Bộ GTVT, Bộ Tài chính đang trình dự thảo về việc các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ tiến hành thu phí. Điều đáng nói, trong các quy định hiện nay đường cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ không được thu phí. Vì vậy, để thực hiện việc này phải sửa luật và làm rõ lợi ích của người dân.
Nếu thu phí ngân sách tăng lên hàng nghìn tỉ đồng
Trong hệ thống đường cao tốc do Nhà nước đầu tư hiện nay thì chỉ có tuyến đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương thực hiện thu phí sử dụng đường bộ thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc giai đoạn từ 2011 đến 31.12.2018. Từ 1.1.2019 đến nay, đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương tạm dừng thu phí. Lý do là chủ đầu tư đã được hoàn đủ vốn và đường phải trả về cho Nhà nước.
Tháng 7.2020, Bộ GTVT đã có đề xuất thu phí trở lại cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương. Bộ này tính toán: Nếu tiếp tục tổ chức thu phí sử dụng đường bộ trên đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương (với giả định giữ nguyên mức phí 1.000 đồng/km/tăng trưởng doanh thu 10%/năm) thì số phí dự kiến thu được trong năm 2020 là 880 tỉ đồng.
Ngoài ra, nếu thực hiện thu phí sử dụng đường bộ thông qua trạm thu phí đối với tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (dài 64km) và tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương (dài 40km), thì dự kiến hàng năm sẽ thu được khoảng 2.142 tỉ đồng.
Trong tương lai, khi các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng và được triển khai thu phí thì số thu được sẽ rất lớn. Ví dụ: Nếu thực hiện thu phí trên các tuyến Lạng Sơn - cửa khẩu Hữu Nghị (dài 43km), Mỹ Thuận - Cần Thơ (dài 24km), La Sơn - Túy Loan (dài 66km), Cam Lộ - La Sơn (102km) thì dự kiến hàng năm sẽ thu thêm được tổng số phí là 4.841 tỉ đồng.
Số tiền này góp phần làm giảm ngân sách Nhà nước bởi công tác quản lý, bảo trì các tuyến cao tốc lên tới 830 triệu đồng/km (cao hơn nhiều so với kinh phí bảo trì bình quân hàng năm dành cho đường quốc lộ thông thường, khoảng 450 triệu đồng/km) trong khi nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí cho công tác quản lý, bảo trì hàng năm chỉ đáp ứng khoảng 35% - 40% nhu cầu tối thiểu, dẫn đến tình trạng chất lượng đường xuống cấp nhanh chóng.
Như vậy, để phát triển hệ thống đường cao tốc theo quy hoạch (6.411km), với suất đầu tư cao (thấp nhất 126,4 tỉ đồng/km), nhu cầu về vốn đầu tư nói chung, trong đó có vốn ngân sách nhà nước là rất lớn. Nếu không thu phí sẽ rất khó triển khai việc phát triển hệ thống cao tốc hiện nay.
Phải sửa luật
Mặc dù việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư là cần thiết, tuy nhiên, các quy định hiện hành lại không cho phép.
Theo quy định tại Nghị quyết số 27/2016/QH14 ngày 11.11.2016 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017, Nghị định số 09/2020/NĐ-CP ngày 13.01.2020 của Chính phủ, Thông tư số 293/2016/TT- BTC ngày 15.11.2016 của Bộ Tài chính thì mới chỉ quy định: Phí sử dụng đường bộ là loại phí được thu hàng năm trên đầu phương tiện ôtô, nộp vào ngân sách nhà nước để phục vụ công tác quản lý, bảo trì đường bộ, không sử dụng làm tăng khoản thu của ngân sách nhà nước để thực hiện đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ.
Như vậy, trong danh mục các loại phí thuộc lĩnh vực đường bộ chưa có quy định về phí sử dụng đường cao tốc thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Bộ GTVT, Bộ Tài chính cho rằng, để thu phí sử dụng đường cao tốc thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư cần bổ sung khoản phí sử dụng đường cao tốc thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư vào Danh mục phí, lệ phí tại Luật phí và lệ phí. Nếu không sửa Luật thì không thể thu phí tại các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách.
Cần làm rõ lợi ích cho người dân
Một trong những vấn đề cần quan tâm chính là lo ngại “phí chồng phí” từ người dân. Lý do là ngân sách Nhà nước phần lớn là từ thu thuế, hay nói cách khác là do người dân nộp thuế. Mặt khác việc lưu thông trên đường bộ, người dân đã phải trả nhiều loại thuế, phí, trong đó có phí bảo trì đường bộ - phí này không chỉ nhằm duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường hiện có mà còn đầu tư xây dựng các tuyến mới.
Bộ Tài Chính nhận định: Việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư có thể sẽ gặp phản ứng của chủ phương tiện và dư luận xã hội về việc tăng chi phí cho hoạt động kinh doanh vận tải, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và thu nhập của người dân.
Tuy nhiên, Bộ này và Bộ GTVT cũng đã có những dẫn chứng về lợi ích của người sử dụng cao tốc. Trong đó, nhấn mạnh lợi ích kinh tế.
Bộ Tài chính đánh giá: Trên cơ sở phân tích 5 tuyến đường cao tốc, kết quả lượng hóa chi phí vận hành và chi phí thời gian của phương tiện cho thấy so với lưu thông tuyến trên quốc lộ song hành, phương tiện lưu thông trên các tuyến cao tốc sẽ được lợi bình quân 4.620 đồng/km, trong đó 31% từ tiết kiệm chi phí vận hành phương tiện và 69% từ tiết kiệm thời gian hàng hóa và hành khách trên đường.
Loại phương tiện thu được lợi ích lớn nhất là xe khách từ 30 ghế trở lên với bình quân 10.426 đồng/km, phương tiện thu được lợi ích thấp nhất là xe tải dưới 2 tấn với lợi ích bình quân là 1.767 đồng/km. Lợi ích bình quân tính theo xe đơn vị là 2.518 đồng/km/xe tiêu chuẩn.
Như vậy, nếu lựa chọn trả mức phí 1.000 - 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn để lưu thông trên tuyến cao tốc với thời gian đi lại thấp hơn và chất lượng đường tốt hơn, người sử dụng đường vẫn được lợi từ 1.000 - 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn tính theo đầu phương tiện so với lưu thông trên các tuyến quốc lộ song hành.
Cụ thể trên tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương, với lưu lượng bình quân năm 2019 là 83.000 lượt xe/ngày đêm, tiết kiệm chi phí xã hội do sử dụng đường cao tốc sẽ là 2.160 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Bộ GTVT và Bộ Tài Chính cần cụ thể hơn về lợi ích của người sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư bởi các lý do nêu trên chưa thuyết phục, đặc biệt là nguy cơ tăng giá cước vận tải.
Tổng thư ký Hiệp hội vận tải Hà Nội - ông Nguyễn Hồng Minh: Chưa thoả đáng
Việc Bộ GTVT quyết định thu phí với mức cao trên các tuyến cao tốc đầu tư bằng vốn ngân sách rõ ràng là phí chồng phí. Theo ông Minh, về bản chất vốn ngân sách cũng là tiền thuế của nhân dân, việc dùng số tiền này để đầu tư làm hạ tầng giao thông, phục vụ người dân là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, sau đó lại đè cổ thu phí phương tiện là không thỏa đáng. Trong khi đó, tất cả ôtô hiện nay đều đang phải đóng phí sử dụng đường bộ, như vậy là phí chồng phí.
Ông Đỗ Văn Bằng (chủ hãng xe Sao Việt): Doanh nghiệp vận tải sẽ khó khăn
Việc thu phí này sẽ dẫn đến khó khăn trong việc điều tiết xã hội. Trong khi các doanh nghiệp vận tải đang gặp rất nhiều khó khăn
Hiện BOT đang giúp một phần rất lớn trong việc giải toả ách tắc giao thông, tăng tính đảm bảo an toàn giao thông được đa phần người dân đồng thuận. Nhưng việc thu phí các tuyến đường cao tốc do nhà nước đầu tư sẽ gây áp lực cho doanh nghiệp vận tải và người dân vì hiện doanh nghiệp bơm 1lít dầu cũng phải chịu phí, rồi phí bảo trì đường bộ thu trên đầu phương tiện… Do đó, nếu dùng vốn ngân sách thì không thể bù vào thu phí được và chỉ có BOT mới thu phí đường bộ.
Ông Khúc Hữu Thanh Hải - Đại diện doanh nghiệp vận tải Đất Cảng (Hải Phòng): Phải hạch toán thu chi làm sao cho phù hợp
Nguồn vốn ngân sách được chia ra nhiều mảng. Nếu đầu tư cao tốc bằng nguồn vốn ngân sách thì cũng phải hạch toán thu chi làm sao cho phù hợp. Vốn Nhà nước và vốn tư nhân đầu tư thì cũng là nguồn vốn đi vay, vì vốn nhà nước cũng không có nhiều tiền và phải đi vay nước ngoài cũng phải trả lãi.
Việc đầu tư vốn lớn để đầu tư một tuyến cao tốc nên việc thu phí để hoàn vốn và bảo trì cũng phải tính đến nếu không sẽ bị ngập trong nợ công. Hạ tầng giao thông tốt thì giao thương mới phát triển được...
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam - ông Nguyễn Văn Thanh: Phải sửa các quy định
Trước đây khi triển khai BOT, Bộ GTVT đã khẳng định sẽ không thu các tuyến cao tốc được đầu tư bằng vốn ngân sách cụ thể là cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Do đó, việc triển khai thu phí phần lớn người dân sẽ không đồng tình, hiện Nhà nước cũng rất khó khăn, muốn thu phí cần phải sửa lại các quy định cho phù hợp với thực tế. Đặng Tiến thực hiện
Ý KIẾN CỦA BẠN ĐỌC (2)