Tôi là "phái viên"

TRẦN ĐĂNG |

Tôi giữ tấm thẻ “Phái viên” của Báo Lao Động suốt 10 năm (1994 - 2004), trong một lần chuyển nhà, nó bỗng lạc mất. Tôi tiếc ngẩn ngơ! Với tôi, cái thẻ ấy nó vừa gắn với một kỷ niệm thuở thanh xuân lại vừa có giá trị chả thua gì thẻ nhà báo mà tôi đang có.

Anh Nguyễn Hữu Tính - nguyên Trưởng Cơ quan thường trú Báo Lao Động ở phía Nam thời đó còn ở  120 Nam Kỳ Khởi Nghĩa - ký cái thẻ này, còn người nghĩ ra cái chữ “phái viên” thì không biết là ai nhưng phải nói là quá nể về cái cách chọn từ cho tấm thẻ ấy. Vì sao lại phải “nể” như vậy, tôi xin đề cập ở phần sau bài viết này.

Đánh thức “tỉnh lẻ”

Bây giờ khoảng cách giữa những người làm báo ở các trung tâm kinh tế - văn hóa lớn của đất nước với những nhà báo ở các địa phương là không đáng kể chứ cách đây chừng 25 - 30 năm, lúc chúng tôi bắt đầu cộng tác với một số tờ báo lớn thì giữa nhà báo ở trung ương với các địa phương là một khoảng cách diệu vợi. Vì vậy, những nhà báo “tỉnh lẻ” như tôi luôn nuôi một mơ ước: Giá như mình là thành viên của những tờ báo lớn. Thế rồi, chính Báo Lao Động chứ không phải báo nào khác đã cụ thể hóa giấc mơ đó của tôi.

Còn nhớ mùa hè năm 1993, Bộ Nông nghiệp có tổ chức cuộc hội thảo ở Quảng Ngãi. Nhà văn Vĩnh Quyền - đại diện cho Báo Lao Động - tham dự cuộc này. Tôi quen biết anh Vĩnh Quyền từ khi còn học ở Huế, bấy giờ (1982 - 1983) anh từ Đà Nẵng hay ra Huế đàn đúm với mấy anh ở Thành đoàn Huế. Tôi chỉ ngồi hóng hớt chuyện văn chương, nhất là mấy cuốn tiểu thuyết đang “hot” của anh. Bẵng đi 10 năm, giờ mới gặp lại. Tôi cũng dự cuộc này nhưng với tư cách là phóng viên của Đài PTTH Quảng Ngãi. Sau mấy lời hỏi han vui mừng, anh Quyền “nhập đề” luôn khi biết tôi cũng là… nhà báo: “Em cộng tác với Báo Lao Động nghe!”. Tôi thật sự không tin vào tai mình trước lời đề nghị như trong mơ ấy. Chả cần phải vờ làm eo làm iếc gì, tôi gật luôn. Nhưng cũng phải hơn một tháng sau, lời đề nghị nặng tính “văn nghệ” ấy của một nhà văn viết báo mới thành hiện thực khi anh Nguyễn Đắc Xuân - Trưởng Văn phòng Báo Lao Động tại miền Trung - từ Đà Nẵng vào “làm việc” cụ thể về cách thức cộng tác.

Chúng tôi thật sự vui mừng khi được về dưới một mái nhà chung là Báo Lao Động. Xin được kể ra đây những “hảo thủ” ấy: Quảng Bình có Nguyễn Thế Thịnh, Quảng Trị có Lâm Chí Công, Huế có anh Quỳnh (tôi quên mất họ), Quảng Nam có anh Nguyễn Khôi, Quảng Ngãi là tôi - Trần Đăng, Bình Định có Trần Quang Khanh, Phú Yên là Bảo Chân, Khánh Hòa có Nguyễn Hoàng Bá, Lâm Đồng có Khắc Dũng...

Sau này có một vài thay đổi, bổ sung: Quảng Bình là Nguyễn Quang Vinh, Huế có Hoàng Văn Minh, Đà Nẵng có Thanh Hải, Quảng Nam là Trương Tâm Thư, Kon Tum có Xuân Nhàn và Gia Lai có Nguyễn Thịnh. Những phóng viên “tỉnh lẻ” ấy được “đánh thức tiềm lực” để trở thành nòng cốt của Báo Lao Động suốt dải đất miền Trung và Tây Nguyên trong một thời gian dài. Họ - những phóng viên và “phái viên” ấy đã góp phần khuấy động cả một vùng đất vốn dĩ yên bình bằng những bài viết hừng hực khí thế chiến đấu.

Phái viên - bạn là ai?

Tôi nhớ bài báo đầu tiên của mình được đăng trên tờ Lao Động là một phóng sự có tên: “Thông điệp của quá khứ”. Nếu tôi nhớ không nhầm thì bài này nhuận bút đến 800.000đ, bằng… bốn tháng lương của một phóng viên tỉnh lẻ như tôi lúc ấy. Tôi “khoe” với các đồng nghiệp ở tỉnh về số tiền “khủng” này mà chẳng ai chịu tin cả. Thú thật, hồi ấy còn nghèo lắm nhưng được xuất hiện trên một tờ báo in màu khổ to như tờ Lao Động là sang trọng rồi chứ chả mong tiền nhiều như thế đâu. Ấy thế mà cả tiền lẫn tiếng đều có cả, sướng gì bằng! Nhưng “sướng” nhất vẫn là cái thẻ mang tên “Phái viên”. Trên góc bên trái có logo “Lao Động”. Oách không thể tả!

Được sở hữu cái thẻ ấy, ngoài việc chúng tôi nhận mỗi tháng 120.000đ phụ cấp, còn có một “quyền lợi” khác không thể đo đếm bằng tiền được. Đó là đưa tấm thẻ ấy ra để “hẹn” làm việc với những vị lãnh đạo tỉnh với tư cách là người của Báo Lao Động. Chỉ có vậy mới “hẹn” được chứ đưa cái thẻ nhà báo của đài hoặc báo địa phương ra “hẹn” thì rất dễ bị các vị lãnh đạo ấy… hẹn ngược lại.

Đến bây giờ tôi cũng không biết là ai đã nghĩ ra cái từ “phái viên” ấy nữa. Nếu nó mang cái tên “Thẻ cộng tác viên” thì… thường quá, mà “thẻ phóng viên” thì lại không được. Chọn “trung tính” như vậy nó giúp cho các “sở hữu chủ” của cái thẻ ấy tự tin hẳn lên. Không nói ra nhưng chúng tôi luôn nghĩ, mình đã là “một nửa” của Báo Lao Động rồi nên phải làm sao đó cho xứng đáng với kỳ vọng của các anh lãnh đạo Văn phòng miền Trung cũng như với Ban biên tập. Và thực sự, những gì mà chúng tôi đã làm cho tờ báo suốt trong những năm tháng gắn bó đã không cảm thấy hổ thẹn một chút nào mỗi khi nghĩ về quãng thời gian ấy.

Tôi có 17 năm gắn bó với Báo Lao Động (1994 - 2011), trong đó có 4 năm làm “phái viên”. Giờ ngồi tính sổ thời gian, hóa ra đây là tờ báo mình “chơi” với nó lâu nhất. Lao Động là tờ báo đã khai sinh cho tôi một bút danh mà tôi vẫn dùng cho đến lúc này. Đây cũng là tờ báo đã khiến cho nhiều độc giả suốt mấy chục năm rồi, mỗi khi gặp tôi, họ vẫn nhắc đến những tít đề của nhiều bài phóng sự một thời được đăng lên đó.

Có thể nói, Lao Động là tờ báo tiên phong trong việc tuyển chọn cộng tác viên ở các địa phương và không đắn đo khi trả thù lao trách nhiệm hàng tháng cho những “phái viên” này. Đây cũng là tờ báo duy nhất ở miền Trung có phóng viên thường trú ở mỗi tỉnh lúc bấy giờ. Họ đã được “nâng cấp” từ “phái viên” lên phóng viên chính thức mà không qua bất cứ một kỳ sát hạch nào.


TRẦN ĐĂNG
TIN LIÊN QUAN

Giờ thứ 9: Bóng tối của hôn nhân - Phần 2

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Nếu chỉ nhìn bề ngoài, ai cũng tin chắc rằng chị rất hạnh phúc, một thứ hạnh phúc thật khó kiếm tìm. Nhưng như những gì chị viết trong lá thư gửi tới chương trình Giờ thứ 9 thì đó chỉ là cái bề nổi che giấu những đợt sóng ngầm dữ dội trong cuộc sống hôn nhân của chị mà thôi.

Nóng Sài Gòn: 4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại

NGUYỄN LY - CHÂN PHÚC |

4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại; Phố ông đồ những nét đẹp văn hoá cho chữ du xuân được tiếp nối; Người phụ nữ điều khiển xe máy tử vong sau va chạm với xe ben;... là những thông tin chính có trong bản tin Nóng Sài Gòn ngày 15.1.

Đen Vâu lên tiếng về chuyện đám hỏi với Hoàng Thùy Linh

ĐÔNG DU |

Sau thông tin Đen Vâu và Hoàng Thuỳ Linh bí mật tổ chức đám hỏi đăng trên một số trang tin, chiều 15.1, nam rapper đã lên tiếng.

Hà Nội: Phố phường tấp nập ngày cận Tết, nhiều tiểu thương vẫn than ế

Thơm Bùi - Đinh Thiện |

Nhiều tiểu thương kinh doanh các mặt hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023 chia sẻ, dù là ngày cuối tuần và phố phường khá đông đúc nhưng sức mua của người dân chưa đạt kỳ vọng.

Mai anh đào nở rộ, đợi khách du xuân Mộc Châu dịp Tết Nguyên đán

Ý Yên |

Quảng trường Mộc Châu, sân 224, đồi anh đào Nậm Tôm, chùa Tân Cương... đang rực rỡ sắc hoa mai anh đào dịp cận Tết Nguyên đán.

Là con trưởng có nhất thiết phải về quê ăn Tết?

Hải Minh |

Nhiều người quan niệm, là trai trưởng trong nhà phải có trách nhiệm về quê ăn Tết cùng gia đình vào mỗi năm.

Không còn cảnh công nhân xếp hàng rút tiền ATM để về quê ăn Tết

Bảo Hân - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Tại khu vực các cây ATM cạnh Khu công nghiệp Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) sáng 15.1, không có cảnh công nhân xếp hàng dài để chờ rút tiền về quê ăn Tết.

Vì sao linh vật mèo ở Quảng Trị khiến người xem trầm trồ?

HƯNG THƠ |

Linh vật mèo vừa được đưa đến Quảng trường trung tâm huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã được nhiều người quan tâm vì giống mèo thật.