Lần đầu tiên tham gia làm công trình trọng điểm quốc gia, ông Huỳnh Công Thảo (sinh năm 1974, tỉnh Bạc Liêu) làm việc ở phần móng cầu, gói thầu số 13 – chia sẻ, công việc bắt đầu từ 7h sáng đến 11h trưa, chiều từ 13h đến 17h, làm việc luôn trong cường độ cao.
“Thời gian gần đây, thời tiết nắng, mưa thất thường. Khối lượng công việc nhiều nhưng tôi cùng nhiều anh, em công nhân vẫn động viên nhau cố gắng lao động để đẩy nhanh tiến độ cho nhà thầu vì đây là công trình trọng điểm của Cần Thơ cũng như của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Thảo vừa lau mồ hôi vừa vui vẻ nói.
Ông Trương Vũ Thắng – Chỉ huy Trưởng gói thầu số 13, Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương – cho biết, đơn vị thi công gói thầu có chiều dài 8km, trong đó có 6 cây cầu và toàn bộ phần tuyến.
Theo ông Thắng, từ lúc triển khai thi công đến thời điểm hiện tại, trên công trường lúc nào cũng có khoảng 50 kỹ sư, công nhân tích cực làm việc liên tục dưới thời tiết thất thường lúc nắng, lúc mưa để đẩy nhanh tiến độ.
Về vấn đề cát san lấp, ông Thắng cho biết thêm, đợt trước, nguồn cát rất khó khăn nhưng một tháng trở lại đây, gói thầu đã có cát về trên công trường với số lượng hơn 20.000m3.
Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, gói thầu đã triển khai được 6 tháng nhưng đến nay vẫn gặp vướng mắc về hạ tầng. Từ đó, gặp rất nhiều khó khăn trong công tác thi công như di chuyển máy móc, thiết bị, an toàn lưới điện.
Trao đổi với Báo Lao Động, ông Đặng Hoàng Vĩnh - Giám đốc Quản lý dự án, Ban điều hành cao tốc, thuộc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ, chủ đầu tư dự án thành phần 2 – thông tin, từ lúc khởi công (ngày 17.6.2023), đến ngày 17.5.2024, dự án này đã có cát về công trường với khối lượng khoảng 90 nghìn m3 đang được tập kết tại gói 11 và gói 13 của dự án. Còn những gói khác đang chuẩn bị làm bãi tập kết.
Ông Đặng Hoàng Vĩnh thông tin thêm, thời gian cát về công trường từ giữa tháng 4.2024. Mỗi ngày trung bình về khoảng 4-5 nghìn m3. Trong khi để thi công đạt công suất tối đa cần khoảng 10 nghìn m3/ngày.
Trước đó, vào ngày 12.5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã có buổi kiểm tra cao tốc. Tại đây, Thủ tướng yêu cầu Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phải trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với các hộ dân, giải thích, đáp ứng quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người dân bị ảnh hưởng; hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 5.
Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188km, đi qua địa bàn các tỉnh, thành phố gồm: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Quy mô giai đoạn 1 có 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Tổng mức đầu tư của dự án là 44.691 tỉ đồng. Điểm đầu kết nối Quốc lộ 91 thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang. Điểm cuối giao với Quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng).
Dự án được chia thành 4 dự án thành phần gồm: Dự án thành phần 1 (An Giang) dài hơn 57 km, tổng vốn 13.799 tỉ đồng. Dự án thành phần 2 (Cần Thơ) dài hơn 37 km, tổng vốn 9.845 tỉ đồng. Dự án thành phần 3 (Hậu Giang) dài gần 37 km, tổng vốn 9.927 tỉ đồng. Dự án thành phần 4 (Sóc Trăng) dài gần 57 km, tổng vốn 11.120 tỉ đồng.