Chiều ngày 11.7, HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết về việc thực hiện tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TPHCM.
HĐND TPHCM đánh giá phát triển giao thông công cộng phải kết hợp đi đôi với hạn chế số lượng phương tiện cá nhân. Phát triển vận tải hành khách công cộng là điều kiện để kiểm soát việc sử dụng xe cá nhân.
Ngoài ra, HĐND TPHCM đánh giá các giải pháp hành chính và kinh tế cần được kết hợp hài hoà và triển khai một cách toàn diện, đồng bộ trong việc kiểm soát phương tiện cá nhân (xe ô tô con, mô tô, gắn máy). Từ đó thực hiện từng bước, có lộ trình và có sự đồng thuận của người dân trong quá trình thực hiện.
Một trong những giải pháp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân là thu phí ô tô lưu thông vào trong khu vực trung tâm TPHCM trong giai đoạn 2021-2025.
Theo tờ trình của UBND TPHCM, thành phố đặt mục tiêu phát triển đồng bộ hệ thống vận tải hành khách công cộng để đảm bảo thị phần khu vực đô thị trung tâm đạt 15% nhu cầu đi lại vào năm 2025 và 25% nhu cầu đi lại vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu trên, TPHCM sẽ thực hiện 17 nhóm giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng, gồm: phát triển mạng lưới xe buýt đến năm 2030; tập trung nguồn lực mạnh mẽ đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ đưa vào khai thác 3 tuyến metro số 1, 2, 5 và 1 tuyến xe buýt nhanh BRT; đầu tư tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành; phát triển hệ thống xe buýt nhỏ dưới 17 chỗ; bố trí làn đường riêng cho xe buýt,…
Đồng thời thực hiện các giải pháp kiểm soát xe cá nhân: thu phí ô tô vào trung tâm; kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cộ, thí điểm kiểm tra khí thải với xe máy; phân vùng hoạt động xe máy phù hợp với hạ tầng và năng lực giao thông,…
Trong giai đoạn 2021-2025, TPHCM tập trung phát triển xe buýt và thực hiện một số giải pháp làm cơ sở triển khai các giải pháp kiểm soát xe cá nhân, tổ chức lại giao thông cho xe mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh tại trung tâm.
Trong giai đoạn 2026-2030 sẽ kiểm soát xe cá nhân và các giải pháp hỗ trợ sẽ được triển khai đồng bộ, tiến tới tổ chức lại lưu thông xe mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh tại một số khu vực.
Đề án dự toán, tổng kinh phí phí thực hiện trong giai đoạn 2021-2030 vào gần 393.800 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước là hơn 47.640 tỉ đồng, còn lại là ngồn vốn từ xã hội hóa hoặc vốn ODA.