Nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động
Dù số công nhân công nghiệp không có nhiều, nhưng quanh năm suốt tháng, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông lúc nào cũng có hàng nghìn người lao động tại chỗ và lao động thời vụ ở nơi khác đến đây tham gia sản xuất, thu hoạch cà phê, cao su, hồ tiêu, sầu riêng... Công việc sản xuất, thu hoạch nông sản tưởng chừng đơn giản nhưng người dân có thể gặp nhiều rủi ro, tai nạn lao động bất cứ lúc nào.
Gia đình anh Phạm Văn Hanh, ở huyện Đắk Song đã có nhiều năm gắn bó với nghề trồng hồ tiêu. Hiện nay, gia đình anh Hanh có 4 ha hồ tiêu đang bước vào thời kỳ kinh doanh. Cứ đến vụ thu hoạch, gia đình anh Hanh phải thuê thêm người ở nơi khác về làm. Do trụ tiêu lớn nên anh Hanh phải chuẩn bị một số cây thang sắt cao tầm 6 m để làm chỗ đứng khi thu hoạch hồ tiêu.
“Những năm trước, trong lúc đi làm, tôi không may đụng phải một tổ ong mật và bị hàng chục con tấn công, chích vào mặt, mũi, đầu, chân, tay... rồi bị té ngã từ trên cao xuống đất. Lần đó, rất may tôi chỉ bị trật khớp tay và sưng mặt, mũi... nên chỉ cần nghỉ hơn chục ngày là khỏi” - anh Hanh cho hay.
Tương tự, vào tháng 5.2021, ông C ở thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp không may bị té ngã trong lúc đi thăm vườn cà phê, dẫn tới tỉ lệ thương tật là hơn 50%, phải nằm viện ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM điều trị gần 7 tháng.
Kinh nghiệm phòng tránh tai nạn lao động
Nhiều người có kinh nghiệm trong việc vào nương rẫy khai thác cao su, hồ tiêu, cà phê... cho biết, việc né tránh côn trùng, rắn rết hay phòng ngừa tai nạn lao động không phải khó khăn nếu như người làm công cẩn thận.
“Trước khi leo lên thang để lao động ở trên cao thì phải đặt thang ở vị trí vững chãi, có điểm tựa chắc chắn. Còn khi bắt đầu thu hái thì đánh động trụ tiêu, cà phê, cao su... ở gần đó để rắn rết, đàn ong làm tổ có thể bò hoặc bay đi chỗ khác. Khi phát hiện có con vật gì đó ở trong cây thì người lao động có thể né tránh, tìm cách xua đuổi chỉ khi an toàn rồi mới tiến hành công việc” - anh Nguyễn Quốc Quảng, chủ một vườn tiêu ở huyện Đắk Song, chia sẻ.
Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông, hàng năm, đơn vị đều tiếp nhận nhiều bệnh nhân gặp tai nạn thương tích, trong đó có những vụ việc người dân bị té ngã khi thu hoạch hồ tiêu, sầu riêng... Thế nhưng, nhiều người dân chưa biết cách sơ cấp cứu bệnh nhân trước khi đưa vào bệnh viện. Từ đó, vô tình có thể dẫn tới trường hợp tình trạng bệnh nặng hơn.
Theo ông Hoàng Viết Nam - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông - là tỉnh miền núi Tây Nguyên, Đắk Nông có tỉ lệ lao động trong sản xuất nông nghiệp lớn. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động như: Sử dụng máy móc, công cụ sản xuất không bảo đảm an toàn, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật thiếu kiểm soát, thiếu trang thiết bị bảo hộ lao động... Tuy nhiên, lĩnh vực này chưa được các cấp, các ngành quan tâm triệt để.
Ngoài ra, tỉ lệ người lao động được khám sức khỏe định kì, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động còn thấp và chưa được thống kê, theo dõi một cách đầy đủ.
Trong thời gian tới, đơn vị sẽ đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động và cộng đồng về công tác an toàn, vệ sinh lao động.