Hỗ trợ có lợi nhất cho người dân
Căn cứ Luật Đất đai năm 2024, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM vừa kiến nghị UBND TPHCM xem xét, chấp thuận chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với dự án thu hồi đất, di dời nhà trên và ven kênh rạch. Theo đề xuất này, hộ dân có nhà, đất ở ven kênh, rạch hình thành do lấn chiếm không được bồi thường nhưng sẽ được tăng mức hỗ trợ so với trước đây (15-40%).
Trường hợp đất sử dụng trước ngày 1.7.2014 sẽ được hỗ trợ bằng 70% giá bồi thường đất ở. Mức hỗ trợ này được áp dụng thống nhất không phân biệt bị thu hồi một phần hay toàn bộ. Trường hợp sau ngày 1.7.2014 thì không được hỗ trợ. Diện tích đất để tính hỗ trợ là phần đất có nhà, công trình, kiến trúc.
Song song với chính sách này, Sở Xây dựng TPHCM cũng đang lập đề án “Giải pháp giải quyết cho hộ dân có nhà ven, trên kênh rạch được thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội”.
Theo kết quả điều tra xã hội học năm 2022, tại 3 dự án di dời nhà ven kênh rạch ở quận 7 có 2.052/2.282 căn (chiếm 89,9%) là nhà trên và ven kênh rạch không có hồ sơ pháp lý về nhà đất, nhà xây dựng lấn chiếm. Tại dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm qua địa bàn quận Bình Thạnh có 285/1.203 trường hợp (chiếm 24%) thuộc diện này.
Xét tổng thể, trên địa bàn TPHCM có khoảng 60% số nhà di dời không có pháp lý, không đủ điều kiện tái định cư. Các trường hợp này chỉ được nhận tiền hỗ trợ đối với công trình, vật kiến trúc rất ít, không có khả năng để thuê hoặc mua nhà ở thương mại, tiềm ẩn nguy cơ tái lấn chiếm.
Do đó, Sở Xây dựng cho rằng, để tạo sự đồng thuận của người dân và thực hiện thành công chương trình di dời nhà trên và ven kênh rạch, vấn đề cấp bách cần phải được giải quyết là có chính sách về nhà ở, tổ chức lại cuộc sống cho những hộ dân không đủ điều kiện được hưởng chính sách về nhà ở xã hội. Sở Xây dựng ước tính TPHCM cần khoảng 18.000 căn nhà ở xã hội phục vụ tái định cư cho dự án cải tạo, chỉnh trang kênh rạch.
Hiện UBND TPHCM đang giao các địa phương rà soát, tổng hợp, báo cáo số lượng nhà ở trên và ven kênh, rạch cần thực hiện di dời.
Đồng thời, phân nhóm về pháp lý, nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, các trường hợp đủ điều kiện và không đủ điều kiện bồi thường về đất ở; số trường hợp cần bố trí tái định cư bằng nhà ở xã hội. Từ đó, các địa phương đề xuất quỹ đất có thể triển khai ngay việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư cho các trường hợp này.
“Chỗ ở đi trước, việc làm theo sau”
Sau 20 năm, qua nhiều giai đoạn triển khai các chương trình giải tỏa nhà trên và ven kênh rạch, TPHCM hiện di dời được gần 40.000 trong hơn 65.000 căn. Việc giải toả nhà lụp xụp ven kênh rạch và bố trí nơi ở mới cho hàng chục nghìn hộ dân giúp chỉnh trang đô thị, tạo diện mạo mới ở nhiều tuyến kênh như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hoá - Lò Gốm...
Tuy nhiên, so với giai đoạn 1993-2005, được đánh giá thành công, các kế hoạch di dời nhà trên và ven kênh rạch ở thành phố thời gian sau liên tục "phá sản".
Giai đoạn 2016 - 2020, TPHCM chỉ di dời được 2.479/20.000 căn, đạt 12,4% so với mục tiêu. Giai đoạn 2021-2025, TPHCM đặt mục tiêu di dời 6.500 căn nhưng dự kiến chỉ di dời được 4.987 căn, đạt tỉ lệ gần 77%.
Tiến sĩ Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TPHCM - cho biết, bản thân rất đồng tình với phương án hỗ trợ có lợi nhất cho người dân sống ven kênh rạch bị giải tỏa. Thực tế cho thấy nhà trên kênh rạch đa phần nhỏ hẹp, có nguồn gốc lấn chiếm nên khi Nhà nước giải tỏa, phần kinh phí bồi thường, hỗ trợ mà người dân nhận được thường không đủ để mua căn hộ, nền tái định cư. Đây là lý do chính khiến tiến độ di dời nhà trên và ven kênh rạch ở TPHCM chậm lại trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, ông Thuận lưu ý thành phố cần kết hợp "chỗ ở đi trước, việc làm theo sau" nhằm tạo đồng thuận cao để người dân dời đi.
"Ban đầu là chỗ ở. Sau đó là quá trình chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nghề để họ ổn định cuộc sống" - ông Thuận nói.