
Trên mâm cúng đặt 64 chiếc bát, 64 đôi đũa lên 1 chiếc bàn vuông, vái vọng về hướng quần đảo Trường Sa, nơi liệt sĩ Hoàng Văn Túy - con trai cụ Nhỏ ngã xuống cùng đồng đội trong trận hải chiến năm ấy.

Liệt sĩ Hoàng Văn Túy là con trai thứ 4 của cụ Nhỏ. Năm nay, dù đã ngoài 90, sức khỏe yếu, thế nhưng hình ảnh về người con trai kiên trung và lần gặp con cuối cùng trong tâm trí cụ Nhỏ chưa bao giờ phai nhạt.
Đôi mắt đỏ ngầu, nước mắt lăn dài trên má, cụ Nhỏ tâm sự, con trai cụ - liệt sĩ Hoàng Văn Túy nhập ngũ năm 1985, trước khi hi sinh, anh có về ăn Tết với gia đình hai ngày.
Trong chuyến trở về quê hương ngắn ngủi vào dịp Tết Nguyên đán Mậu Thìn (1988), liệt sĩ Túy nói với cụ Nhỏ rằng, chỉ khoảng ba tháng nữa là anh sẽ được ra quân, tới lúc đó sẽ trở về quê hương, lấy vợ, phát triển kinh tế và chăm sóc bố mẹ lúc tuổi già.
"Năm đó, nó về thăm nhà vào hôm 30 Tết, đón giao thừa xong thì phải quay vào đơn vị luôn. Lúc ra đi, Túy còn dặn tôi đừng lo lắng, ở nhà phải giữ gìn sức khỏe, ít tháng nữa được ra quân nó sẽ về. Ngờ đâu, đó là lần cuối cùng ba con gặp nhau, con trai tôi đã hy sinh ở Trường Sa. Mất con ai cũng đau cả, nhưng tôi luôn tự hào, khi nó đã hy sinh xương máu của mình cho Tổ quốc" - cụ Nhỏ rưng rưng nước mắt.

Hiện nay, cụ Nhỏ đang ở cùng với con trai út là anh Hoàng Văn Vũ - cũng là người chăm lo hương khói, thờ tự liệt sĩ Hoàng Văn Túy.
Theo anh Vũ, vì không thể đưa thi hài anh trai về với đất mẹ nên vào năm 2002, gia đình và chính quyền địa phương đã lập một ngôi mộ gió cho liệt sĩ Hoàng Văn Túy tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Ninh.
Lời hứa khi ra quân sẽ quay về quê lập nghiệp, cưới vợ sinh con, phụng dưỡng cha mẹ của liệt sĩ Hoàng Văn Túy đã mãi không thể trở thành hiện thực - đây có lẽ cũng là lời hứa của rất nhiều chiến sĩ khác đã hy sinh thân mình để bảo vệ chủ quyền, biển đảo của Tổ quốc.