Theo ghi nhận, liên tiếp nhiều ngày qua, chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí) mà ứng dụng AirVisual đo được tại TPHCM luôn duy trì ở mức màu xanh - chất lượng tốt.
Chuyên gia khí tượng thủy văn Lê Thị Xuân Lan nhận định thời gian các hoạt động xã hội, kinh tế bị ngưng trệ vì đại dịch COVID-19 đã khiến mật độ ô nhiễm hơi loãng đi. Giai đoạn này trời quang, ít mây nên độ hội tụ thấp, ô nhiễm chưa tích tụ nhiều.
"Những tháng tiếp theo, khi các công trường xây dựng, nhà máy sản xuất dần quay lại nhiều hơn, ôtô xe máy di chuyển ngoài đường nhiều hơn, ô nhiễm không khí chắc chắn sẽ quay trở lại" - bà nói.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, kết quả quan trắc ô nhiễm không khí trong quý 1/2020 tại 30 vị trí quan trắc cho thấy mức độ ô nhiễm môi trường không khí có xu hướng giảm dần.
Theo đó, các số liệu quan trắc được đều đạt quy chuẩn cho phép, tần suất vượt chuẩn của bụi lơ lửng tại 19 vị trí giao thông trong ngày 7.4 chỉ là 7,4%.
Ngoài ra, so với tháng 1.2020, khi mật độ giao thông đông đúc trong giai đoạn trước Tết Nguyên đán, nồng độ các chất ô nhiễm không khí trong tháng 3.2020 cũng giảm đáng kể. Cụ thể, bụi lơ lửng giảm 1,2 lần; PM10 giảm 1,36 lần; PM2.5 giảm 1,44 lần; CO giảm 1,2 lần; NO2 giảm 1,35 lần; SO2 giảm 1,1 lần.
Cũng theo Sở Tài Nguyên và Môi trường TPHCM, nguyên nhân chính của việc giảm ô nhiễm chất lượng môi trường không khí trong thời gian qua là do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; sản xuất ở các Khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; hoạt động xây dựng các công trình đều giảm quy mô hoạt động.
Đặc biệt, tại TPHCM, trong thời gian giãn cách xã hội, người dân hạn chế đi lại khiến cho mật độ giao thông giảm, không xảy ra tình trạng kẹt xe tại các nút giao thông nên đã giảm mức độ ô nhiễm môi trường không khí.
Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, thời gian tới các thành phần ô nhiễm không khí tại thành phố sẽ có xu hướng tăng trở lại do hoạt động giao thông và hoạt động công nghiệp.
Ông Hồ Quốc Bằng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ô nhiễm Không khí và Biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, theo khảo sát trên địa bàn TPHCM, hoạt động giao thông chiếm phát thải cao nhất, cụ thể chiếm 99% trong tổng phát thải CO, SO2 chiếm 78%, bụi chiếm 46%…Còn hoạt động công nghiệp của thành phố chiếm 22% trong tổng số phát thải SO2, bụi chiếm 21%.
Đặc biệt, theo ông Bằng, với sự gia tăng của các phương tiện giao thông cá nhân như hiện nay, tình hình ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn nói chung, TPHCM nói riêng sẽ càng nghiêm trọng nếu không có các chính sách, mục tiêu cụ thể và các hành động kịp thời đối với việc kiểm soát nguồn phát thải của các phương tiện giao thông.