Dự kiến thí điểm cuối năm 2019
Sở Giao thông Vận tải TPHCM vừa báo cáo Hội đồng tư vấn giao thông đô thị TPHCM (thuộc UBND TPHCM) về đề án tổ chức làn xe buýt ưu tiên trên đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu (quận 3).
Theo đề án, thành phố sẽ thí điểm tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt trên đường Điện Biên Phủ (từ đường Đinh Tiên Hoàng đến vòng xoay Lý Thái Tổ với chiều dài 3,6 km) và đường Võ Thị Sáu (từ đường Đinh Tiên Hoàng đến vòng xoay Dân Chủ với chiều dài 2,2 km).
Thời gian ưu tiên cho xe buýt trong 2 giờ cao điểm buổi sáng và 3 giờ cao điểm buổi chiều các ngày trong tuần. Mỗi làn đường ưu tiên cho xe buýt sẽ có chiều rộng 3,25m, được phân cách với phần đường còn lại bằng rào chắn cứng kết hợp với dải phân cách mềm.
Theo ông Trần Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM, nếu như đề án được UBND TPHCM phê duyệt thì làn đường ưu tiên sẽ được triển khai trong năm 2019.
Ông Trung cho biết, rút kinh nghiệm từ xe buýt nhanh BRT Hà Nội, trung tâm đang nghiên cứu mở rộng thêm các phương tiện khác được di chuyển vào làn đường ưu tiên này như xe cứu thương, cứu hỏa, xe mini buýt, xe khách từ 12 chỗ trở lên...
Lý giải cho việc chọn cặp đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ để làm thí điểm, ông Trung cho biết, hai tuyến đường này nằm trên trục kết nối chính giữa Bến xe Chợ Lớn và làng Đại học Quốc gia, do đó nhu cầu sử dụng rất cao, đặc biệt là học sinh, sinh viên.
Sẽ không đi vào "vết xe đổ"?
Trước đây, TPHCM đã từng thử nghiệm làn đường riêng cho xe buýt trên đường Trần Hưng Đạo (đoạn từ Calmette đến Nguyễn Tri Phương), đường một chiều từ Nguyễn Tri Phương đến Châu Văn Liêm.
Thành phố cũng mở 2 điểm giữ xe hai bánh miễn phí tại các điểm đầu bến và mở một tuyến xe buýt vòng tròn khu trung tâm để tăng thêm lượng khách.
Tuy nhiên, đề án này không thành công do thành phố không tính toán kỹ, đường cho xe buýt mà không có xe buýt chạy, xe máy thì quá nhiều.
Vì vậy, đề án lần này khiến nhiều người băn khoăn sẽ lại thất bại như trong quá khứ vì hai tuyến đường Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu đều có mặt đường hẹp, hiện đã quá tải vào giờ cao điểm.
Trong bối cảnh người dân vẫn chưa có thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng, việc dành riêng làn ưu tiên cho xe buýt trên hai tuyến này không những chưa thể thu hút người dân mà còn nguy cơ tăng ùn tắc.

Tuy nhiên, ông Trần Chí Trung khẳng định xe buýt muốn hoạt động hiệu quả phải đảm bảo nguyên tắc đầu tiên là đúng giờ. Hiện phương tiện cá nhân chiếm dụng quá nhiều diện tích đường, xe buýt không có chỗ chạy, đến trễ, chậm giờ nên mới bị “ghẻ lạnh”.
Theo ông Trung, lần này thành phố làm sẽ rút kinh nghiệm, điều tra, mô phỏng và tính toán thật kỹ. TPHCM đã có chương trình mô phỏng giao thông cho toàn thành phố do Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn thực hiện, đồng thời 2 tuyến đường đề xuất cũng đã hoàn thành chương trình giám sát điều hành giao thông thông minh.
Do đó, Trung tâm sẽ phối hợp cùng Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn để dựa theo những số liệu khảo sát thực tế chi tiết, xây dựng các kịch bản tổ chức giao thông hợp lý nhất.