Trên lưng voi chiến - cuộc chạy marathon mùa xuân

Ama Lâm |

Với đồng bào các dân tộc ít người ở Đắk Lắk, từ xưa đến nay, chỉ có một loài vật tượng trưng cho quyền uy, sức mạnh vật chất và tinh thần của mỗi dân tộc, mỗi buôn làng hay mọi con người, đó là loài voi.

Cưỡi voi cũng khó đấy!

Loài voi đặc biệt nhạy cảm về thính giác, bởi vậy voi rất sợ kiến hay những côn trùng nhỏ chui vào tai. Chỉ huy voi tuy có nhiều dụng cụ và khá nhiều động tác nhưng những tín hiệu bằng âm thanh của quản tượng vẫn là quan trọng nhất. Không có một hệ thống âm thanh nào là cố định cả, tùy mối quan hệ của quản tượng và con voi của mình mà hình thành các tín hiệu, con voi sẽ “giải mã” mà ứng xử theo ý chủ.

Voi tuy to lớn và cồng kềnh nhưng rất khéo léo. Chưa nói  sự tháo vát bằng chiếc vòi của mình, voi vượt rừng leo dốc rất giỏi, trong đường chạy biết ép đối thủ lúc vào cua, biết cúi đầu, cụp tai để tạo dáng khí động học khi chạy... Nhìn chú voi to lớn đang đơn độc bươn rừng, ta thấy cái kỳ thú của núi rừng. Nhìn con voi mang trên lưng hai quản tượng trên đường đua, ta lại càng thấy hết vẻ hùng vĩ của thiên nhiên dưới bàn tay chế ngự của con người.

Trên cỗ bành, người ngồi thấy dễ chịu nhưng cưỡi trần trong tư thế đua voi (cũng là cách phổ thông nhất của đồng bào) lại phải luyện tập nhiều lắm. Bởi voi đi, chạy theo bốn nhịp, tựa như “nước băm” của ngựa chứ không phải “phi” cho nên rất xóc, đặc biệt người thứ nhất ngồi ngay trên hai u của vai trước, người thứ hai ngồi trên xương chậu phía sau, điểm tựa duy nhất là tay trái nắm đuôi voi. Và cũng khá nguy hiểm khi voi bắt đầu tăng tốc, nghiêng mình vào cua, chưa kể đến hai quản tượng phải làm việc liên tục. Người trước miệng thét, tay dùng một dụng cụ tựa như chiếc giáo nhỏ ra lệnh bằng cách đâm vào đầu voi, người sau cầm búa bằng gỗ nện liên tiếp vào hai mông nó. Cho nên nếu không có sức khỏe, lòng dũng cảm và sự khéo léo thì cưỡi voi cũng khó chứ đừng nói gì đến chuyện đua voi.

Marathon dài gần trăm cây số mới bắt được tù binh

Muốn tăng số lượng đàn voi, ngoài việc trông chờ voi nhà đẻ con (thường rất lâu mới có), đồng bào phải săn bắt voi. Ở Đắk Lắk, có những dòng họ chuyên làm nghề này, cha truyền con nối. Cụ ông M’Hia, người M’nông, đã 98 tuổi, là người giữ kỷ lục về bắt voi: 203 con. Ông Y Deh 86 tuổi, người Ê Đê, ở buôn Đôn, cũng bắt được 66 con.

Đã có những người, qua sách truyện kể rằng, người ta đi săn những chú voi to tướng về luyện mấy tháng thành voi chiến hoặc sản xuất. Thực tế làm gì có chuyện đó. Ông Y Deh đã cho chúng tôi biết như sau:

Voi có mặt trong chiến đấu và sản xuất. Voi là hiện thân sức mạnh và sự giàu có của các vị tù trưởng xưa, lưu truyền trong những bản trường ca đặc biệt tồn tại cho đến bây giờ. Hình tượng con voi được ghi trong trống đồng Tây Nguyên, trên cột lớn nhà dài hoặc tượng nhà mồ của các gia đình có thế lực. Voi vẫn là con vật quý nhất của người dân Đắk Lắk, được bà con yêu mến như người ruột thịt trong gia đình. Một khi voi ốm hay biếng ăn, chủ nhà lập tức mời thầy cúng về tổ chức lễ cúng cho voi mau lành bệnh...

Mùa xuân cũng là mùa đi săn bắt voi. Muốn thế, trước tiên phải có trong tay một đàn voi chiến, thường là 7 con trở lên. Đàn voi này lại phải có con đầu đàn rất “chiến”, có khả năng đánh nhau với voi rừng. Sau lễ cúng cầu may, đàn voi lên đường vào rừng tìm kẻ địch. Đường đi ròng rã có khi cả tháng chưa gặp mục tiêu, lương ăn hết phải quay về, rất cực khổ.

Khi gặp voi rừng, theo bản năng, con voi đầu ra nghênh địch, trong khi các quản tượng lùi xa, sẵn sàng trợ chiến bằng cách thị uy, bắn đạn vào kẻ địch nếu cần. Hai con voi đầu đàn gườm gườm nhìn nhau im lặng trong khi đồng đội của hai phe tỏ ý bực tức luôn giẫm chân thình thịch. Rồi chúng lao vào chiến đấu dữ dội, lúc này, chúng mới gầm thét rung chuyển núi rừng...

Về nguyên tắc, đi săn voi, nếu gặp địch, nói chung là sẽ chiến thắng vì còn có con người, vũ khí hỗ trợ, trừ khi gặp địch quá đông hoặc địch có hai voi ngang sức đang chuẩn bị tách đàn. Trận đấu giữa hai đầu đàn có khi rất lâu, tới cả mấy ngày, cho nên con người thường can thiệp vào để rút ngắn thời gian.

Người em trai ông Y Deh đã bị voi đâm chết khi vội vàng can thiệp vào trước cặp ngà của cường địch vào năm 1972, tại Ea Sup. Cuộc chạy marathon bắt đầu vào lúc mà tên đầu đàn bên kia bị thua, cả đàn cùng chạy. Lúc ấy, từ trên ngọn cây, các quản tượng lao xuống như bay, ai nấy lên voi mình để truy kích. Cảnh tượng sẽ thật ác liệt, “quân ta” rầm rập băng rừng đuổi theo, ít nhất cũng phải vài chục cây số mới có kết quả khi những voi con của đàn voi rừng yếu sức ngã xuống. Thế là thòng lọng (loại đặc biệt) cùng dây xích dài được dùng đến ngay để bắt tù binh.

 

Trận đánh lịch sử, khi ông Y Deh mới 15 tuổi, bắt được 4 tên tù binh, còn thông thường chỉ được một hai con là cùng. Khi ấy, đội trưởng đội săn voi sẽ cho cả đội trở lại ngay và về nhà ăn mừng chiến thắng, kèm theo chiến lợi phẩm để thuần hóa, luyện tập cả mấy năm mới dùng chúng vào việc được. Có trận, cuộc marathon kéo dài gần trăm cây số mới bắt được tù binh. Không bao giờ bắt được tù binh lớn và cũng không bao giờ thuần phục huấn luyện nhanh chóng được những con voi hoang dã này. Chuyện kể về những người săn voi, đại loại được ghi nhận như thế.

Voi vểnh tai nghe hòa tấu chiêng thánh thót

Tài sản “sống” duy nhất của đồng bào dân tộc ở Đắk Lắk là con voi, tài sản “chết” có giá trị nhất là chiêng, ché. Chiêng quý dùng để tấu trong mọi lễ lạt, trong đó có lễ bắt được voi, ché quý đựng rượu cần để uống trong lễ mừng nói trên. Những chú voi già, lão luyện trận mạc cũng ưa nghe hòa tấu chiêng, nhất là âm thanh của bộ chiêng Lào do chất liệu có pha vàng, đồng đen và chì nên vang xa cả chục cây số và ngân nga thánh thót.

Nhưng voi già thính lắm, trước lúc tấu chiêng mà có 9 tiếng trống cái vang lên dõng dạc tức là nhà chủ có việc tang cúng bệnh, nó chẳng ngó ngàng gì. Nhưng khi có tiếng đối thoại của cặp vợ chồng chiêng (M’du – Ana) vào nhịp so le mở đầu, nó phấn khởi lắm, vểnh đôi tai to tướng lên, lim dim mắt thưởng thức. Và khi ấy, dù có lá thơm hoặc chuối non cũng không thể làm nó rời khỏi phía sau gian khách, nơi bộ chiêng đang gióng lên sầm sập như thác đổ, ngân nga như gió thoảng để thổi vào không gian những âm thanh khỏe khoắn, ngợi ca vẻ đẹp và sức mạnh của thiên nhiên và con người nơi cao nguyên hùng vĩ của Tổ quốc.

Con voi được âm thanh dàn chiêng ve vuốt, có lẽ sẽ cảm thấy bớt đi nỗi đau đớn mệt nhọc của cuộc marathon đã qua và sẵn sàng lao vào những thử thách mới của sức mạnh và lòng dũng cảm...

Hãy đến với Đắk Lắk, bạn sẽ được thưởng thức những giai điệu Ê Đê, Mơ Nông và vị ngọt say nồng của rượu cần Tây Nguyên trong những ngôi nhà dài truyền thống.

Giờ này, phải chăng âm thanh một dàn chiêng nào đó của Tây Nguyên lại đang bay lượn để ngợi ca chiến thắng của một cuộc chạy marathon mùa xuân...

Ama Lâm
TIN LIÊN QUAN

“Độc chiêu” săn bắt, thuần dưỡng voi của người Tây Nguyên xưa

Bảo Trung |

Người Mnông nổi tiếng với việc săn bắt và thuần dưỡng voi. Để săn và thuần dưỡng một con voi rừng phải mất rất nhiều thời gian công sức và có thể nguy hiểm đến tính mạng...

Voi nhà Đắk Lắk trước ngưỡng cửa suy vong

Khánh Tường |

Nếu như giai đoạn 1975 - 1978, Đắk Lắk có trên 250 con voi nhà; từ năm 1979 - 1985 sụt xuống dưới 200 con thì đến thời điểm này, thống kê mới nhất của cơ quan chức năng cho thấy, đàn voi nhà ở địa phương này chỉ còn 45 cá thể. Đáng báo động là trong số 45 con voi hiện còn, không có con nào là không bị xâm hại, nhất là phần lông đuôi của chúng hầu hết đều không còn nguyên vẹn. Nhiều con bị cụt đuôi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và mọi hoạt động liên quan đến quá trình sinh tồn của từng cá thể voi.

Xúc động nghi lễ an táng voi của người Tây Nguyên

BẢO TRUNG |

Khi chú voi bảo mẫu H'Băn không may qua đời ở tuổi 57, anh Y winh Êung, dân tộc M'nông R'lâm (ngụ thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) bần thần, nghẹn ngào thương nhớ...

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

“Độc chiêu” săn bắt, thuần dưỡng voi của người Tây Nguyên xưa

Bảo Trung |

Người Mnông nổi tiếng với việc săn bắt và thuần dưỡng voi. Để săn và thuần dưỡng một con voi rừng phải mất rất nhiều thời gian công sức và có thể nguy hiểm đến tính mạng...

Voi nhà Đắk Lắk trước ngưỡng cửa suy vong

Khánh Tường |

Nếu như giai đoạn 1975 - 1978, Đắk Lắk có trên 250 con voi nhà; từ năm 1979 - 1985 sụt xuống dưới 200 con thì đến thời điểm này, thống kê mới nhất của cơ quan chức năng cho thấy, đàn voi nhà ở địa phương này chỉ còn 45 cá thể. Đáng báo động là trong số 45 con voi hiện còn, không có con nào là không bị xâm hại, nhất là phần lông đuôi của chúng hầu hết đều không còn nguyên vẹn. Nhiều con bị cụt đuôi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và mọi hoạt động liên quan đến quá trình sinh tồn của từng cá thể voi.

Xúc động nghi lễ an táng voi của người Tây Nguyên

BẢO TRUNG |

Khi chú voi bảo mẫu H'Băn không may qua đời ở tuổi 57, anh Y winh Êung, dân tộc M'nông R'lâm (ngụ thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) bần thần, nghẹn ngào thương nhớ...