Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) - cho biết, chủ trương chăm lo đời sống, đặc biệt là nhà ở cho công nhân lao động là một chủ trương lớn của thành phố. Khi dịch bệnh xảy ra thì lãnh đạo thành phố có chỉ đạo Ban quản lý khu công nghệ cao TPHCM rà soát lại các quỹ đất và có đề xuất phương án về phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghệ cao.
"Ban quản lý SHTP đã rà soát, trên cơ sở rà soát thì sẽ có văn bản báo cáo thành phố và các sở ban ngành liên quan để cùng biết mà thúc đẩy tiến độ. Quan điểm của Ban quản lý đề nghị thành phố ưu tiên dự án mà trước đây đã giao đất và có chủ trương rồi thì đẩy nhanh thực hiện để đáp ứng nhu cầu. Hiện trong khu công nghệ cao thì quỹ đất không còn nhiều, một số dự án chưa triển khai đúng tiến độ nên thấy quỹ đất còn trống nhưng thật ra đã giao cho các chủ đầu tư, quỹ đất còn lại chưa giao thì không còn nhiều"- ông Thi cho biết.
Theo ông Thi, UBND Thành phố Thủ Đức có đề xuất sử dụng đất dự án Khu nhà chuyên gia tại Khu Công nghệ cao chuyển sang xây nhà ở dành cho công nhân.
"Đề xuất khu nhà ở chuyên gia giai đoạn 2 để xây nhà ở công nhân là đề xuất của Thành phố Thủ Đức. Khu nhà ở chuyên gia có 2 giai đoạn, giai đoạn 1 đã được giao khoảng một nửa, còn lại một nửa diện tích đất thì mình chưa bàn giao, phía Thành phố Thủ Đức điều chỉnh phân nửa còn lại để tập trung cho việc phát triển nhà ở cho công nhân" - ông Thi nói.
Trước đó, Thành phố Thủ Đức đã có báo cáo với UBND TPHCM về quỹ đất hơn 35,41 hécta để xây nhà ở lưu trú cho công nhân, đáp ứng cho gần 42.000 công nhân, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.387 tỉ đồng. Đây chính là khu đất thuộc dự án nhà ở và phục vụ chuyên gia tại Khu công nghệ cao, đã từng được Báo Lao Động phản ánh trong tuyến bài điều tra "Chảy máu đất công tại Khu Công nghệ cao TPHCM" vào tháng 6.2021.
Về vấn đề khi xây dựng nhà ở dành cho công nhân cần có cơ chế quản lý, giám sát thể nào để tránh bị trục lợi hay bị "chảy máu" như báo Lao Động phản ánh, lãnh đạo Ban Quản lý SHTP cho rằng, cần phải có quy chế quản lý đối với các dự án này.
"Trong quy chế đó thì chúng ta cần xác định rõ đối tượng được thụ hưởng, ví dụ đây là nhà ở cho người làm việc trong khu công nghệ cao, chúng ta phải định nghĩa cụ thể, rõ ràng người làm việc ở đây là như thế nào. Dự án chỉ thuê thôi, khi nào họ không còn trạng thái làm việc trong khu công nghệ cao nữa thì họ phải hoàn trả lại để phục vụ cho người khác. Đối tượng được thụ hưởng phải định nghĩa rõ, cách mà người ta được tiếp cận, sử dụng tài sản ở đây là nhà ở phải đảm bảo phù hợp với trạng thái làm việc của họ hoặc là cụ thể hóa cho các dự án tương tự" - lãnh đạo Ban Quản lý SHTP nói.