Không chỉ hoạt động ở các khu đô thị, thành phố lớn, vài năm trở lại đây tín dụng đen đã “ngược ngàn”, càn quét nhiều địa bàn vùng cao ở Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên). Mất phương tiện sinh hoạt, mất công cụ sản xuất, thậm chí mất nhà… vì nhẹ dạ, cả tin. Nhiều dân nghèo nơi đây đã và đang phải “quay cuồng” với vòng xoáy vay - trả đắt giá này.
Vay dễ, trả đến kiệt quệ
Con đường trải nhựa dài hơn 80km dẫn từ trung tâm thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) đến Mường Luân - một trong những xã phát triển nhất nhì của huyện vùng cao Điện Biên Đông. Trung tâm xã sầm uất, với nhịp sống dần đô thị hóa, mang dáng dấp của một thị tứ tương lai. Thế nhưng, dưới những mái nhà có vẻ bình yên, lại chẳng được yên bình!
Câu chuyện về những hoàn cảnh éo le của ông L. N. A - nguyên lãnh đạo xã Mường Luân, đã “vén màn” bức tranh tối về đời sống của những dân nghèo, nhẹ dạ.
“Cả khu vực này ai cũng biết Trì "cá" hoạt động cho vay nặng lãi. Từ khi xuất hiện hoạt động này, dân tình khốn đốn. Đáng nói, người vay phần lớn là hộ nghèo. Bởi vậy mà đã nghèo lại càng nghèo thêm” - ông A trải lòng.
Theo ông A chia sẻ, thì hoạt động cho vay nặng lãi của Trì "cá" xuất hiện đã vài năm gần đây. Hầu như các bản trong xã, rồi nhiều xã lân cận (Luân Giói, Chiềng Sơ, Tìa Dình, Háng Lìa…) đều có người vay, với mức lãi suất rất cao (50 - 70%).
Phần vì nghèo, nhưng đa phần thì vay để chi tiêu gia đình, như: Mua xe, ốm đau, làm ma chay, cỗ cưới… Số tiền vay từ vài triệu, đến vài trăm triệu đồng. Vì ở vùng cao, kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào cây ngô, cây lúa nên khi đến hạn trả, người dân phải mất thêm tài sản do “lãi mẹ đẻ lãi con”. Thủ tục vay cũng vô cùng dễ dàng, nhanh gọn.
“Tiền tươi thóc thật” trao tay chỉ sau 1 chữ ký, cái điểm chỉ, khiến không ít người cứ “mơ mơ, màng màng” kéo nhau đi vay và mang ơn Trì "cá". Chỉ đến khi phải trả (thường là sau 1 năm), nhìn vào số tiền lãi thực, người ta mới giật mình tỉnh mộng, thì mọi của cải có giá trị trong nhà, thậm chí cả nhà, cả đất đã lũ lượt về tay người đàn ông này.
Bản Bánh là một trong những địa bàn được xác định có đông người vay. Trong căn nhà mới dựng lại của con trai, bà L. T.B ngậm ngùi tâm sự: "Nhà có việc lớn cần tiền, nên khi nghe người ta chỉ ra chỗ ông Trì vay dễ, tôi liền ra vay. Vì số tiền lớn nên tôi phải thế chấp nhà.
1 năm trôi qua, chỉ quẩn quanh với cây lúa, con gà làm gì có tích góp đâu. Tiền vay thì lo việc hết rồi. Bị thúc đòi nợ quá, tôi sợ nên đành phải gán nhà, dựng lán để ở. Đợt vừa rồi mưa gió, lán dột phải sang nhà con trai ở nhờ ”.
Ông L.V.C - con trai bà B, vì có tí chức sắc trong bản nên còn chút e ngại, giữ thể diện, né tránh chuyện vay nợ của mẹ mình, mà chỉ thừa nhận: “Đúng là trong bản nhiều nhà vay tiền của Trì "cá". Vì vay ngân hàng nhiều thủ tục và mất thời gian trong khi vay ngoài nhanh, nên cứ nhà có việc là họ lại tìm ra ông Trì vay”.
Ở một xã khác, khi nghe tiếng Trì "cá" cho vay tiền rất dễ, ông G.A.T (xã Tìa Dình) đã tìm đến vay 10 triệu đồng, để đi xuất khẩu lao động. Chớp mắt, 3 tháng trôi qua số tiền nợ tăng theo cấp số nhân, lên 15 triệu đồng. Lo sợ để lâu lãi càng tăng cao, ông T phải bán vội con bò duy nhất trong nhà để trả nợ.
Xác nhận về thực trạng này, ông Tráng A Dia - Chủ tịch UBND xã Tìa Dình - cho biết: “Đồng bào dân tộc ở đây vừa nhẹ dạ vừa thật thà. Lúc vay thì chỉ biết vay được tiền”.
Trì "cá” là ai?
Sau 3 cuộc làm việc, với lần lượt từ Phó Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng Ủy xã, Chủ tịch UBND xã, thì chân dung Trì "cá" mới dần được phác họa.
Trì "cá" không có hộ khẩu ở địa phương mà là người ở Bắc Ninh, một mình lên Mường Luân tạm trú cách đây khoảng 5 - 6 năm. Ban đầu hắn lên mua đất ở khu Pá Vạt để dựng nhà và làm nghề bán cá giống. Sau khoảng 2 - 3 năm chuyển về bản Trung tâm mua đất, xây nhà trọ rồi hoạt động cho vay tiền.
Riêng thông tin về hoạt động cho vay lãi của Trì "cá", cả 3 vị lãnh đạo địa phương đều tỏ ra rất mơ hồ. Khẳng định chưa bao giờ kiểm tra, nắm bắt tình hình, song ông Lò Văn Mai, Chủ tịch UBND xã lại nói: "Xã thường xuyên tuyên truyền bà con không nên vay lãi kiểu này!"
Cá biệt, mặc dù là hàng xóm với Trì "cá", lại từng là Chủ tịch UBND xã, song ông Lò Văn Sơn - Bí thư Đảng ủy xã - lại không nắm được hoạt động của Trì "cá" và trả lời chưa nhận được phản ánh nào của người dân về thực trạng này. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau, ông này lại quên mình vừa nói gì khi tiết lộ: “Cuối năm 2020 vừa rồi Công an tỉnh đã về bắt Trì "cá" rồi, chính quyền xã chứng kiến. Do người dân làm đơn phản ánh. Công an xã cũng thường xuyên nắm tình hình và báo cáo, thế công an tỉnh mới biết mà vào bắt”.
Còn trong cuộc trao đổi với phóng viên trước đó, ông L.N.A, thông tin, khoảng năm 2019, ông A đã nhắc ô Sơn về vấn đề này và khuyên xã giải quyết dứt điểm. Khi đó ông Sơn trả lời: "Thật ra xã đã nhắc nhở rồi đấy, nhưng ngay ngày hôm sau ở trên lại gọi điện xuống nhắc nhở mình luôn?!”.
Ở một kênh thông tin khác, mặc dù bị công an bắt, song chỉ gần một tuần sau đó Trì "cá" lại xuất hiện ở địa phương và ít “ồn ào” hơn.
Thực tế khiến không ít người đặt câu hỏi, liệu có sự bao che nào để Trì "cá" có thể công khai hoạt động, thao túng và lộng hành trong thời gian dài như vậy?!