Khi bác sĩ bỏ việc và những ràng buộc
Mới đây, Báo Lao Động đã có loạt bài viết về thực trạng bác sĩ bỏ việc sau đào tạo gia tăng tại tỉnh miền núi Điện Biên trong vài năm trở lại đây.
Chỉ hơn 3 năm, đã có 27 bác sĩ được cử đi đào tạo bỏ việc ngay sau khi trở về địa phương. Khoản đầu tư không nhỏ, song không những không có được kết quả như mong đợi, mà ngành Y tế Điện Biên còn đứng trước nguy cơ “mất trắng” nguồn kinh phí này.
Trên thực tế, thực trạng này không chỉ ghi nhận tại 1 mà nhiều địa phương miền núi khác do những chênh lệch liên quan đến chế độ đãi ngộ, môi trường và áp lực công việc.
Tại tỉnh Yên Bái, mặc dù chưa có thống kê cụ thể, song theo bà Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế - thì trong vài năm gần đây trên địa bàn tỉnh này cũng ghi nhận tình trạng bác sĩ bỏ việc sau đào tạo. Tuy nhiên, không nhiều và chưa trở thành hiện tượng.
“Đây là khó khăn chung của ngành Y tế các tỉnh miền núi. Bởi vì điều kiện của miền núi chưa được tốt như các tỉnh miền xuôi. Thế nên sự thu hút, hấp dẫn để mà cán bộ y tế gắn bó, cống hiến ở các tỉnh này khó khăn hơn. Chính vì vậy chắc chắn có sự dịch chuyển từ nơi khó khăn về nơi thuận lợi hơn” - bà Vân cho biết.
Còn tại tỉnh Lào Cai, “kịch bản” tương tự đã xảy ra từ nhiều năm trước. Thậm chí, có bác sĩ sau khi đào tạo nâng cao tay nghề, trở về tỉnh sẵn sàng đền bù gấp đôi số tiền được “đầu tư” để “ra đi”. Năm 2016, Bệnh viện Đa khoa tỉnh này đã phải thuê cán bộ tư vấn pháp luật để tư vấn trong việc ký cam kết ràng buộc “giữ nhân tài”.
Cuối tháng 7.2016, ngành Y tế Lào Cai đã tham mưu để địa phương này ban hành Nghị quyết về chính sách thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực giai đoạn 2016 - 2020.
Trong đó, quy định rất cụ thể mức hỗ trợ từ 80 - 240 triệu đồng, đối với từng mức bằng cấp (tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, cấp II…), loại bằng cấp (giỏi, khá, trung bình…) tương đương. Thậm chí, việc đào tạo nâng cao còn được khuyến khích bằng việc trợ cấp 1 lần (cao nhất lên tới hơn 1 tỉ đồng).
Việc hỗ trợ này được cấp một lần. Song điều kiện ràng buộc kèm theo là phải công tác tại tỉnh Lào Cai tối thiểu 8 năm. Riêng bác sĩ về cơ sở y tế tuyến xã công tác tối thiểu 5 năm…
Đây được xem như “bước đột phá” trong xây dựng chính sách đãi ngộ đối với y tế miền núi nói chung. Theo bác sĩ Nông Tiến Cương - nguyên Giám đốc Sở Y tế Lào Cai - cũng nhờ xây dựng tốt chế độ, chính sách đãi ngộ mà “bức tranh” về thực trạng bác sĩ ở đây có phần tươi sáng hơn một số địa phương cùng khu vực.
Tuy nhiên, bác sĩ Nông Tiến Cương cũng thừa nhận tình trạng bác sĩ bỏ việc sau đào tạo vẫn “lác đác” diễn ra tại địa phương này.
Chưa thể tự chủ
Cho rằng liên quan trực tiếp đến thực trạng “chảy máu” nhân lực ngành Y miền núi, theo bác sĩ Nông Tiến Cương, việc tự chủ đối với các cơ sở y tế miền núi chưa thực hiện được, ít nhất trong giai đoạn hiện nay.
Bác sĩ Cương phân tích, đa phần người dân sinh sống tại các địa phương này hiện đều là đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức còn hạn chế, đời sống vẫn khó khăn. Để người dân ý thức chủ động tìm đến cơ sở y tế khi ốm đau hiện đang còn khó khăn, thì chưa thể tính đến việc họ sẽ chi tiền cho việc làm đó.
“Như vậy thì tự chủ làm sao được, đời sống cán bộ y tế sẽ nhếch nhác. Mà nhếch nhác, họ lại mang ra so sánh với y tế tư nhân thì dứt khoát bỏ đi là chuyện bình thường, đây là quy luật. Vậy nên y tế vẫn là lĩnh vực Đảng, Nhà nước phải chăm lo. Đó là chăm lo đào tạo, là chế độ chính sách, đãi ngộ… Ít nhất là trong giai đoạn này” - bác sĩ Cương nói.
Khẳng định đây là chủ trương đúng, song Giám đốc Sở Y tế Yên Bái Lê Thị Hồng Vân cũng thừa nhận việc tự chủ đối với y tế miền núi có những nhược điểm nhất định. Bà Vân cho rằng, tự chủ bệnh viện tại các tỉnh miền núi không thể thực hiện ngay mà phải theo lộ trình, do có những khó khăn đặc thù.
Trên thực tế, hiện nay tỉnh Yên Bái cũng đã ban hành kế hoạch dài hạn 5 năm, để từng bước thực hiện tự chủ, từng bước tăng tỉ lệ tự chủ.
“Những nơi địa bàn khó khăn thì tỉ lệ tự chủ thấp, chủ yếu vẫn do ngân sách nhà nước cấp, để đảm bảo vấn đề an sinh xã hội. Chính vì vậy khi nào y tế tại đây phát triển được cả về trình độ chuyên môn, cơ sở vật chất, thu hút người bệnh… thì song hành với đó mới tăng được tự chủ” - bà Vân cho biết.