Nguyên, vật liệu từ thị trường Trung Quốc và Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Theo Bộ Công Thương, Trung Quốc là thị trường có vai trò quan trọng đối với cả hoạt động xuất khẩu (XK) và nhập khẩu (NK) của Việt Nam; trong đó, Trung Quốc cung cấp phần lớn các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất của Việt Nam, nhất là với nhóm linh kiện điện tử, phụ tùng máy móc, vải và hóa chất.
Đặc biệt, nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may và da giày NK vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, chiếm tỉ trọng khoảng 50-52%. Trong khi đó, hiện nay Trung Quốc đang thực hiện chiến lược "Zero COVID", nguồn hàng xuất đi rất hạn chế, nhiều nhà máy tại Trung Quốc cũng tạm phải dừng sản xuất để chống dịch, tình trạng thiếu container tại các bến cảng... hoạt động XNK bị ảnh hưởng khá lớn.
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam - chia sẻ: Các DN sản xuất đang có nguy cơ phải giao hàng XK chậm lại bởi các đối tác phía Trung Quốc đang thiếu container rỗng để chuyển nguyên, phụ liệu về. Hơn nữa, nguồn cung nguyên liệu đầu phía cung ứng của Trung Quốc cũng giảm sút do nhiều nhà máy phải tạm dừng hoạt động để ứng phó với dịch COVID-19. cộng với nguồn cung khan hiếm do nhà máy tạm dừng hoạt động vì COVID-19.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Công ty TNHH Caosu Đức Minh, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Caosu TPHCM, cho biết: Có tới trên 70% nguyên liệu đặc biệt là hóa chất trong ngành nhựa caosu Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nhập từ Trung Quốc, tới hơn 70%. Tuy nhiên, nguồn cung từ thị trường này đang bị đứt nghẽn do phía Trung Quốc thực hiện “Zero COVID”. Trong trường hợp nguồn cung từ thị trường này tiếp tục bị gián đoạn, DN buộc phải nhập từ thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc với giá cao hơn 15-20%. Với mức giá nguyên liệu đầu vào này, DN có nguy cơ không có lãi và sản phẩm khó cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Đối với ngành gỗ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sản xuất, XK của ngành này giảm, song chủ yếu vẫn do nguồn cung nguyên liệu khan hiếm, giá tăng cao. Theo các DN, Nga và Ukraina là hai thị trường cung ứng các loại gỗ bạch dương, sồi, thông khá lớn cho Việt Nam. Hiện nay, căng thẳng giữa Nga và Ukraina đã ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu cho nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Ông Võ Quang Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai - cho biết: Hiện nay, nguồn cung nguyên liệu rất khan hiếm vì Nga, Ukraina là nơi cung ứng nguyên liệu gỗ lớn cho nước ta, Châu Âu và nhiều nước khác trên thế giới.
“Do tác động từ căng thẳng giữa Nga và Ukraina, nguồn cung gỗ từ Châu Âu cho Việt Nam giảm sâu, trong thời gian ngắn, DN gỗ Việt Nam phải đối mặt khó khăn kép là tìm nơi cung cấp nguyên liệu và giá nguyên liệu tăng phi mã” - ông Võ Quang Hà thông tin.
Thông tin từ Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, giá NK gỗ thông trong tháng 3.2022 là hơn 300USD/m3, tăng gần 100USD/m3 so với năm 2021. Trong thời gian qua, nguồn cung nguyên liệu gỗ từ những thị trường lớn như: New Zealand giảm 80%, Argentina giảm 53%, Australia giảm 72% và Châu Âu hơn 90%.
Tháo gỡ dần từng nút thắt để hỗ trợ DN
Theo VIFOREST, hiện nay, các DN gỗ Đồng Nai đang tìm nguồn nguyên liệu trong nước và các nước khác để bù lại. Hoa Kỳ là thị trường đã tăng nguồn cung nguyên liệu gỗ cho Việt Nam thêm khoảng 34% trong gần 3 tháng qua. Đồng thời, các DN phải đàm phán lại với các đối tác chuyển sang các loại gỗ khác có sẵn trong nước như gỗ tràm, caosu… Tuy nhiên, việc chuyển đổi thị trường cung ứng nguyên liệu SX không đơn giản, bởi Trung Quốc có ưu thế rất lớn trong chuỗi nguồn cung giá rẻ.
Thực sự là bài toán nguồn cung nguyên liệu đang khiến nhiều DN sản xuất, đặc biệt là các DN sản xuất để phục vụ XK rất “đau đầu”. Mặc dù các chuyên gia khuyến nghị, DN cần đa dạng thị trường NK nguyên liệu và thị trường XK hàng hóa để tránh phụ thuộc, tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, vấn đề này đang là nút thắt lớn. Bên cạnh đó, cần có nhiều hơn các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ tại thị trường trong nước, để từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang tích cực chỉ đạo các Thương vụ tích cực tìm kiếm, cung cấp và cập nhật thường xuyên danh sách các nhà phân phối, sản xuất XK nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, da giày, máy tính và các nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất của ngành hóa chất, đồ gỗ, sắt thép...; Đối với ngành dệt may, hiện Việt Nam đang tiếp tục đầu tư vào công nghiệp sợi hoàn tất, nhuộm. Nhưng khó khăn là sự phối hợp giữa các DN, bộ, ngành, địa phương để triển khai công nghiệp sợi ở một số địa phương chưa đồng bộ do vấp phải yêu cầu đảm bảo môi trường nên nhiều địa phương hiện đang từ chối, không muốn nhận công nghiệp sợi hoàn tất.
Trong dài hạn, Bộ Công Thương đang tìm giải pháp lâu dài để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng để khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào NK, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ nâng cao năng lực các DN thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai...