Thí sinh phản ánh về việc gợi ý mua giải
Chị N.T.B.Q (ngụ Hà Nội), là một trong số thí sinh từng tham dự cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Đất Việt 2023.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, chị Q cho biết, ngay từ ngày đầu tiên tham gia cuộc thi, chị đã được nhân viên của Công ty TNHH Hãng truyền thông Topstar đưa đến gặp riêng bà Đặng Thị Hiệp (tên nghệ danh là Đặng Gia Bena) - Giám đốc Công ty TNHH Hãng truyền thông Topstar - để nói chuyện, nhưng thực chất là gợi ý việc mua giải.
Chị Q kể: "Khi tôi gặp, chị Bena đưa ra mức giá của Á hậu là 800 triệu đồng. Tuy nhiên, tôi bảo rằng với quy mô cuộc thi này và với mức giá như thế thì không thỏa đáng. Sau một hồi nói chuyện, chị ấy lại gợi ý đưa tôi vào giải Hoa hậu Thiện nguyện với giá 300 triệu đồng.
Do trước đó, tôi đã đấu giá áo dài 75 triệu đồng, nên họ nói chỉ cần chuyển thêm 225 triệu đồng. Họ nói nhiều lần để thuyết phục tôi chấp nhận "xuống tiền". Lúc đấy, rất bức xúc, tôi đã nói tôi không mua giải nên đừng nói đi nói lại chuyện này nữa".
Khuất tất trong đấu giá từ thiện
Cũng trong ngày đầu tháng 4.2024, chị N.L.H.V (ngụ quận Ba Đình - Hà Nội) là một trong những thí sinh từng tham gia cuộc thi Hoa hậu doanh nhân Đất Việt 2023 đến Tòa soạn Báo Lao Động để phản ánh về việc có dấu hiệu mua bán giải, cũng như những khuất tất trong công tác kêu gọi đấu giá từ thiện tại cuộc thi.
Theo chị V, cuộc thi Hoa hậu Doanh Nhân đất Việt 2023 diễn ra tại tỉnh Thừa Thiên Huế do công ty TNHH Hãng truyền thông Topstar tổ chức, nhưng dư âm về việc có dấu hiệu mua bán giải tại cuộc thi này vẫn đang được bàn tán trong nhóm của các thí sinh dự thi.
Chị V cho biết, trong quá trình tham gia cuộc thi, bà Đặng Gia Bena - Giám đốc Công ty TNHH Hãng truyền thông Topstar, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi - cùng một số thành viên trong ban tổ chức gặp riêng chị để gợi ý việc trả tiền để đoạt giải.
"Trong 4 ngày tham gia cuộc thi, tôi bị gọi gặp riêng ban tổ chức tổng cộng 5 lần. Mỗi lần gặp đều có 2-3 người đứng trước cửa giữ điện thoại và túi xách để họ thuận tiện cho việc gợi ý mua giải mà không sợ bị ghi âm, ghi hình. Qua nói chuyện trao đổi với nhiều thí sinh, được biết một số thí sinh khác cũng được mời chào trả tiền để đoạt giải theo khả năng tài chính, với giá từ 250 triệu đồng đến cả tỉ đồng, tùy vào từng danh hiệu" - chị V phản ánh.
Theo chị V, để hợp thức hóa số tiền này, thí sinh buộc phải ký hợp đồng truyền thông, dưới danh nghĩa là làm thương hiệu. Ngoài việc có dấu hiệu mua bán giải, ban tổ chức còn bị tố đã ép thí sinh tham gia đấu giá từ thiện. Trên danh nghĩa là kêu gọi tự nguyện, nhưng ban tổ chức dùng nhiều chiêu trò để yêu cầu thí sinh chuyển tiền.
"Việc đấu giá từ thiện không thông báo cho thí sinh biết trước mà bất ngờ được đưa vào trước đêm thi chung kết. Họ làm đủ mọi cách để thí sinh phải xuống tiền đấu giá, như chĩa máy quay phim, máy chụp hình vào từng thí sinh và bảo đang phát trên truyền hình trực tiếp cả nước xem, làm doanh nhân thì phải đóng góp thiện nguyện và đề nghị thí sinh đưa ra mức giá. Khi họ hướng ống kính vào tôi và yêu cầu đưa ra một mức giá, buộc lòng tôi phải đưa ra mức giá hỗ trợ là 50 triệu đồng" - chị V bức xúc nói về việc đấu giá từ thiện kiểu bắt ép thí sinh.
Thấy cuộc thi có dấu hiệu mua bán giải và việc kêu gọi đóng góp vào quỹ từ thiện của cuộc thi không minh bạch, chị V liên lạc với bà Đặng Gia Bena để đề nghị rút lại khoản tiền đóng góp này.
"Khi chuyển 50.000.000 đồng, tôi phát hiện tên tài khoản nhận không phải là một Quỹ thiện nguyện mà là tên cá nhân. Do vậy, sau đó tôi gặp bà Bene đề nghị hoàn lại số tiền này vì làm từ thiện thì phải có Quỹ riêng biệt, bà Bena đã đồng ý hoàn lại cho tôi 10 ngày sau khi kết thúc cuộc thi. Tuy nhiên, đến ngày hẹn trả tiền, tôi đã nhiều lần gọi điện nhưng bà đều không nghe, nhắn tin không trả lời. Cho đến giờ, số tiền 50 triệu đồng đấy chưa được trả lại. Không riêng gì tôi, một số thí sinh được bắt ép xuống tiền đấu giá thiện nguyện cũng chưa được trả lại đủ tiền dù liên tục đòi", chị V nói.
Tương tự như vậy, chị N.T.B.Q (ngụ Hà Nội) cho biết, do ban tổ chức liên tục hướng máy quay vào chị nên chị cũng bấm bụng đấu giá bộ áo dài 75 triệu đồng.
"Họ tổ chức đấu giá thiện nguyện nhưng làm rất lố, cứ liên tục chĩa máy quay vào mặt thí sinh và bảo đang phát trực tiếp trên truyền hình. Lúc đó tâm trí tôi rối quá nên đã đưa ra mức giá 75 triệu đồng cho bộ áo dài. Sau đó, họ đưa hợp đồng cho vợ chồng tôi ký, nhưng lại ghi nội dung số tiền này dùng để làm truyền thông. Thấy kêu gọi làm từ thiện ủng hộ hoàn cảnh nghèo, nhưng lại ghi trong hợp đồng là làm truyền thông nên chồng tôi không chịu chuyển tiền. Tuy nhiên, họ yêu cầu phải chuyển nếu không sẽ không được thi tiếp, lúc đó tôi buộc phải chuyển tiền để được thi đêm chung kết" - chị Q nói.
Bức xúc trước việc cuộc thi sắc đẹp nhưng lại gợi ý thí sinh trả tiền để đoạt giải, đồng thời việc kêu gọi đóng góp thiện nguyện có dấu hiệu không minh bạch, nên chị V đã làm đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng có liên quan đề nghị vào cuộc làm rõ Quỹ từ thiện này, cũng như cơ sở pháp lý của nhiều cuộc thi hoa hậu do bà Bena tổ chức trong thời gian qua.
Cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Đất Việt 2023 được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp giấy phép Số 6644/UBND-VH ngày 03.07.2023 cho Công ty TNHH Hãng truyền thông TOPSTAR. Đêm chung kết cuộc thị diễn ra vào tối 21.9.2023, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Thành phố Huế, đây cũng là lần đầu tiên cuộc thi này được tổ chức.
Bà Đặng Thị Hiệp (tên nghệ danh là Đặng Gia Bena) - Giám đốc Công ty TNHH Hãng truyền thông Topstar, ngoài tổ chức cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Đất Việt còn tổ chức hàng loạt cuộc thi sắc đẹp khác như: Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam Toàn cầu, Nữ hoàng doanh nhân Đất Việt, Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam, Hoa hậu Thương hiệu Việt Nam, Hoa hậu Thương hiệu Olivia,…