Vừa thiếu, vừa lạc hậu
Tại hội nghị mời gọi đầu tư chống ngập và xử lý nước thải được UBND TPHCM tổ chức ngày 9.8, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Chống ngập nước TPHCM - cho biết, trước tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt như lượng mưa tăng cả về vũ lượng lẫn tần suất, đỉnh triều cường luôn duy trì trên mức báo động và tiếp tục gia tăng (hiện nay đang đạt đỉnh 1,71m so với mực nước biển), hệ thống thoát nước của thành phố chỉ đáp ứng 60%, nhiều tuyến đường thiếu hệ thống thoát nước.
Trong khi đó, các công trình chống ngập và xử lý nước thải tính đến nay lại chưa đủ để đảm bảo ứng phó với các tác động biến đổi khí hậu nói trên và hệ lụy là người dân còn khổ sở với ngập mỗi khi mưa lớn, triều cao. Nhiều khả năng tình hình sẽ xấu hơn nếu thành phố không đầu tư kịp thời các công trình ứng phó ngập, bởi các chuyên gia cảnh báo TPHCM là một trong 10 thành phố trên thế giới chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
TPHCM đến nay chỉ hoàn thành 3 dự án cải tạo kênh rạch, xây dựng được 3 nhà máy xử lý nước thải, cống thoát nước chỉ được khoảng 4.000km/6.000km cần xây dựng, nạo vét khoảng 60km trục thoát nước, xây dựng 26km đê bao ven sông Sài Gòn chống ngập cho quận Bình Thạnh, Hóc Môn, quận 12 trong khi đê bao ven sông cần xây dựng lên đến hàng trăm kilomet.
Chương trình giảm ngập là một trong 7 chương trình đột phá của TPHCM trong giai đoạn 2016-2020 có tổng nhu cầu vốn lên đến 73.359 tỉ đồng. Tuy nhiên, ngân sách thành phố chỉ cân đối khoảng 16.338 tỉ đồng; ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu 588 tỉ đồng; còn lại là kêu gọi nguồn xã hội hóa (PPP) khoảng 20.283 tỉ đồng; vận động nguồn ODA (kết hợp PPP) 36.132 tỉ đồng.
Dự án chống ngập phải minh bạch
Tại hội nghị, TPHCM mời gọi đầu tư 17 dự án, gồm: 7 dự án xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải; 6 dự án cải tạo, nạo vét kênh rạch; 3 dự án đê bao cùng các cống kiểm soát triều và 1 dự án ứng dụng công nghệ xử lý nước thải mới tại Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, TPHCM muốn mời gọi các nhà khoa học, các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư tham gia các dự án trên theo hình thức hợp đồng BLT (Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao), BTL (Hợp đồng xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ), BT (Xây dựng - Chuyển giao). Ngoài ra, đối với dự án xử lý nước thải thì nhà đầu tư có thể thu hồi vốn bằng nguồn phí xử lý nước thải sinh hoạt dự kiến được chính quyền thành phố ban hành quy định thu trong năm nay.
Thực tế, các dự án kêu gọi đầu tư đã có từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều dự án được triển khai do một số nguyên nhân. Trong đó, đầu tiên phải kể đến thủ tục hành chính vẫn là một trong những trở ngại cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, do suất đầu tư lớn nên nhiều nhà đầu tư quan tâm đến khả năng cân đối và chi trả của thành phố khi bỏ tiền vào dự án xử lý nước thải.
- Theo các nhà đầu tư, để thu hút tư nhân mạnh dạn rót vốn vào dự án xử lý nước thải, chính quyền thành phố cần sớm ban hành giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải. Ngoài ra, các cơ quan đầu mối tham mưu để chính quyền thành phố phê duyệt dự án phải là cơ quan có năng lực quản lý và kinh nghiệm chuyên môn; hạn chế các trường hợp nhiều vấn đề đơn giản nhưng phải lấy ý kiến của đủ các đơn vị, gây mất thời gian,..
- Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho hay các dự án mời gọi đầu tư sẽ tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại khu vực trung tâm TPHCM và một phần của 5 lưu vực ngoại vi rộng 550km2 với khoảng 6,5 triệu dân, cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước và tạo cảnh quan đô thị, góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường thành phố. “Chính quyền thành phố mong muốn các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước đưa ra giải pháp, đầu tư các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong quá trình thực hiện, TPHCM cam kết công khai, minh bạch” - ông Tuyến cam kết. M.Q