Tràng hoa trang điểm cho Đà Lạt

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN |

Tạo ra một chuỗi hồ để ngoài mục đích thủy lợi, cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân, còn thiết lập một chủ điểm cảnh quan trong lòng đô thị - đây có thể nói là ý tưởng trọng tâm ban đầu kiến tạo nên hình hài Đà Lạt của các nhà quy hoạch Pháp.

Thử trở về thời kỳ tiền đô thị của miền đất cao nguyên Trung phần Việt Nam thuở nhà thám hiểm, bác sĩ Alexandre Yersin vừa cùng quan toàn quyền Paul Doumer vừa làm cuộc khảo sát trên lưng ngựa để mở rộng viễn kiến về một thành phố trong tương lai. Các tài liệu chỉ ra rằng ở vùng giữa đồi Cù và tháp Lycée Yersin là dòng Đạ Lạch (Dà Làc). Một bon (buôn/ làng) bản địa có tên là Yộ với mươi nóc nhà thưa thớt kéo từ ven suối đến lưng đồi.

Vì nằm bên dòng Đạ Lạch nên Bon Yộ có tên Đạ Lạch. Có giả thiết lấy bản địa làm trung tâm thì cho rằng tên thành phố Đà Lạt là xuất phát từ hai chữ Đạ Lạch, nghĩa là Suối Lạch. Cách giải thích địa danh này cùng tồn tại bên cạnh một số lối kiến giải khác, như: Đà Lạt là đọc trại đi của chữ Đa Lạc (nhiều niềm vui), cũng có người giải thích bằng chữ đầu trong câu chiết tự tiếng Latin: “Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem” (Cho người này niềm vui, cho người khác sức khỏe).

Dù với cách hiểu nào, thì lối giải thích thích địa danh Đạ Lạch mà ông Nguyễn Hữu Tranh - một nhà biên khảo lớn tuổi sống tại Đà Lạt - có thuật lại theo lời kể của một số cụ già người Lạch cũng có thể giúp hình dung về bối cảnh tự nhiên thời tiền đô thị Đà Lạt. Theo lời kể của dân bản địa qua các khảo sát dân tộc học, thì không gian ở vị trí hồ Xuân Hương ngày nay chỉ là một con suối với ba đoạn mang ba tên khác nhau: Từ thượng nguồn đến ao Pàng Đờng (tơnau Pàng Dờng) tức, hồ Than Thở ngày nay thì dòng suối tên là Dà Pàng Dờng (Đạ Pàng Đờng); từ ao Pàng Đờng đến thác Liêng Tô Sra (nay là Cam Ly), dòng suối mang tên Đạ Lạch (Dà Làc); đoạn từ Liêng Tô Sra đổ vào sông Đạ Đờng dòng sối mang tên Mlơi (K’Mlơi, chữ này đọc trại thành Cam Ly)[1].

Trong các bức ảnh người Pháp ghi lại vào khoảng đầu thập niên 1920, trước khi người Pháp chắn một con đập ngang dòng suối Đạ Lạch để tích nước, tạo nên một cái hồ, thì hình dáng “tiền thân” hồ Xuân Hương chỉ như một cái ao nằm giữa các ngọn đồi lác đác vài nếp nhà.

Grand Lac (hồ Xuân Hương sau này) thuở mới xây dựng thành phố (ảnh chụp thập niên 1920).
Grand Lac (hồ Xuân Hương sau này) thuở mới xây dựng thành phố (ảnh chụp thập niên 1920).

Việc xây dựng hồ Xuân Hương phải nhắc đến công lao của công sứ Cunhac. Năm 1919, ông Cunhac cho đắp một con đập ở vị trí sau này là trung tâm thành phố với mục đích là tạo đường lưu thông qua suối. Ông cũng tính đến một hồ chứa nước sử dụng cho đô thị tương lai khi dân số tăng lên. Trong bài trả lời phỏng vấn ký giả A. Baudrit trên tuần báo Indochine số 108, ngày 10-2-1944, ông Élie Josephe Marie Cunhac có nói đến chi tiết xây hồ trong quá trình kiến tạo thành phố Đà Lạt.

“Thế còn hồ, một vòng hoa trang điểm của Đà Lạt, ai và khi nào bắt tay xây dựng nó?”, A. Baudrit hỏi.

Ông Cunhac đáp: “Hồ được hình thành tương đối gần đây. Theo đề xuất của tôi, thực tế nó được xây dựng quãng năm 1919 bởi ông Labbé, kỹ sư Sở Công chính. Những chỗ san lấp cũ để làm nền đường lại được nâng cao thêm và kéo dài trong khoảng các năm 1921-1922 theo lệnh của Công sứ Léon Garnier; năm sau một con đập thứ hai được xây dựng phía hạ lưu con đập thứ nhất để tạo ra hai hồ. Hai con đập này không đủ thoát một lượng tràn đủ lớn nên đã bị vỡ trong cơn bão tháng 5-1932. Ngay lập tức người ta làm lại hai đập nước khác theo các thông số cũ. Con đập hiện nay bằng đá được xây dựng trong khoảng thời gian 1934-1935 và lui về phía hạ lưu hơn so với những con đập trước”

Như vậy, năm 1923, thêm một đập nước nữa được xây, ngăn tạo thành hai hồ, nhưng sau đó một cơn lũ đã làm vỡ đập, gây thiệt hại cho hạ nguồn. Năm 1934, một đập nước kiên cố được xây dựng, tích trữ nước để tạo thành Grand Lac (Hồ Lớn), về sau là hồ Xuân Hương với mục đích tạo cảnh quan và chứa nước sạch tự nhiên cho cư dân sử dụng và tạo “vòng hoa trang điểm” cho cảnh quan thành phố.

Lịch sử của việc sử dụng nước hồ Xuân Hương và các hồ khác làm nước sinh hoạt cho người dân Đà Lạt là một câu chuyện dài, nhiều điều thú vị[2], ở đây xin đề cập đến giá trị cảnh quan mà hồ nước trung tâm liên đới với các hồ khác thuộc nội, ngoại ô thành phố mang lại.

Thực ra, dòng suối Đạ Lạch được đặt vào vị trí trọng tâm ngay trong bản báo cáo của thị trưởng Paul Champoudry ngày 12-3-1906. Trong bản đồ án này, ông Thị trưởng đã nghĩ đến một thành phố tương lai với phía Nam - tả ngạn là các công trình làm nên đời sống thành phố, phía Bắc - hữu ngạn dòng suối là khu quân sự. Từ đây, trong bản đồ án quy hoạch “thành phố vườn” đầu tiên của kiến trúc sư Ernest Hébrard (1923), đã có sự xuất hiện dòng suối cải tạo và hồ nước ở trung tâm bên cạnh các không gian công cộng như sân Cù, vườn hoa, khu thể thao... Cũng trong bản quy hoạch này, đã thấy nhắc đến điểm nhấn của hồ nước trung tâm là một nhà thủy tạ.

Đặt một dòng suối, sau đó, là một hồ nhân tạo vào trung tâm của cảnh trí, rồi từ đó lập cấu trúc các phân khu chức năng nương theo hồ, đó chính là điểm gặp gỡ, “mẫu số” của những bản thiết kế Đà Lạt từ thập niên 1920 đến 1940 của các kiến trúc sư từ Ernest Hébrard, Pineau, Mondet cho đến Lagisquet. Thành phố được xây dựng vây quanh hồ cũng là điểm mã hóa cơ bản cho các quy hoạch về sau.

Lac des Soupirs (hồ Than Thở sau này) thập niên 1920.
Lac des Soupirs (hồ Than Thở sau này) thập niên 1920.

Hồ Xuân Hương từ chỗ là công trình nhân tạo, đã tôn lên vẻ đẹp của tự nhiên và trở thành một di sản quý báu, không cho phép bất cứ một sự can thiệp nào. Trong bối cảnh sinh thái chung, đây là không gian không chỉ giúp thư giãn về mặt thị giác, tạo ra các điểm nhìn lãng mạn và bay bổng, mà sương khói, hơi ẩm, gió mát từ hồ cũng như sự trong lành làm nên một kiểu khí hậu đặc trưng Đà Lạt.

Nếu đi về dần về phía thượng nguồn, cái ao Pàng Đờng cũng được đắp một con đập vào năm 1917 để trữ nước tưới tiêu, sinh hoạt cho người dân. Tơnau Pàng Đờng mang một cái tên mới đầy bí ẩn và gợi cảm: Lac des Soupirs (Hồ Lao xao, có lẽ mô phỏng thanh âm cây cỏ ven hồ khi gió về luôn gợi cảm giác xa vắng, xao xuyến). Cùng với hồ Mê Linh, Đa Thiện, sau này, hồ Than Thở dệt nên cảnh sắc hữu tình của Đà Lạt trong lòng lữ khách.

Những đồi thông tịch liêu bên một thành phố thơ mộng, những ngày sương mù giăng, giữa hoang vắng đã có biết bao câu chuyện tình mang hơi hướm huyền thoại phố phường được dệt thêm cho địa danh này.

Như vậy, ngoài công năng cung cấp nước và giữ thành phố trong một hệ sinh thái hài hòa, chuỗi hồ xanh từ ngoại ô dẫn vào trung tâm lặng lẽ in sắc mây trời và cảnh vật, đời sống hiền hòa, làm cho hình ảnh thành phố thêm lung linh và đa diện.

Vào một đêm trăng sương của năm 1933, thi sĩ Hàn Mặc Tử đã cảm nghiệm vẻ đẹp huyền ảo khôn tả, vô ngôn của cảnh hồ Đà Lạt: “Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều/ Để nghe dưới đáy nước hồ reo/ Để nghe tơ liễu run trong gió/ Và để xem trời giải nghĩa yêu” (Đà Lạt trăng mờ). Cảnh hồ nước xanh in bóng mây vào một ngày giữa tháng 5-1946 cũng khiến học giả như Hoàng Xuân Hãn - một thành viên của phái đoàn Việt Nam - trong Hội nghị Trù bị Đà Lạt cũng... cầm bút vẽ tranh và đề thơ. Trong những bức không ảnh chụp toàn cảnh thành phố vào năm 1968, khung cảnh hồ xanh bên phố và đồi yên bình, không ai có thể nghĩ rằng nhiều trong số đó được chụp từ cánh trực thăng tác chiến trận Mậu Thân khốc liệt. Hồ xanh gợi nên một hình ảnh thành phố bình an và vô nhiễm đến lạ.

Một cẩm nang du lịch bằng tiếng Anh xuất bản vào thập niên 1960 đã viết: “Trên bối cảnh đồi núi chập chùng, hồ Xuân Hương tạo thành một quang cảnh mà không ngôn từ nào nói hết [...] Hồ Than Thở mang vẻ đẹp lãng mạn thi vị, mặt hồ in bóng những hàng thông duyên dáng và những triền đồi hùng vĩ. Quang cảnh tuyệt đẹp và quyến rũ”.

Đi xa hơn về thượng nguồn, không gian của hồ Suối Vàng ẩn trong thung lũng mang vẻ đẹp nguyên sơ, hồ Dankia với nhà máy điện có từ thời Pháp thuộc và về sau này, xuôi về những cánh rừng nguyên sinh bên kia đèo Prenn, là hồ Tuyền Lâm “sinh sau đẻ muộn”, nhưng đều được kiến tạo với “mã thiết kế” nhất quán, vừa đảm bảo công năng trữ nước và sinh thái, vừa kết thêm một bông hoa trong tràng hoa đẹp của Đà Lạt.

Không thể có một Đà Lạt nếu thiếu vắng hồ. Chưa thể đi vào tâm hồn Đà Lạt nếu chưa từng tản bước và ngồi lại tĩnh lặng bên hồ. Hồ tạo nên nhịp sống chậm rãi của một đô thị; mở ra sự khoáng đạt của không gian công cộng, nhưng lại tạo ra những khoảng riêng tư để một thành phố vừa cởi mở khiêm cung, lại vừa quyến rũ bởi mang một thế giới nội tâm phong phú và sâu lắng.

+++

[1] Nguyễn Hữu Tranh, Đà Lạt năm xưa, NXB Trẻ, 2018.

[2] Tìm hiểu thêm: Nguồn nước sạch cho Đà Lạt (Nguyễn Vĩnh Nguyên, Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ, NXB Trẻ, 2021, trang 267-285)

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
TIN LIÊN QUAN

Phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Vương Trần |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 19/QĐ-TTg ngày 15.1.2023 về việc phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ.

Nhân tố bất ngờ có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina

Ngọc Vân |

Thời tiết mùa đông ấm áp bất thường trong năm nay có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Ngắm nhìn những chậu lan hồ điệp trị giá vài chục triệu đồng tại Hải Phòng

Lương Hà |

Hải Phòng - Những chậu lan hồ điệp, có kích thước lớn, được sắp xếp khéo léo, có giá trị vài chục triệu đồng được người dân Hải Phòng đặc biệt chú ý và quan tâm trong dịp Tết Nguyên đán này.