Thênh thang đất biển Cà Mau

Trương Thúy Hằng |

Cà Mau không chỉ xa, mà xa đến mỏi khi tôi phải lặn lội suốt một hành trình dọc chiều dài đất nước để ló mặt mình ra Biển Tây, đến quê hương của người nghệ sĩ dân gian tục gọi là bác Ba Phi ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời. Con lộ quãng gần 2 chục cây số dẫn từ thị trấn Sông Đốc vào nhà của ông được đặt tên Ba Phi ngập nước cường. Cái danh “huyền thoại nói dóc” Ba Phi cũng nức tiếng từ lâu mà điều bất ngờ lại nằm ở cuối con đường.

Trước mắt tôi là căn nhà nhỏ bé dựng bằng khung thép tiền chế, lợp mái tôn gần ngã ba Lung Tràm - Kênh Ngang, 2 con kênh xáng thẳng tắp đổ nước ra Biển Tây.

Di tích về ông Ba Phi còn nhiêu đó! Cháu nội của ông Ba Phi, chị Mỹ Lệ nói, rồi niềm nở đón tôi vào nhà. Xung quanh căn nhà nước dềnh lên lắp xắp. Và chạnh lòng nhất là đường đi từ con lộ lớn vào ngôi mộ của ông Ba Phi và 2 bà vợ bên rặng dừa phía sau bị ngập lênh láng nước. Chị Lệ nói 3 tháng nay nước lên, mỗi lần ra thăm mộ ông nội, chị phải lội nước cao tới đầu gối. Dạo này khách du lịch ghé tới phải đứng xa dòm, không tới gần được mộ ông.

Hút tầm mắt sau rặng dừa là bóng của khóm bông trang đỏ đìu hiu soi mặt nước. Cảm giác như ở mé Biển Tây này, triều cường và nước biển dâng dồn đuổi cả xóm làng, đô thị và người đã khuất. Sự cách trở, đìu hiu của rừng hoang - sông nước làm nên đặc trưng của miền đất biển Càu Mau, dù đã dựng bao nhiêu nhịp cầu vẫn còn đó những mênh mang, xa cách, khó lòng làm ấm lại.

Mỹ Lệ không còn giữ được di vật gì của bác Ba Phi, tức ông Nguyễn Long Phi, ngoài 2 thứ là con thuyền độc mộc cũ nát và chiếc giáo đi săn đã giao cho Bảo tàng Cà Mau. Bác Ba Phi có 3 người vợ, giờ bà cả và bà ba nằm kế 2 bên phần mộ của ông. Trớ trêu, người phụ nữ sinh cho ông duy nhất một người con trai là người vợ thứ 2 thì lưu lạc đất khác. Và giờ đây, gần gũi nhất, được sinh sống trên phần đất mà chính ông khai khẩn trong hoang vu của rừng U Minh trước kia lại là con dâu của ông, bà Nguyễn Thị Anh và cháu nội ông – chị Mỹ Lệ. Cuộc đời Ba Phi là pho sử đi cùng với quá trình khẩn hoang U Minh Hạ, làm nên hình hài vùng đất bán đảo Cà Mau, cực nam đồng bằng sông Cửu Long ngày nay.

Di sản còn lại tưởng nhớ Bác Ba Phi trong căn nhà ở ấp Lung Tràm, Khánh Hải, Trần Văn Thời, Cà Mau. Ảnh: Trương Thuý Hằng
Di sản còn lại tưởng nhớ Bác Ba Phi trong căn nhà ở ấp Lung Tràm, Khánh Hải, Trần Văn Thời, Cà Mau. Ảnh: Trương Thuý Hằng

Điều an ủi là ngày giỗ của ông, mùng 3 tháng 11 âm lịch hằng năm (ông mất ngày 6 tháng 12 năm 1964, thọ 80 tuổi) luôn là một ngày hội ở ấp Lung Tràm, Khánh Hải. Ngoài bà con cô bác trong ấp còn rất nhiều khách đường xa tìm tới và con cháu của ông tụ bầy. Trong đó, Mỹ Lệ tiết lộ chỉ có một cậu em họ của cô có khả năng kể chuyện tiếu lâm giống như ông Ba Phi, còn ngoài ra không ai trong số con cháu của Ba Phi được thừa hưởng đất đai, của cải hay trí tuệ dân gian của ông.

Con người từ chỗ chinh phục thiên nhiên, giờ phải thích ứng với thiên nhiên, tâm hồn trong trẻo hồn hậu kiểu Ba Phi còn mãi trên miền đất biển này.

Những câu chuyện tiếu lâm quen thuộc nhất của Ba Phi được nhiều thế hệ độc giả cả nước đọc hoài để giải trí, họ cũng không biết, không thuộc hết. Cái mã văn hóa nói dóc kiểu Ba Phi hòa nhuyễn vào đất biển Tây Nam, trở thành một phần đời sống Nam Bộ, biểu trưng của trí tuệ dân gian thời khẩn hoang, vượt ra khỏi ấp Lung Tràm từ lâu nhưng nơi phát tích ra niềm hào sảng, sung khoái, thênh thang đó lại đơn sơ đến khó tin.

Ngôi nhà 2 mẹ con Mỹ Lệ đang ở trên mảnh đất hẹp còn lại của ông Ba Phi, và chi phí dựng nhà cũng là các nhà hảo tâm yêu mến danh tiếng của ông xúm vào đỡ đần. Xưa kia Ba Phi là chàng trai vỡ hoang U Minh Hạ giỏi võ, lực điền, biết đờn cò, ca vọng cổ và đặc biệt có tài kể chuyện, ứng biến tài tình, cái duyên ăn nói từ già tới trẻ đều mê nên vị hương quản tế (một chức việc cai quản an ninh trật tự ở xã) đã gả con gái cho ông và cho thêm vô số đất đai.

Vào lúc hưng thịnh, ông có hơn 30 công đất, sau đó phần lớn hiến cho cách mạng chia cho dân nghèo, hiến cho nhà nước làm đường, chia cho con cháu. Việc Ba Phi gắn bó với du kích quân đóng ở rừng U Minh cũng được nhiều người chứng thực. Và có lẽ, từ nguyên mẫu một con người có phần xuất chúng, ông bước vào huyền thoại, trở thành căn nguyên nhân lên khí chất phóng khoáng Nam Bộ.

Bên hiên căn nhà chiều Lung Tràm lắc rắc mưa, tôi và Mỹ Lệ ngồi đọc một đoạn cuốn sách duy nhất mà chị có trong nhà, một cuốn sách biên soạn lại những câu chuyện tiếu lâm Ba Phi. Mỹ Lệ bảo bà Nguyễn Thị Anh ngày một già yếu. Bà lo sợ mình lại nằm xuống mà không được thấy ngày mảnh đất này được tu bổ, xây dựng lại đường sá cảnh quan để bà con gần xa đến viếng ông Ba Phi. Bà Nguyễn Thị Anh đồng thuận tiếp tục hiến phần đất là nền nhà cũ của ông Ba Phi, toàn bộ phần đất làm đường đi vào phần mộ của ông để Cà Mau xây dựng Khu Di tích lưu niệm nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi đã được cấp bằng di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2015.

Nhưng chờ mãi, cỏ mọc xanh um, bông trang đỏ ối mà không thấy ai rục rịch gì. Mỹ Lệ nghe du khách gần xa “xúi bẩy”, viết đơn gửi khắp nơi đòi lại đất để bán đi lấy tiền tu bổ mộ ông nội. Người đàn bà Lung Tràm rõ ràng không có khả năng gây cười và khí thế lạc quan như ông nội mình. Bù lại, những chuyện chị nhớ nhất lại là nỗi niềm 3 người vợ chung chồng buồn tủi của ông Ba Phi được mẹ và một vài người thân thích đưa chuyện, kể lại. Những câu chuyện vui buồn đủ cả và riêng tư về biến cố cuộc sống của ông Ba Phi nằm ngoài thế sự, nhưng lại chưa thể xác định có thật hay không. Phải chăng cuộc đời của huyền thoại nói dóc cũng hư thực như những câu chuyện tiếu lâm của ông?

Di sản còn lại tưởng nhớ Bác Ba Phi trong căn nhà ở ấp Lung Tràm, Khánh Hải, Trần Văn Thời, Cà Mau. Ảnh: Trương Thuý Hằng
Di sản còn lại tưởng nhớ Bác Ba Phi trong căn nhà ở ấp Lung Tràm, Khánh Hải, Trần Văn Thời, Cà Mau. Ảnh: Trương Thuý Hằng

Con trăng tháng mười âm lịch vừa qua là đỉnh điểm triều cường ở Biển Tây. Đê Biển Tây nối từ Đất Mũi qua đất Cà Mau qua Kiên Giang dọa vỡ suốt. Chỗ con kênh Lung Tràm, ngang đất ông Ba Phi gần ngay cửa biển, cách vài vàm đước là biển cả mênh mang. Đất và người Cà Mau lại tiếp tục cuộc chiến mới với xói lở đất và biến đổi khí hậu, triều cường rất căng thẳng. Thiên nhiên từ thời khẩn hoang tới giờ chưa lúc nào thôi thử thách lòng người. Chỉ có niềm lạc quan vơi dần đi, sự lo lắng nhân lên. Trước thâm trầm trùng điệp và hoang hóa của U Minh Hạ, những con người như ông Nguyễn Long Phi ngày ấy chẳng bao giờ thiếu khiếu trào lộng.

Tôi đi trên con đê dài tưởng như bất tận. Ở chỗ mỗi con kênh đổ ra Biển Tây lại có một cây cầu mới xây ngang mức mặt trời lặn trên vàm cây đước. Cầu nối tiếp cầu. Qua các xóm ấp trò chuyện nhiều lớp người, ai cũng tự hào là con cháu Ba Phi. Để tâm lắng nghe, ai nấy đều có chút “dóc tổ”, hài hước, nói quá, thân thiện với thiên nhiên, cảnh vật, nhân cách hóa động vật hoang dã… như chuyện tiếu lâm Ba Phi.

Trương Thúy Hằng
TIN LIÊN QUAN

Cà Mau: Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch cuối năm

NHẬT HỒ |

Từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 12, tại tỉnh Cà Mau diễn ra các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư. Hoạt động này nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, thương mại, du lịch thời kỳ hậu COVID-19 và đón Tết nguyên đán.

Đại tướng Tô Lâm: Cà Mau cần phát huy kinh tế biển, liên kết vùng

NHẬT HỒ |

Phát biểu tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 ngày 27.10, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh Cà Mau cần phát huy kinh tế biến gắn với liên kết vùng, để phát triển nhanh và bền vững.

Cà Mau: Ra mắt cà phê kết nối doanh nghiệp

NHẬT HỒ |

Nhân kỷ niệm 16 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10.2004 – 13.10.2020), chiều 12.10 UBND tỉnh Cà Mau chính thức ra mắt cà phê kết nối doanh nghiệp.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Cà Mau: Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch cuối năm

NHẬT HỒ |

Từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 12, tại tỉnh Cà Mau diễn ra các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư. Hoạt động này nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, thương mại, du lịch thời kỳ hậu COVID-19 và đón Tết nguyên đán.

Đại tướng Tô Lâm: Cà Mau cần phát huy kinh tế biển, liên kết vùng

NHẬT HỒ |

Phát biểu tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 ngày 27.10, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh Cà Mau cần phát huy kinh tế biến gắn với liên kết vùng, để phát triển nhanh và bền vững.

Cà Mau: Ra mắt cà phê kết nối doanh nghiệp

NHẬT HỒ |

Nhân kỷ niệm 16 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10.2004 – 13.10.2020), chiều 12.10 UBND tỉnh Cà Mau chính thức ra mắt cà phê kết nối doanh nghiệp.