Ngày 8.10 tàu metro cập cảng TPHCM
Ngày 20.9, ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết, sau nhiều ngày chờ đợi, hôm 18.9, có 6 chuyên gia Nhật Bản phụ trách giám sát việc tháo dỡ, lắp đặt của đoàn tàu metro số 1 đã nhập cảnh TPHCM, bắt đầu thực hiện cách ly 14 ngày theo quy định. Với việc các chuyên gia được nhập cảnh, ngày 30.9 đoàn tàu metro đầu tiên sẽ rời cảng Kasado (Nhật Bản). Dự kiến ngày 8.10 tàu sẽ cập cảng TPHCM và hai ngày sau đó sẽ được vận chuyển về đến Depot Long Bình (quận 9).
Theo ông Bùi Xuân Cường, việc thi công đoạn trên cao và Depot Long Bình thuộc gói thầu CP2 của tuyến metro số 1 đạt hơn 86% khối lượng, cam kết đạt 90% trong năm nay. Nhà thầu đã lắp đường ray, mái che, dựng tôn vách những tòa nhà xưởng chính, nhà tiện bánh xe... đảm bảo tốt nhất cho đoàn tàu metro đầu tiên về Depot (trung tâm điều hành và bảo dưỡng tàu metro).
Đoàn tàu metro số 1 gồm 3 toa với tổng chiều dài 61,5m, tốc độ tối đa thiết kế 110km/h (đoạn trên cao), 80km/h (đoạn hầm), có thể chở tổng cộng 930 khách, trong đó có 147 khách ngồi ghế, 783 khách đứng, trong tương lai sẽ nối thành 6 toa.
Theo kế hoạch, tàu metro số 1 sẽ chạy thử theo 3 giai đoạn. Lúc đầu, tàu chạy thử trên đoạn Bình Thái - depot Long Bình (quận 9); kế đến là từ Ga Bình Thái đến Ga Văn Thánh (quận 2); đến đầu năm 2021, tàu chạy thử giai đoạn cuối từ ga Văn Thánh đến ga Bến Thành (quận 1).
Ông Bùi Xuân Cường cho biết, dịch COVID-19 đã làm tiến độ dự án metro số 1 bị ảnh hưởng và khối lượng thi công dự án giảm vì chuyên gia không thể nhập cảnh vào Việt Nam và thiết bị, máy móc không thể nhập khẩu. Tuy nhiên, những khó khăn trên đang từng bước được tháo gỡ. Tuyến metro số 1 có hàng trăm chuyên gia nước ngoài, trong thời gian tới cũng sẽ lần lượt nhập cảnh để xử lý các công việc liên quan như: Lắp đặt đường ray, thử nghiệm hệ thống thông tin, tín hiệu, kiểm tra kỹ thuật, bảo dưỡng....
“Ban cùng các nhà thầu sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu cuối năm 2020 đạt 85% và đưa tuyến metro số 1 vào khai thác cuối năm 2021” - ông Cường khẳng định.
Nhiều vướng mắc về vốn chờ tháo gỡ
Mặc dù trên công trường tuyến metro số 1 đang tăng tốc về đích nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là vấn đề vốn. Điều đáng nói là, đây không phải là khó khăn mới nảy sinh và cũng không phải do thiếu vốn. Vấn đề nằm ở các thủ tục hành chính trong phối hợp giữa chủ đầu tư với các tư vấn, nhà thầu… giữa chính quyền thành phố và các bộ liên quan.
Theo đó, vốn ODA vay lại của dự án metro số 1 đã giải ngân khoảng 5.000 tỉ đồng trong tổng gần 10.000 tỉ đồng được giao. Riêng vốn ODA từ ngân sách Trung ương, kế hoạch phân bổ cho dự án này là 2.185 tỉ đồng nhưng chưa giải ngân được đồng nào. Lý do là việc xác định giá trị ODA cấp phát còn lại bằng đồng yên Nhật vẫn gặp vướng mắc chưa thể giải quyết dứt điểm. Ngoài ra, nguồn vốn đối ứng ngân sách bố trí cho dự án năm 2020 là 1.071,1 tỉ đồng nhưng đến nay cũng mới vẻn vẹn 134,078 tỉ đồng (đạt 12,52%).
Cũng liên quan về nguồn vốn tuyến metro số 1, mới đây UBND TPHCM đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị gia hạn khoản vay hơn 8,6 tỉ yên Nhật (tương đương khoảng 1.900 tỉ đồng Việt Nam) để làm tuyến metro số 1 vì hiệp định vay vốn sắp hết hạn. Số vốn 8,6 tỉ yên Nhật là phần còn lại trong tổng trị giá hơn 44,3 tỉ yên được vay để làm tuyến metro số 1. Đến nay khoản vay đã giải ngân được 35,7 tỉ yên, còn hơn 8,6 tỉ yên chưa được giải ngân. Hiệp định vay cũng đã hai lần xin gia hạn kể từ khi hết hiệu lực vào tháng 10.2018.
Một trong những nguyên nhân khiến số vốn 8,6 tỉ yên Nhật chưa giải ngân được là do các bộ, ngành chưa thống nhất sẽ giải ngân theo giá trị tiền đồng hay yên Nhật. Phía Bộ Tài chính khi giải ngân muốn tính theo yên Nhật; còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi giải ngân muốn quy đổi sang tiền đồng. Trong khi phía TPHCM cũng thống nhất theo cách tính của Bộ Tài chính nhưng đến nay các bên vẫn chưa thống nhất được sẽ giải ngân theo giá trị tiền nào.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, trong lúc chờ được gia hạn, dự án còn một hiệp định vay vốn khác để thanh toán cho các gói thầu nên không ảnh hưởng đến tiến độ thi công của tuyến metro số 1. Trước đó, do vốn ODA giải ngân chậm nên TPHCM đã phải nhiều lần ứng vốn ngân sách để thi công dự án.