Phát triển đồng bộ, có chiều sâu
Đầu tháng 9 vừa qua, UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, có nhiệm vụ trọng tâm là phải tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, năng lượng tái tạo.
Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, cùng các đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai và tham mưu UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phát triển bền vững điện năng lượng mặt trời, điện gió đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các bên liên quan phải tiếp tục thúc đẩy các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa vào vận hành các dự án công nghiệp trọng điểm, quy mô lớn, nhất là các dự án năng lượng và chế biến, chế tạo, gắn với công nghệ thông minh, gắn với liên kết chuỗi giá trị...
Ngoài ra, các địa phương chủ động quy hoạch các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng liên kết, hình thành các cụm công nghiệp phụ trợ phục vụ cho các khu công nghiệp của tỉnh; phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến sâu để phát huy giá trị, lợi thế nguồn nguyên liệu của địa phương (cây ăn trái, cây dược liệu, cà phê, cao su, tiêu, mắc ca... và các sản phẩm chăn nuôi như trâu, bò, lợn, gà...).
Tỉnh cũng sẽ khuyến khích, kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng công nghệ - thông tin; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các công ty công nghệ - thông tin, sản xuất phần mềm đầu tư, sản xuất, kinh doanh; khẩn trương quy hoạch, xây dựng, hình thành các khu công nghệ cao; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0 vào các ngành, lĩnh vực gắn với kinh tế số, sáng tạo, khởi nghiệp.
Giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp
Toàn tỉnh Đắk Lắk có 47 dự án điện gió đăng ký đầu tư, với tổng công suất khoảng 10.000 MW. Riêng trong năm 2020, địa phương có 5 dự án điện gió (tổng công suất 657 MW) được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió của tỉnh với 6 dự án (tổng công suất 85 MW). Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 8 dự án điện gió (685 MW).
Đắk Lắk có 5 dự án điện gió đang triển khai xây dựng với mục tiêu phát điện thương mại trước ngày 1.11.2021.
Đầu tháng 9.2021, UBND tỉnh Đắk Lắk có văn bản đề nghị Bộ Công Thương quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư điện gió trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp.
Hiện, quá trình triển khai thực hiện, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc như dịch COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng đến tiến độ cung cấp tua bin gió bị chậm so với hợp đồng mua bán đã ký kết; hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bị gián đoạn.
Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên việc vận chuyển thiết bị tua bin gió (hàng siêu trường, siêu trọng) gặp khó khăn.
Cán bộ, kỹ sư, chuyên gia nước ngoài phải thực hiện cách ly tập trung theo quy định, người lao động thi công trên công trình cũng hạn chế.
Ngoài ra, trình tự, thủ tục về đầu tư xây dựng một dự án lớn có hạng mục trạm biến áp 500kV, đường dây 500kV đấu nối cần nhiều thời gian để hoàn thiện đầy đủ, các thủ tục về đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng, triển khai thi công tốn nhiều thời gian.
Vì các khó khăn, vướng mắc nêu trên nên các doanh nghiệp đầu tư điện gió trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép gia hạn thời gian áp dụng giá mua điện gió theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 1.11.2022.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đầu tư dự án điện gió, UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét các ý kiến nêu trên.
Ông Trần Phú Hùng - Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Lắk - cho biết: "Nghị quyết 124/2020/QH14 của Quốc Hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 có nội dung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm, nhất là ngành năng lượng, chế biến và chế tạo. Đây là vấn đề quan trọng, đếu được Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh có thể xem xét báo cáo với Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy để đưa vào nội dung chương trình kỳ họp Hội đồng Nhân dân sắp tới".