Hạ tầng giao thông cần đi trước một bước
Hạ tầng giao thông ở khu vực lập Thành phố Thủ Đức những năm gần đây được đầu tư bài bản nhất trong các khu vực của TPHCM với tuyến đường xa Lộ Hà Nội, đường Mai Chí Thọ với hầm Thủ Thiêm, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đường Phạm Văn Đồng,…
Thế nhưng, ngoài một số tuyến đường lớn trên thì đa số đường khu vực này nhỏ hẹp, thường xuyên ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông như đường như Nguyễn Duy Trinh, vòng xoay Mỹ Thủy. Chưa kể nhiều dự án chậm triển khai hoặc thi công dang dở như cầu Nam Lý, cầu Tăng Long, dự án đường Vành đai 2, Vành đai 3… khiến người dân bức xúc nhiều năm qua.

Theo ông Phan Công Bằng – Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, thành phố đã xác định giao thông phải đi trước một bước để giúp Thành phố Thủ Đức phát triển nhanh, bền vững. Do đó, Sở đã ban hành kế hoạch hành động xây dựng Thành phố Thủ Đức thời gian tới, trong đó bổ sung và hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới giao thông theo hướng hiện đại, đồng bộ.
Đáng chú ý, ngành giao thông xác định 16 dự án đường bộ ở khu vực Thành phố Thủ Đức chưa hoàn thành giai đoạn 2016-2020 là nhóm cần ưu tiên đầu tư từ năm 2021 đến 2025. Cụ thể nhóm ưu tiên này gồm: đường Vành đai 2 (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa); mở rộng xa lộ Hà Nội, đường Lương Định Của, Đồng Văn Cống, nút giao Mỹ Thuỷ, cầu Tăng Long và Nam Lý...
“Để tránh tình trạng dự án thi công dang dở vì vướng mặt bằng, công tác giải phóng mặt bằng phải được đẩy nhanh để các dự án hoàn thành đúng tiến độ” – ông Bằng khẳng định.
Tiếp đó, giai đoạn 2021-2030, các công trình trọng điểm ưu tiên là khép kín hai đoạn Vành đai 2 (đoạn từ cầu Phú Hữu đến ngã tư Bình Thái và từ Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng). Cùng với đó, nút giao An Phú, cầu Cát Lái, cầu Thủ Thiêm 2 - 3 - 4 cũng sẽ hoàn thành, kết nối tất cả các hướng Thành phố Thủ Đức về trung tâm TPHCM.
Trung tâm kết nối liên vùng
Cũng theo lãnh đạo Sở GTVT TPHCM, với vị trí cửa ngõ phía Đông, Thành phố Thủ Đức sẽ được đầu tư để trở thành một trung tâm kết nối cho cả vùng Đông Nam Bộ về hạ tầng giao thông.
Theo đó, tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ được mở rộng lên 8 làn xe (gấp đôi so với hiện nay chỉ có 4 làn xe) với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng. Trước mắt, tuyến đường này là cửa ngõ kết nối với sân bay Long Thành. Về lâu dài, dự án đường sắt nhẹ từ Thủ Thiêm tới sân bay Long Thành với chiều dài 37km cũng được triển khai.

Tuyến Vành đai 3 dài hơn 90 km đi qua Long An, TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai chia làm 4 đoạn. Trong đó đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch qua Thành phố Thủ Đức dài gần 18 km, tổng vốn hơn 9.000 tỉ đồng dự kiến khởi công trong quý I/2021.
Ngoài đoạn này còn có đoạn dài hơn 15 km đi qua Thành phố Thủ Đức với tổng vốn 6.700 tỉ đồng. Các đoạn này khi khép kín giúp phát triển kinh tế, xã hội không chỉ cho TPHCM mà còn cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Sở GTVT TPHCM cũng ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông thủy. Trong đó, hoàn chỉnh đầu tư giao thông đường bộ kết nối hạ tầng với hệ thống cảng biển Cát Lái trên sông Đồng Nai để khai thác tối đa năng lực hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua cảng.
Sở GTVT TPHCM dự kiến cần 300.000 tỉ đồng phát triển hạ tầng giao thông Thành phố Thủ Đức trong 10 năm tới, trong đó ngân sách thành phố hơn 83.000 tỉ đồng, còn lại các nguồn khác (Trung ương, xã hội hóa, ODA...).