Nguy cơ metro số 1 ế khách nếu thiếu kết nối
Tuyến metro số 1 dài 19,7km bao gồm 14 nhà ga, trong đó có 11 nhà ga trên cao (dọc theo trục xa lộ Hà Nội), 3 nhà ga ngầm khu vực trung tâm TPHCM, gồm: Ba Son, Nhà hát Thành phố và Bến Thành. Hiện dự án đạt hơn 82% khối lượng và dự kiến sẽ vận hành thử toàn tuyến, tiến đến khai thác thương mại trong năm 2022.
Để tuyến metro số 1 đạt hiệu quả, TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn - chuyên về quy hoạch đô thị cho biết cần xây dựng mạng lưới bãi xe xung quanh các trạm metro và mạng lưới xe buýt chằng chịt từ các trạm metro tỏa đi khắp nơi trong thành phố. Bởi việc xây dựng các bãi xe xung quanh metro và các tuyến xe buýt đóng vai trò hàng đầu trong việc thu nhận hành khách về cho metro. Trong tình huống chưa hình thành mạng lưới xe, có thể thấy rằng năng suất xe chạy với lượng khách cao nhưng sức thu hút không cao, dẫn đến chưa hiệu quả như mong muốn.
“Có thể thấy trước mắt, TPHCM có thể bù lỗ cho việc vận hành metro trong thời gian khá dài trước khi đạt hiệu quả bởi khi hành khách nhiều, lấp đầy các tuyến thì tiền vé có được mới đủ vận hành. Khi chưa đồng bộ xe buýt và bãi xe, với kinh nghiệm các tuyến metro trên thế giới, tôi thấy người ta chỉ tò mò đi metro trong 1-2 tháng đầu, rồi lượng khách giảm dần do không có kết nối thuận tiện với metro” - ông Sơn nhận định.
Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Minh Hòa - nguyên Trưởng khoa Đô thị học và Quản lý đô thị (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM) - cho rằng, một vấn đề nan giải mà tuyến metro số 1 phải đối mặt là làm sao người dân đi đến được các nhà ga từ những nơi cư trú rất xa tuyến metro này. Những người sống trong bán kính 1km - 1,5km ở gần các nhà ga như khu vực Bến Thành, Thảo Điền, An Phú, An Khánh thì có thể đi bộ, còn những người ở xa hơn cách từ 2km trở lên thì vẫn chưa có lời giải nào cho hợp lý.
Theo ông Hòa, nếu không có xe buýt tuyến, xe nhỏ luồn lách đưa đón như xe tuk tuk của Bangkok, xe jeepney của Manila, xe mini bus của Jakarta thì rất có thể các ga metro cần một diện tích khá lớn để giữ xe đạp và xe máy cho hành khách gửi từ sáng đến chiều để đi vào, ra nội thành làm việc và trở về trong ngày. “Nếu không giải quyết được phương tiện đi đến nhà ga hoặc nơi để gửi xe tại nhà ga thì nguy cơ metro số 1 ế là hiện thực” - ông Hòa nhận định.
Tổ chức xe buýt, BRT kết nối nhà ga metro số 1
Theo ông Bùi Xuân Cường - Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR), trên trục Xa lộ Hà Nội - nơi có 11/14 nhà ga metro số 1 hiện đang có 9 tuyến xe buýt hoạt động với năng lực vận chuyển khoảng 110.000 lượt hành khách/ngày. Tuy nhiên thực tế khai thác chỉ mới đạt được 65% so với năng lực. Lộ trình hoạt động của các tuyến xe buýt này có độ trùng lắp khá cao với tuyến metro số 1.
Tuyến metro số 1 dự kiến hoạt động với số chuyến kế hoạch 300 chuyến/ngày, đoàn tàu 3 toa với sức chứa khoảng 930 hành khách, năng lực vận chuyển có thể đạt 280.000 lượt hành khách/ngày. Với năng lực vận chuyển lớn, nếu không được khai thác, vận hành hiệu quả tuyến metro số 1 sẽ gây ra lãng phí rất lớn cho thành phố.
Do đó, ông Bùi Xuân Cường cho biết, MAUR đã đề xuất TPHCM cần phải có những giải pháp kết nối đồng bộ hệ thống vận tải hành khách công cộng bao gồm đường sắt đô thị và hệ thống xe buýt. Cụ thể, điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt trên tiêu chí lấy tuyến metro số 1 làm tuyến trục. Hình thành điểm trung chuyển tại nhà ga Tân Cảng của tuyến metro số 1, các tuyến xe buýt đang hoạt động trên trục Xa lộ Hà Nội từ hướng trung tâm TPHCM đi ra sẽ được điều chỉnh kết nối vào điểm trung chuyển này.
Đồng thời, trong thời gian từ nay đến khi tuyến metro số 1 vận hành, có thể mở mới một tuyến xe buýt hoạt động giống như tuyến metro số 1 để dần định hình về luồng tuyến và tạo thói quen đi lại cho người dân. Ngoài ra, hoàn thiện mạng lưới vận tải hành khách công cộng ở khu vực phía Đông thành phố, mở mới các xe tuyến buýt thu gom kết nối với tuyến metro số 1. Theo đề xuất của Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị thì cần mở mới ít nhất 6 tuyến xe buýt thu gom nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tại khu vực Thành phố Thủ Đức.
Ông Đỗ Ngọc Hải - Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TPHCM) - cho biết vấn đề tổ chức giao thông dọc metro số 1 đang được Sở GTVT tải rà soát hiện trạng, cập nhật các dự án xung quanh để xây dựng kế hoạch nối kết đồng bộ. Trong đó, dọc tuyến metro số 1 sẽ xây dựng các bãi đỗ xe, nhà chờ xe buýt... giúp khách thuận tiện chuyển đổi phương tiện đi lại.
Đồng thời, hệ thống xe buýt dọc xa lộ Hà Nội được thay đổi theo hướng từ “điểm nối điểm” sang “tuyến trục - tuyến nhánh”. Việc thay đổi này nhằm đảm bảo người dân tại các địa bàn như thành phố Thủ Đức, Bình Dương... đều có thể tiếp cận được các nhà ga metro bố trí dọc xa lộ Hà Nội thông qua hệ thống xe buýt. Theo kế hoạch, giai đoạn năm 2021 - 2022, TPHCM dự kiến mở mới 20 tuyến buýt sử dụng xe buýt mini kết nối dọc metro số 1.
Ngoài ra, tuyến buýt nhanh (BRT) số 1 chạy dọc đường Võ Văn Kiệt vượt sông Sài Gòn kết nối với xa lộ Hà Nội tại ga Rạch Chiếc dự kiến hoàn thành năm 2022, phục vụ khách đi lại thuận tiện giữa hai loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn này.