Ngày 7.7, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (chủ đầu tư) cho biết, đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế kỹ thuật của dự án đầu tư tuyến xe buýt nhanh - BRT số 1 để trình Sở Giao thông Vận tải (GTVT) trong tháng 7 này.
Trong quý III/2021, dự án tiến hành mời thầu theo quy định. Nếu mọi việc suôn sẻ, đầu năm 2022 sẽ khởi công gói thầu xây lắp với các hạng mục như xây dựng trạm dừng, nhà chờ, bãi đỗ, cầu đi bộ…
Song song đó, gói thầu phương tiện sẽ được đấu thầu để chọn đơn vị cung ứng phương tiện đủ năng lực.
Dự kiến năm 2023 sẽ đưa tuyến BRT đầu tiên của TPHCM vào vận hành.
Hồi cuối tháng 11.2020, UBND TPHCM đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Phát triển giao thông xanh TPHCM - dự án tuyến xe buýt nhanh BRT số 1.
Tổng mức vốn đầu tư tuyến BRT số 1 sau điều chỉnh là gần 3.300 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới hơn 121,2 triệu USD (tương đương hơn 2.849 tỉ đồng) và vốn đối ứng từ ngân sách thành phố hơn gần 423 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án đến năm 2023.
Tuyến BRT số 1 dài 26km, chạy dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ. Điểm đầu tuyến tại vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) và điểm cuối tại ga Rạch Chiếc (Thành phố Thủ Đức) kết nối với tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Sau này khi bến xe Miền Tây mới (huyện Bình Chánh) hoàn thành, lộ trình tuyến sẽ được nối dài đến bến xe này.
Trong giai đoạn đầu, tuyến BRT số 1 có 42 xe sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG) với sức chứa 60 - 72 hành khách.
Tuyến xe buýt nhanh đầu tiên của TPHCM chạy với tốc độ di chuyển 60km/giờ trên làn đường riêng được bố trí trên hai làn sát dải phân cách trung tâm. Dải phân cách bêtông sẽ được dùng để phân cách giữa làn BRT và làn xe khác.
Dọc theo tuyến có 28 trạm dừng, 2 trạm trung chuyển (Hải Thượng Lãn Ông, Hàm Nghi), 1 nhà ga Rạch Chiếc và bãi hậu cần tại Thủ Thiêm rộng hơn 13.000m2.