Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh phát biểu như vậy tại buổi tọa đàm “Triển khai giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch” do Báo Nhân Dân phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức ngày 17.11.
27,62 triệu lượt lao động được nhận hỗ trợ
Về kết quả thực hiện Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116, tính đến thời điểm này, tổng kinh phí thực hiện 27,24 nghìn tỉ đồng, hỗ trợ cho 27,62 triệu lượt đối tượng.
Trong đó có 3 nhóm chính sách chính: Thứ nhất, nhóm bảo hiểm đã hỗ trợ 5,38 nghìn tỉ đồng cho 375.809 đơn vị sử dụng lao động và 11,389 triệu người lao động.
Nhóm thứ 2 là chính sách hỗ trợ bằng tiền, đã hỗ trợ cho hơn 15,64 triệu đối tượng với tổng kinh phí là 21,11 nghìn tỉ đồng, trên 13,35 triệu người lao động tự do và đối tượng đặc thù khác tại 58 tỉnh, thành phố được hỗ trợ với tổng kinh phí trên 17,14 nghìn tỉ đồng.
Nhóm thứ 3 là nhóm chính sách cho vay vốn đã giải ngân 479,5 tỉ đồng, hỗ trợ cho 1.449 doanh nghiệp để trả lương cho 209.280 lượt người lao động.
Về thực hiện Nghị quyết 116 và Quyết định 28, tính đến nay đã hỗ trợ bằng tiền cho 11,365 triệu lao động với tổng số tiền hỗ trợ là 27,230 tỉ đồng (gói này dự kiến hỗ trợ 30 nghìn tỉ đồng).
Giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động cơ bản hoàn thành, giảm mức đóng cho hơn 363.600 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng với 9,68 triệu lao động với số tiền tạm tính điều chỉnh giảm đóng là 7.595 tỉ đồng, cơ bản hoàn thành chính sách (theo Nghị quyết phải hoàn thành trước ngày 31.12.2021).
Hiện còn có một số đối tượng bảo hiểm chưa nắm danh sách thì các đối tượng này sẽ đến trực tiếp bảo hiểm xã hội. Hy vọng trong thời gian ngắn nhất sẽ hoàn thành chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng người lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
4,7 triệu lao động mất việc làm
Tại buổi toạ đàm, ông Lê Văn Thanh cũng nhận định, từ đầu năm 2021, COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hàng chục triệu lao động. Nhiều nhất là trong quý III, 4,7 triệu lao động bị mất việc làm, 14,7 triệu lao động tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh, trên 10 triệu lao động giảm giờ làm, tạm dừng việc làm.
Tỷ lệ thiếu việc làm quý III/2021 là 4,46%, là hơn 1,8 triệu người, tăng 1,86% so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,98% hơn 1,7 triệu người, tăng hơn 1,25% so với cùng kỳ năm trước.
7 nhóm giải pháp mới hỗ trợ người lao động
Ông Lê Văn Thanh cho biết - hiện nay, Bộ LĐTBXH đang dự thảo chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, với 7 nhóm giải pháp lớn với những cơ chế chính sách tập trung vào những vấn đề lớn:
Hỗ trợ trực tiếp người lao động: giúp chi trả chi phí đi lại, nhu yếu phẩm, tiền điện, tiền nước, chi phí xét nghiệm… Hiện nay các doanh nghiệp đi vào sản xuất phải xét nghiệm rất nhiều.
Hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.
Đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng người lao động, cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh. Một số nơi thiếu lao động, biện pháp này hỗ trợ bảo đảm nguồn cung cho doanh nghiệp.
Hỗ trợ kết nối cung cầu lao động: Hai bên có cung hoặc có cầu nhưng đôi khi không gặp nhau, chúng ta giúp cho việc kết nối này nhanh hơn.
Hoàn thiện bền vững thị trường lao động: Hiện đại hóa thị trường lao động, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động việc làm, có kết nối chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu dân cư Quốc gia của Bộ Công an.
Bảo đảm điều kiện về nơi sinh sống cho người lao động.
Xây dựng quan hệ giữa người lao động hài hòa, tiến bộ.
Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, khoảng 1,3 triệu lao động đã từ TPHCM và các tỉnh trọng điểm phía Nam về các địa phương, trong đó có số tỉnh thành có số lao động lớn trở về là Thanh Hóa (khoảng 160 nghìn người), Sóc Trăng (99,7 nghìn người), Nghệ An (75,8 nghìn người); Đắc Lắc (75 nghìn người), Cà Mau (58,7 nghìn người)…