đến lớp. Dù không phải chịu cảnh thuê nhà như một số giáo viên khác, song với đồng lương eo hẹp làm công chức xã của chồng, gia đình chị khó gồng gánh được những chi tiêu cho cuộc sống của 4 người. Buộc phải dè sẻn mọi thứ, mảnh vườn của chị Hương được xới xáo liên tục, trồng đủ loại rau.

Chị Hương chỉ phải mua thịt, cá; cắt giảm cả bỉm cho con; bé lớn 5 buổi chỉ còn một cữ sữa buổi tối. Và chính chị Hương cũng thừa nhận: “Tôi còn không dám tiêu tiền”. Không có thu nhập, chị Hương xin đi làm thời vụ cho một công ty điện tử ở Khu công nghiệp Thăng Long.

Làm việc thời vụ quyền lợi không được như công nhân chính thức, song chị Hương vẫn chăm chỉ lao động. Chị mong sắp đến cuối năm, công ty đẩy mạnh sản xuất kinh doanh nên có nhiều việc để làm hơn. Tháng vừa qua, chị có 6 triệu đồng để chi tiêu sinh hoạt, nuôi con nhỏ.

Gần 6 tháng mất việc do ảnh hưởng của dịch bệnh, cuộc sống của cô giáo Châu Ngọc (29 tuổi, La Ngà, Đồng Nai) - Giáo viên một trường mầm non ngoài công lập tại TPHCM gặp nhiều khó khăn.

Chị Ngọc cùng chồng “khăn gói” lên TPHCM lập nghiệp, xin làm tại một trường mầm non ngoài công lập với mức lương 7 triệu đồng/tháng, chồng lái taxi. Dịch ập đến, công việc của cả 2 vợ chồng đều ảnh hưởng, không có thu nhập nên đành về quê sống nhờ bố mẹ.

“Vợ chồng tôi gửi con nhỏ cho ông bà để lên thành phố lập nghiệp 3 năm nay, thế nhưng tới 2 năm gặp dịch COVID-19. Khoản tích cóp đã hết sạch, đành về “ăn bám” bố mẹ. Sắp tới, vợ chồng tôi xin làm công nhân” - chị Ngọc tâm sự.

“Mắc kẹt” tại TPHCM suốt mấy tháng giãn cách, cô giáo Mai Hoa - giáo viên một trường mầm non quốc tế tại quận 1 cũng “chao đảo”. Cô Hoa mới đi làm nên khoảng tích cóp gần như không có, dịch đến, nhà trường cũng trả lương ở mức tối thiểu, cô chỉ đủ tiền trả nhà trọ. Bất lực, nữ giáo viên trẻ từng phải lên facebook để kêu gọi hỗ trợ về lương thực để sống qua ngày.

“Bất đắc dĩ lắm em mới phải đăng lên mạng xã hội để kêu gọi hỗ trợ lương thực sống qua ngày. Rất may phía công ty chủ quản của trường có người đọc được tin kêu gọi của em nên quyên góp, giúp đỡ em” - cô Hoa chia sẻ.

Chung cảnh ngộ, cô giáo Lâm Tú Phụng (trọ tại quận Thủ Đức) cũng không có lương nhiều tháng nay. Hằng ngày, chị Phụng đi bán cà phê và vừa ngóng chờ ngày trở lại trường.

Cơ sở mầm non tư thục lao đao

Chị Hương phải mải miết đi làm công nhân thời vụ, còn chị Tuyết đã có quyết định dứt khoát không thể gắn bó với nghề này. Hai chị là giáo viên của cơ sở mầm non Toàn Cầu - nơi đến 90% là con công nhân theo học.

Bà Nguyễn Thanh Phương - cán bộ quản lý cơ sở mầm non này hiện như ngồi trên đống lửa. Cơ sở có 22 cô, giờ đã có 4 cô xin nghỉ chính thức, 4 cô khác đang hưởng chế độ thai sản và một số cô giáo nữa cũng đang xin chốt Bảo hiểm xã hội.

Bà Phương chia sẻ, giáo viên trường công thì vẫn có lương, tuy nhiên ở tư thục lại vô cùng khó khăn.

“Vì không có hỗ trợ gì thêm nên các cô buộc phải tìm công việc khác. Chúng tôi cũng không có gì để giữ được chân giáo viên. Chỉ khi cơ sở mầm non được hoạt động trở lại, chúng tôi mới có thể dành phần nào đó hỗ trợ thêm với các cô giáo” - bà Phương nói.

Vừa qua cơ sở mầm non đã có khảo sát nhu cầu quay trở lại học tập các phụ huynh, kết quả rất khả quan. Song, bà Phương lo lắng khi học sinh được quay trở lại đi học, mà nhiều giáo viên xin nghỉ việc như vậy sẽ không đáp ứng được việc đào tạo.

“Nếu là lao động phổ thông thì rất đơn giản. Ở đây với giáo viên mầm non lại rất đặc thù. Để có một cô giáo có thể đứng lớp, buộc phải trải qua đào tạo và có kinh nghiệm. Trước giáo viên mầm non đã thiếu, nay muốn tuyển càng khó hơn” - bà Phương chia sẻ.

Giáo viên mầm non tư thục cũng nhận được khoản hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, song quãng thời gian ngừng việc quá dài nên không thấm thoắt vào đâu. Cho nên, bà Phương mong muốn cơ quan chức trách có sự hỗ trợ thêm về vấn đề tiền lương để các cô giáo có cơ hội, niềm tin được gắn bó với nghề.

“Tôi là chủ một nhóm trẻ, giờ tôi còn phải giã ruốc, đi bán lẻ từng lạng một để có việc làm, thu nhập” - chị Hà Thị Nhàn - chủ nhóm trẻ Trăng Non (Đông Anh, Hà Nội) trần tình. Bà Nhàn cũng chứng kiến các cô giáo mầm non phải đi bán từng bó rau kiếm thêm thu nhập. Có cô giáo ao ước mua một chiếc xe máy cũ để có phương tiện đi làm.

“Chắc là em chuyển nghề” - mỗi khi nghe chia sẻ này từ phía giáo viên khiến chị Nhàn đau đáu.

Chị bày tỏ: “Nếu đi học trở lại mà không có giáo viên chúng tôi cũng chết. Nếu không có cơ sở mầm non tư thục, nhiều bố mẹ là công nhân, làm khu công nghiệp không có chỗ gửi con. Họ đi làm ca, đi sớm, về muộn hoặc các con quá nhỏ. Cho nên, những cơ sở mầm non tư thục như chúng tôi hầu hết trông con công nhân vì đáp ứng được nhu cầu của họ”.

Nếu như những đợt trước nghỉ dịch 1-2 tháng, các cơ sở giáo dục mầm non tư thục vẫn có thể “chống đỡ”. Bà Nhàn nhẩm tính đợt này nghỉ khoảng 8 tháng, nên đơn vị ảnh hưởng nặng nề. Tới đây sắp đến Ngày Nhà giáo Việt Nam, bà Nhàn vô cùng trăn trở, không biết xoay xở ra sao để có phần quà tri ân, động viên đến các cô giáo.

Sẽ có giải pháp hỗ trợ

Theo ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - các cơ sở giáo dục ngoài công lập đang gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí để chi trả cho đội ngũ và các chi phí khác để duy trì hoạt động của trường. Điều này dẫn tới nguy cơ giáo viên mầm non chuyển đổi nghề nghiệp, bỏ việc, nhiều đơn vị phải dừng hoạt động, thậm chí đứng trước khả năng phải giải thể.

Để hỗ trợ cơ sở mầm non tư thục, giữ chân giáo viên mầm non bám trụ với nghề, ông Minh cho biết, hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực phối hợp với các bộ ban ngành, các thành phố lớn, lấy ý kiến doanh nghiệp, cơ sở mầm non tư thục để xây dựng chính sách hỗ trợ cụ thể cho cơ sở mầm non và giáo viên thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn TP.Hà Nội) cũng chia sẻ, bà đau đáu khi dịch COVID-19 đã khiến nhiều trường mầm non tư thục phải đóng cửa vì không đủ khả năng chi trả chi phí mặt bằng, thuê giáo viên và hàng loạt chi phí khác.

Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành giảm bớt các thủ tục hành chính để giúp cho các cơ sở giáo dục mầm non tư thục sớm tiếp cận được các gói tín dụng, bổ sung các gói hỗ trợ thất nghiệp cho các đối tượng là giáo viên mầm non tư thục đã bị ảnh hưởng việc làm sau đại dịch COVID-19.

Nhiều trường kiệt quệ

Đóng cửa liên tục nhiều tháng liền, lại phải gánh các khoản chi phí lớn khiến nhiều trường mầm non tư thục ở TPHCM rơi vào cảnh kiệt quệ, phá sản… Họ có thư kiến nghị gửi lên Chính phủ với mong muốn có chính sách hỗ trợ phù hợp. Theo thư kiến nghị, các trường mầm non tư thục đang trong bối cảnh vô cùng khó khăn vì là một trong những lĩnh vực đầu tiên phải ngưng hoạt động do dịch COVID-19. Đến nay, khi hầu hết dịch vụ được hoạt động trở lại thì các trường học vẫn chưa xác định được đến khi nào mới mở cửa.

Trong năm 2020, các cơ sở mầm non tư thục ở TPHCM phải đóng cửa 3,5 tháng. Riêng năm nay các trường đóng cửa hơn 5 tháng liên tục kể từ hôm 10.5. Dưới tác động của dịch COVID-19, hàng trăm cơ sở mầm non đã phải giải thể và hàng nghìn giáo viên mất việc. “Với áp lực từ tiền thuê mặt bằng và hỗ trợ giáo viên, nhân viên, nếu tình hình ngưng hoạt động tiếp tục kéo dài thì sẽ có nhiều hơn cơ sở giáo dục mầm non tư thục buộc phải đóng cửa”, thư kiến nghị nêu thực trạng khó khăn hiện nay.

Ông Ngô Văn Tuyên - Trưởng phòng GDĐT quận Bình Tân - cho biết các đơn vị mầm non tư thục hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, qua 2 năm dịch bệnh hầu hết các cơ sở đều rơi vào trạng thái “hết chịu đựng nổi rồi”, nhiều trường giải thể. Còn giáo viên mầm non ngoài công lập không đóng bảo hiểm xã hội không được hỗ trợ. Ông Tuyên kiến nghị Sở GDĐT và lãnh đạo TPHCM quan tân, hỗ trợ đối tượng này. Chung Huyên

TPHCM: Trợ cấp trẻ mầm non, hỗ trợ giáo viên ngoài công lập

Ngày 2.11, UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 105/2020/NĐ-CP ngày 8.9.2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn TPHCM.

Theo kế hoạch này, TPHCM triển khai các nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non thông qua các nguồn lực đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất...; quan tâm đến các chính sách để hỗ trợ giáo dục mầm non cho con công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập...

Đặc biệt, UBND TPHCM giao Sở GDĐT TPHCM chủ trì với các sở, ngành tham mưu UBND TP trình HĐND TP xem xét, quyết định mức trợ cấp đối với trẻ mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất và mức hỗ trợ giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu chế xuất, khu công nghiệp. Huyên Nguyễn

* Ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM - cho biết dịch bệnh xảy ra, các trường mầm non tư thục gặp nhiều khó khăn về thuê mặt bằng, vay ngân hàng để đầu tư, trả lương để “giữ chân” đội ngũ. Với kiến nghị của các chủ trường tư thục, UBND TPHCM đã giao Sở GDĐT chủ trì và sở đang tiến hành kiểm tra chế độ chính sách mà các trường có thể được hưởng, cùng với đó sẽ có những kiến nghị nhất là về lãi suất vay vốn ngân hàng… để có hỗ trợ phù hợp nhất trong tình hình dịch bệnh hiện nay. H.N


Nhóm Phóng viên
TIN LIÊN QUAN

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu đề xuất hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non tư thục

Ái Vân |

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất của Cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục mầm non tại TP.Hồ Chí Minh về chính sách hỗ trợ đặc biệt cho người lao động và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mầm non tư thục trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19.

Giáo viên mầm non tư thục làm công nhân thời vụ kiếm sống

ANH THƯ-LƯƠNG HẠNH |

Nghỉ dịch quá dài, nguồn thu nhập không có, không ít giáo viên trường mầm non tư thục phải vận lộn với nhiều công việc khác nhau để kiếm sống.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Dự báo diễn biến không khí lạnh mạnh giáp Tết Nguyên đán 2023

AN AN |

Cơ quan khí tượng nhận định không khí lạnh sẽ tác động mạnh hết ngày mai 17.1.2023 (tức ngày 26 Tết Nguyên đán).

Nguyễn Thái Luyện kháng cáo sau khi bị tuyên án chung thân

Anh Tú |

TPHCM - Sau khi bị TAND TPHCM tuyên án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba) vừa có đơn kháng cáo kêu oan cho rằng mình không lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Công ty Alibaba không gian dối khi cung cấp thông tin về các thửa đất để bán cho khách hàng.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Vụ việc cháu bé rơi xuống hố bê tông: Đã rút được đoạn cọc đầu tiên

PHONG LINH |

Tỉnh Đồng Tháp thông tin đã rút được được đoạn cọc bê tông đầu tiên tại công trình cầu Rọc Sen, nơi cháu bé 10 tuổi bị rơi xuống trước đó.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu đề xuất hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non tư thục

Ái Vân |

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất của Cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục mầm non tại TP.Hồ Chí Minh về chính sách hỗ trợ đặc biệt cho người lao động và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mầm non tư thục trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19.

Giáo viên mầm non tư thục làm công nhân thời vụ kiếm sống

ANH THƯ-LƯƠNG HẠNH |

Nghỉ dịch quá dài, nguồn thu nhập không có, không ít giáo viên trường mầm non tư thục phải vận lộn với nhiều công việc khác nhau để kiếm sống.