Khu vực trung tâm TPHCM có hàng trăm tuyến đường lớn nhỏ bị ôtô chiếm dụng làm nơi đậu xe gây ùn ứ, cản trở giao thông. Trong khi đó, đã hơn 10 năm từ khi TPHCM có chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư các bãi đậu xe ngầm ở khu vực thành phố đến nay vẫn chưa có bãi xe nào được xây dựng, dự án vẫn còn nằm trên giấy.
Ôtô đậu chiếm lòng đường tràn lan
10h ngày 15.12, hàng chục chiếc ôtô nối đuôi nhau đậu hàng dài trên đường Alexandre de Rhodes và đường Hàn Thuyên (quận 1).
Trên hai tuyến đường này, biển báo cấm đậu ôtô rõ ràng nhưng nhiều tài xế vẫn cho xe vào đậu. Khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng thì những người này vội vã lái xe đi. Rất nhiều tuyến đường tại khu vực trung tâm TPHCM cũng đang trong tình trạng tương tự.
Các tuyến đường: Phó Đức Chính, Lý Tự Trọng, Nguyễn Trãi (quận 1), Trần Quốc Thảo, Kỳ Đồng (quận 3)... ôtô đậu dày đặc hai bên đường. Vào các khung giờ cao điểm sáng chiều, những đoạn đường này chật cứng xe máy, xe buýt, taxi... chen chúc nhau trên phần mặt đường còn lại.
Khu vực trung tâm TPHCM được xem là nơi có nhiều hoạt động dịch vụ mua sắm, giải trí, văn hóa nghệ thuật, du lịch, cơ quan hành chính… nhưng hiện lại thiếu trầm trọng các bãi đậu xe công cộng. Do thiếu các bãi đậu xe nên từ giữa năm 2018, Sở GTVT TPHCM đã triển khai tổ chức thu phí đỗ xe ôtô dưới lòng đường trên 23 tuyến đường thuộc địa bàn các quận 1, 5, 10, trong đó có 13 tuyến đường khu vực trung tâm. Tuy nhiên, việc sử dụng lòng đường làm nơi đậu xe hiện nay càng khiến cho diện tích dành cho giao thông bị thu hẹp, từ đó xảy ra hệ lụy cản trở giao thông, bát nháo và gây ùn ứ kẹt xe.
Trong khi nhu cầu gửi xe ôtô của người dân rất bức thiết thì tình trạng đầu tư xây dựng các bãi đậu xe công cộng TPHCM lại hết sức ì ạch.
Theo quy hoạch, trung tâm TPHCM có 4 bãi đậu xe ngầm (ở công viên Lê Văn Tám, sân khấu Trống Đồng, công viên Tao Đàn và sân vận động Hoa Lư), đáp ứng được 6.300 ôtô và 4.000 xe máy. Tuy nhiên, đến nay chưa có dự án nào được triển khai. Dự án được kỳ vọng lớn nhất là bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám đã được động thổ vào năm 2010. Thế nhưng sau đó dự án "án binh bất động" vì gặp nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai. Đến tháng 8.2019, UBND TPHCM đã chấm dứt hợp đồng với chủ đầu tư.
Nhà đầu tư đã "chán" các dự án bãi xe ngầm
Trao đổi với Báo Lao Động, ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết, hiện nay hầu hết các nhà đầu tư không quan tâm nhiều đến bãi đậu xe ngầm vì các thủ tục kéo dài. Hơn nữa, việc quy hoạch không gian ngầm chưa rõ ràng còn nhiều vướng mắc khiến nhà đầu tư không quan tâm.
Rõ ràng việc kéo dài thời gian làm dự án gây lãng phí cả về tiền bạc lẫn thời gian cho cả phía chính quyền và các nhà đầu tư. Ví dụ như dự án bãi đậu xe ngầm sân khấu Trống Đồng (quận 1), thủ tục xin cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy mất 2 năm; thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng mất 5 năm. Đó là chưa kể dự án phải điều chỉnh nhiều lần khiến doanh nghiệp tốn kém rất nhiều chi phí. Đơn cử như việc việc thay đổi thiết kế dự án do bị vướng hướng tuyến của tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đã khiến doanh nghiệp phát sinh chi phí hơn 9 tỉ đồng.
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - nguyên Trưởng Khoa Đô thị học của trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn TPHCM, cho biết, các vị trí làm bãi đậu xe ngầm ngay từ đầu cho thấy không khả thi. Ví dụ, tại dự án bãi xe ngầm công viên Lê Văn Tám không thể trả lại được mặt bằng công viên khi dự án hoàn thành. Hơn nữa, bãi xe quá xa ở trung tâm nên không ai để xe đó đi bộ vào. Chưa kể, khi chọn các vị trí này nhà đầu tư còn có các mục tiêu khác như làm trung tâm thương mại.
"Dự án bãi đậu xe ngầm không làm được thì nên ngưng để chuyển sang làm bãi đậu xe nổi. Các nhà đậu xe nổi tự động với diện tích 100-200m2, làm nhanh hiệu quả, ở khu trung tâm làm khoảng 10 bãi đậu xe nổi là đáp ứng nhu cầu đậu xe” - ông Hòa đề xuất.
TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, nhận định, có 3 nguyên nhân chính khiến các dự án bãi đậu xe ngầm nói riêng cũng như các dự án xây dựng hạ tầng bãi đỗ xe tại TPHCM nói chung đổ bể, loay hoay không triển khai được. Đó là chính sách xây dựng giá, việc thỏa thuận mô hình kinh doanh giữa chủ đầu tư với TPHCM và rủi ro về nhu cầu của người sử dụng.