Chú trọng vào cơ chế vốn và thay tế phụ tùng
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, yêu cầu của Chính phủ là năm 2050 Thành phố sẽ chuyển toàn bộ phương tiện vận tải hành khách công cộng, trong đó có xe buýt sang năng lượng xanh (chạy điện hoặc khí nén CNG). Tuy nhiên, thành phố Hà Nội đã có chủ trương triển khai công việc này và tiến hành "xanh hóa" xe buýt vào năm 2035, sớm hơn yêu cầu của Chính phủ 15 năm.
Trao đổi với Lao Động, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội bình luận, xanh hóa xe buýt là một chủ trương đúng đắn và phù hợp với xu thế. Tuy nhiên, lộ trình xanh hóa xe buýt sớm hơn 15 năm sẽ không dễ thực hiện.
“Một trong những khó khăn lớn nhất của vấn đề này cơ chế vốn và phụ tùng thay thế” - chuyên gia Bùi Danh Liên nhấn mạnh.
Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn cơ bản sử dụng ôtô chạy dầu, nhiều xe vẫn còn niên hạn sử dụng. Do đó, việc thay thế hàng loạt xe buýt chạy dầu sang chạy điện sẽ ngốn một số vốn tương đối lớn.
“Để giải quyết vấn đề này, chính quyền cần có sự trợ lực cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ xe buýt. Chính quyền cần có những cơ chế thông thoáng, hỗ trợ phần vốn để các đơn vị có thể thay thế được xe buýt truyền thống” - ông Liên bày tỏ.
Thêm một vấn đề cần phải tính toán khi tiến hành xanh hóa xe buýt, đó là việc thay thế phụ tùng. Khi số lượng xe buýt điện tăng lên nhu cầu thay thế sửa chữa sẽ gia tăng. Do đó, Việt Nam cần phải phát triển các cơ sở thay thế phụ tùng để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
“Chúng ta có thể nhập khẩu và phát triển sản xuất trong nước về các phụ tùng xe buýt điện. Việc này phải được tính toán kỹ lưỡng nhằm đảm bảo xe buýt điện hoạt động thông suốt khi nhân rộng mô hình này” - chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho biết thêm.
Hiện thực hóa xe buýt điện
Có thể nói xanh hóa xe buýt trước lộ trình sẽ là việc làm khó khăn. Tuy nhiên, Hà Nội đang nỗ lực thực hiện bằng các việc làm cụ thể.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền thông tin, nhằm cụ thể hóa lộ trình chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng dầu diesel sang năng lượng xanh giai đoạn từ nay đến năm 2035, thành phố đã giao Sở Giao thông Vận tải Hà Nội làm việc với 11 doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng Thủ đô. Hiện tại, các đơn vị đều bày tỏ sự ủng hộ việc chuyển đổi này.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng nhấn mạnh, xe buýt điện tốt về phương tiện nhưng còn phải có chất lượng phục vụ. Nếu chất lượng dịch vụ thấp thì xe điện có tốt về phương tiện cũng khó thu hút hành khách. Do đó, cần đặt hàng những đơn vị, doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu về cả phương tiện cũng như chất lượng dịch vụ.
Trao đổi với Lao Động, ông Đào Duy Phong - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội - cho biết, Sở Giao thông Vận tải vừa đề xuất thêm 9 tuyến xe buýt điện ngay trong quý I/2024. Tiêu biểu như tuyến số khu đô thị Linh Đàm - Phú Diễn; tuyến 15 bến xe Gia Lâm - phố Nỉ; tuyến 17 Long Biên - Nội Bài; tuyến 36 Yên Phụ - Khu đô thị Linh Đàm…
“9 tuyến buýt này sẽ hết hạn thầu vào ngày 31.3. Sau khi hết hạn thầu, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất thí điểm đặt hàng sử dụng xe buýt điện thay thế”, - ông Phong cho biết thêm.
Dự kiến, sau khi hoàn thiện xong thủ tục đặt hàng, đơn vị sẽ lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đối với xe buýt điện loại trung bình và nhỏ, để làm cơ sở đấu thầu các tuyến buýt khi hết thời gian thí điểm.
“Những việc làm này thể hiện tinh thần, quyết tâm, hiện thực hóa xe buýt điện trước lộ trình 15 so với yêu cầu của Chính phủ. Dù có nhiều khó khăn, song Hà Nội cố gắng thực hiện nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và bảo vệ môi trường” - ông Đào Duy Phong nhấn mạnh.