TP.Hồ Chí Minh: Thay đổi cách chống ngập vì quy hoạch lỗi thời

HUYỀN TRÂN - MINH QUÂN |

Một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Climate Central - tổ chức khoa học có trụ sở tại New Jersey, Mỹ thực hiện vừa được công bố mới đây đã đưa ra cảnh báo sốc rằng, các tỉnh Nam Bộ (trong đó có TPHCM) gần như ngập dưới nước ở đỉnh triều năm 2050. 

Thông tin được đưa ra đúng vào thời điểm những ngày này, người dân TPHCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang vật vã chống chọi với cảnh ngập lụt khi triều cường liên tiếp vượt báo động 3, đạt đỉnh hơn 1,7m. Với diễn biến phức tạp của thời tiết thì dự báo về khả năng phần lớn Nam Bộ bị chìm dưới đỉnh triều cường vào năm 2050 là điều hoàn toàn có thể xảy ra nếu chúng ta không có những giải pháp phòng chống ngay từ bây giờ.

Đồ họa của New York Times so sánh tình trạng ngập nước của miền Nam Việt Nam năm 2050 theo cách tính cũ và mới.
Đồ họa của New York Times so sánh tình trạng ngập nước của miền Nam Việt Nam năm 2050 theo cách tính cũ và mới.

Các quy hoạch chống ngập của TP.Hồ Chí Minh được duyệt trước đây hiện nay đã lạc hậu; công tác dự báo đã không lường hết được diễn biến biến đổi khí hậu và những yếu tố bất định khác. Nhiều thách thức mới đặt ra như hiện tượng lún đất, mực nước dâng, nhiệt độ, vũ lượng thay đổi do biến đổi khí hậu,... đòi hỏi các quy hoạch trên phải được cập nhật, điều chỉnh gấp. Đó là lý do UBND TP.Hồ Chí Minh vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiến hành nghiên cứu, rà soát tổng thể lại các quy hoạch chống ngập và đề xuất giải pháp mới.

Quy hoạch lỗi thời

Cho tới nay, TP.Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều dự án chống ngập thuộc 2 quy hoạch chính: Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.Hồ Chí Minh đến năm 2020 (gọi tắt quy hoạch 752); và Quy hoạch Thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.Hồ Chí Minh (gọi tắt Quy hoạch 1547). Tuy được phê duyệt cách đây từ 10 - 20 năm, nhưng cho đến nay, khối lượng công việc của hai quy hoạch này đạt được rất thấp.

Trong đó, quy hoạch 752 do JICA (Nhật Bản) lập từ năm 1997-1998, duyệt năm 2001, hiện không còn phù hợp vì chỉ còn hơn 1 năm là hết hạn quy hoạch nhưng đến nay, hệ thống cống thoát nước trong phạm vi 650km2 chỉ mới xây mới và cải tạo được 4.000/6.000km. Cũng vậy, dù đã cố gắng tập trung thực hiện bằng nhiều giải pháp và huy động nhiều nguồn lực nhưng hiện thành phố chỉ mới cải tạo được 60,3km/4.369 km sông, kênh, rạch. Ngoài ra, TP.Hồ Chí Minh cũng chưa xây dựng được hồ điều tiết nào trong 104 hồ dự kiến.

Các tài liệu, số liệu dùng để lập quy hoạch 752 cũng đã thay đổi sau gần 20 năm. Ví dụ, quy hoạch thoát nước mưa dựa vào yếu tố mưa trong 3 giờ tối đa đạt vũ lượng 95,91mm, tương ứng với đỉnh triều 1,32m. Nhưng trên thực tế, trận mưa lịch sử ngày 25.11.2018 lên đến hơn 400mm và đỉnh triều đã đạt tới 1,77m vào cuối tháng 9.2019.

Bên cạnh đó, quy hoạch 752 cũng chưa đề cập đến vấn đề chống ngập do triều, biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng và sụt lún do khai thác nước ngầm quá mức. Kết quả phân tích bằng kỹ thuật INSAR vi phân (xác định sự thay đổi bề mặt địa hình-PV) của PGS.TS Lê Văn Trung - chủ nhiệm bộ môn Hệ thống Thông tin tài nguyên và môi trường (Đại học Bách Khoa TP.Hồ Chí Minh) cũng cho thấy: Tình trạng lún đất hiện đang diễn ra tại nhiều quận - huyện với mức 5 - 10mm/năm. Còn theo kết quả giám sát lún mặt đất từ năm 2010 - 2017, có những khu vực trước đây không bị ngập triều, nhưng do mặt đất hạ thấp và mực nước biển dâng cao theo thời gian nên hiện đã dẫn đến ngập triều.

Còn quy hoạch 1547 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lập, Chính phủ phê duyệt năm 2008, lại chỉ chú trọng việc chống ngập do triều cường, chưa chú ý đến yếu tố mưa lớn và xả lũ. Chi phí đầu tư cho dự án cũng quá lớn, khối lượng công trình nhiều, thời gian kéo dài,...

Nước ngập sâu khu nhà giàu Thảo Điền (quận 2) khiến người dân phải chế bè xốp đi lại. Ảnh: MINH QUÂN
Nước ngập sâu khu nhà giàu Thảo Điền (quận 2) khiến người dân phải chế bè xốp đi lại. Ảnh: MINH QUÂN

Làm lại quy hoạch mới như thế nào?

Dù đã có hai quy hoạch chống ngập, nhưng KTS Ngô Viết Nam Sơn - Chuyên về kiến trúc và đô thị cho rằng, TP.Hồ Chí Minh hiện nay chưa thật sự có quy hoạch, chiến lược chống ngập, mà chỉ mới dừng lại ở tầm mức những dự án chống ngập.

Theo ông Ngô Viết Nam Sơn, hiện nay, những khu vực ngập nhất lại là khu vực

bêtông hóa, lấp hồ, kênh rạch, mật độ xây dựng cao lên gấp chục lần nhưng không hề dành không gian dành cho nước, không gian xanh, mặt nước, hồ điều tiết,… “Thực tế cho thấy, nhiều khu vực xây dựng thêm nhà cao tầng gần đây nhưng thiếu quy hoạch cải tạo hạ tầng và quy hoạch tốt không gian dành cho nước, thường bị ngập rất nặng. Điển hình là đường Nguyễn Hữu Cảnh trong khu trung tâm TP.Hồ Chí Minh. Dù đường nằm ngay cạnh sông Sài Gòn, nhưng do bị bêtông hóa hết nên khi mưa xuống, ống cống thoát không kịp, mực nước ngập trên bờ cao hơn cả mực nước sông Sài Gòn” - ông Sơn nói.

Theo ông Ngô Viết Nam Sơn, những khu vực phát triển đô thị phải có một tỉ lệ nhất định giữa diện tích bêtông hóa (xây dựng công trình, làm đường, lề đường,…) với diện tích dành cho nước (sông, hồ, kênh, rạch, không gian xanh, túi nước ngầm,…). Không những không được lấp kênh, hồ,… để xây dựng công trình, mà trái lại, cần mở rộng thêm không gian xanh mặt nước tự nhiên, khi khu vực tăng gia mật độ xây dựng.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - Chuyên về đô thị học cho rằng, để giải quyết việc ngập, lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh cần phải lựa chọn dứt khoát một trong hai cách sau đây, hoặc cả hai cùng lúc trong một tỉ lệ hợp lý nhất. Thứ nhất, thành phố phải quyết liệt theo đuổi chiến lược “thoát nước tự nhiên” thay vì “tích trữ”. Một điều mà ai cũng dễ nhận thấy, nếu khai thông trở lại 5 hệ thống kênh trục gồm Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Tân Hóa - Lò Gốm; Tàu Hũ - Bến Nghé; Kênh Đôi - Kênh Tẻ; Bến Nghé; Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật; và các con rạch như Văn Thánh, Cầu Sơn - Cầu Bông; rạch Bùi Hữu Nghĩa, rạch Phan Văn Hân, rạch Ông Tiêu, rạch Miếu Nổi, rạch Bùng Binh thì thành phố này không còn ngập nặng nữa, nếu có thì cũng chỉ là “bỗng chốc thôi”.

Theo ông Hòa, việc khai thông trở lại các dòng kênh rạch khó vì nó rất tốn kém, nhưng không phải là không làm được, minh chứng rõ ràng nhất cho chuyện này là trường hợp Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tân Hóa - Lò Gốm. “Tốn kém nhưng không có nghĩa là đắt đỏ. Nếu tính gộp tổng chi phí cho chống ngập lẻ tẻ, đối phó từng miếng, từng sự vụ kéo dài hơn 30 năm nay, cộng thêm vào phần chi phí để nâng hẻm, nâng nền nhà, làm lại nhà của hàng trăm nghìn hộ gia đình thì chắc chắn còn tốn kém hơn nhiều so với khơi thông các kênh xuyên tâm” - ông Hòa - nói.

Giải pháp thứ hai theo ông Hòa là “nhốt nước lại” trong một hầm chứa khổng lồ ở nơi trũng nhất của thành phố, sau đó chuyển ra sông bằng hệ thống kênh ngầm thoát ra biển, một phần khác tái sử dụng vào việc tưới cây, rửa đường, rửa xe. Mô hình hệ thống chứa và thoát nước siêu khủng của Tokyo (Nhật Bản) là hình mẫu mà TP.Hồ Chí Minh có thể học.

60% diện tích tự nhiên của TPHCM thấp hơn mực nước triều

Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, địa hình TPHCM tương đối thấp, chịu ảnh hưởng của thủy triều xâm nhập từ Biển Đông nên làm hạn chế khả năng thoát nước. TPHCM với diện tích 2.095,06km2 thì trong đó có 876,3km2 (chiếm 41,8%) có cao độ tự nhiên thấp 1m; 455km2 (chiếm 21,7%) có cao độ tự nhiên từ 1-1,5m; còn lại 783,44km2 (chiếm 37,39%) có cao độ trên 1,5m. Trong khi đó, những năm gần đây, mực nước triều cường tại TPHCM thường xuyên vượt mức báo động 3 - tức trên 1,5m, đặc biệt có nhiều thời điểm đỉnh triều đạt hơn 1,7m.

Nước xa không cứu được lửa gần

Theo PGS.TS Hồ Long Phi - nguyên Giám đốc Trung tâm Nước biến đổi khí hậu (thuộc Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh), bên cạnh cần rà soát, cập nhật các thông số tính toán cho các quy hoạch trước đây, quan trọng nhất hiện nay là cải tạo hệ thống thoát nước và tăng cường dung tích điều tiết. Đó là mục tiêu chính, ngắn hạn và hiệu quả ngay lập tức, chứ không phải chặn cửa ngoài biển hay xây đê bao bên ngoài, khi mà chúng ta đang rất thiếu vốn. Nước xa không cứu được lửa gần.

Ngoài nước biển dâng, Nam bộ sẽ ngập nặng do sụt lún

Từ dự báo đến năm 2050 phần lớn miền Nam Việt Nam sẽ ngập dưới nước ở đỉnh triều, nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam cho rằng, điều đó có thể xảy ra và tình trạng ngập không chỉ vì nước biển dâng cao.

Nhận định về nghiên cứu trên, GS.TS Phan Văn Tân (Khoa Khí tượng Thuỷ văn và Hải dương học, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, những nhận định trên vẫn chỉ là “kịch bản” và độ tin cậy thì vẫn còn tùy thuộc. Tuy nhiên, hiện tượng nước biển dâng và lún đất ở khu vực phía Nam chắc chắn là đã và đang xảy ra.

Ông Tân cho biết, Việt Nam cũng đã xây dựng những kịch bản biến đổi khí hậu (gồm biến đổi các hiện tượng thiên tai, khí tượng thủy văn…), trong đó, mục được ưu tiên nhiều là mực nước biển dâng. Theo kịch bản biến đổi khí hậu năm 2009, mực nước biển có thể dâng lên 1m (gần 40% Đồng bằng sông Cửu Long chìm trong nước). Đến năm 2012 và năm 2016, kịch bản đưa ra nước biển dâng ít hơn.

Theo GS.TS Phan Văn Tân, nguy cơ ngập sâu của Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ nằm ở việc nước biển dâng. “Nếu nước biển dâng lên mà đất cũng dâng lên thì chúng ta sẽ không mất đất. Tuy nhiên tại Đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta dễ mất đất bởi ngoài việc nước biển dâng lên và tốc độ sụt lún lớn, còn có nhiều nguyên nhân dẫn đến sụt lún, trong đó có thể kể đến việc khai thác nước ngầm. Theo một số tài liệu nghiên cứu, tốc độ sụt lún của Đồng bằng sông Cửu Long lớn gấp gần 10 lần dâng của mực nước biển. Vì vậy đang có những chiến lược để ngăn quá trình sụt lún”, GS.TS Phan Văn Tân nhấn mạnh.

Trao đổi với PV báo Lao Động, GS.TS Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường, Trường đại học Công nghiệp TPHCM cho biết, biến đổi khí hậu sẽ tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống. Cụ thể, nước biển dâng cao sẽ khiến tất cả mọi thứ sẽ phải thay đổi theo: Từ việc xây nhà, hạ tầng giao thông, canh tác nông nghiệp, ngư nghiệp... đều phải thay đổi để thích nghi. “Hiện nay chúng ta chỉ có thể giảm thiểu quá trình biến đổi khí hậu, thích nghi và chung sống chứ không thể chống lại hoàn toàn”, GS.TS Lê Huy Bá nói. PH.ANH - H.PHƯƠNG

Hà Lan đề xuất xây đê bao đa năng chống ngập cho TPHCM

Trước thực trạng TP.Hồ Chí Minh thường xuyên xảy ra ngập úng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, ngày 29.10, Bí Thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã thông tin tại Quốc hội về việc đề xuất giải pháp chống ngập đa chức năng cho thành phố.

Theo đó, phía Hà Lan đã đề xuất giải pháp xây dựng hệ thống chống ngập bền vững cho TP.Hồ Chí Minh, trong đó, chú trọng giải pháp tài chính mới. Phía Hà Lan muốn đề xuất biện pháp chống ngập cho quận 2 và quận 9, gồm 2 loại giải pháp chính.

Thứ nhất, một số chỗ sông có nguy cơ ngập nhiều sẽ làm đê sông, mặt ngoài sẽ ngăn nước, mặt trong làm nhà giữ xe, khách sạn, dịch vụ… chính vì vậy sẽ có tư nhân bỏ tiền xây đê để làm nơi kinh doanh. Cũng như có chỗ để diễn ra các hoạt động vui chơi giải trí.

Giải pháp thứ hai là ở một số vùng ít ngập hơn tại quận 9, phía Hà Lan đề xuất giữ lại khoảng 200ha làm vùng ngập tự nhiên, không bê tông hoá. Đê cũng được xây dựng, nhưng chủ yếu để ngăn nước sông lên, còn nước mưa thì thoát vào vùng sinh thái này, tạo không gian cho nước. 200ha này trở thành vùng du lịch sinh thái, sân golf và làm nơi thoát nước tự nhiên. Như thế, sẽ đạt được nhiều mục đích: Chống được ngập, không tốn nhiều tiền ngân sách...

HUYỀN TRÂN - MINH QUÂN
TIN LIÊN QUAN

Triều cường đạt đỉnh, "Shipper" ngã nhào cùng hàng hóa trong biển nước

Tú Phương |

Chiều tối 29.10, triều cường tiếp tục dâng cao và đạt đỉnh tại 1,7m - vượt báo động 3. Các tuyến đường ở thành phố Hồ Chí Minh ngập nặng. Trên tuyến đường Trần Xuân Soạn (quận 7, TP.HCM) nhiều xe chết máy, di chuyển khó khăn do nước dâng cao. Học sinh, công nhân phải lội nước về nhà sau giờ tan tầm.

Triều cường dâng cao: Người dân Sài Gòn xắn quần, co chân bì bõm trở về nhà

Hà Phương - Anh Tú |

Chiều ngày 29.10, triều cường tiếp tục dâng cao và đạt đỉnh tại 1,7m - vượt báo động 3. Nhiều tuyến đường ở thành phố Hồ Chí Minh ngập nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Dân Sài Gòn lại sắp bì bõm vì đợt triều cường vượt báo động 3

MINH QUÂN |

Đợt triều cường cuối tháng 10 trên sông Sài Gòn dự kiến đạt đỉnh 1,70m có thể gây ngập nặng nhiều khu vực ở TP.Hồ CHí Minh.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Triều cường đạt đỉnh, "Shipper" ngã nhào cùng hàng hóa trong biển nước

Tú Phương |

Chiều tối 29.10, triều cường tiếp tục dâng cao và đạt đỉnh tại 1,7m - vượt báo động 3. Các tuyến đường ở thành phố Hồ Chí Minh ngập nặng. Trên tuyến đường Trần Xuân Soạn (quận 7, TP.HCM) nhiều xe chết máy, di chuyển khó khăn do nước dâng cao. Học sinh, công nhân phải lội nước về nhà sau giờ tan tầm.

Triều cường dâng cao: Người dân Sài Gòn xắn quần, co chân bì bõm trở về nhà

Hà Phương - Anh Tú |

Chiều ngày 29.10, triều cường tiếp tục dâng cao và đạt đỉnh tại 1,7m - vượt báo động 3. Nhiều tuyến đường ở thành phố Hồ Chí Minh ngập nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Dân Sài Gòn lại sắp bì bõm vì đợt triều cường vượt báo động 3

MINH QUÂN |

Đợt triều cường cuối tháng 10 trên sông Sài Gòn dự kiến đạt đỉnh 1,70m có thể gây ngập nặng nhiều khu vực ở TP.Hồ CHí Minh.