Theo đó, ngày 23.7, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ (ở Thanh Hóa) công bố kết quả khai quật khảo cổ đường Hoàng gia trong nội thành di sản thế giới Thành Nhà Hồ.
Được biết, cuộc khai quật lần này đã phát lộ và làm rõ hiện trạng, dấu tích các cung điện được dự đoán trước đó và nằm dọc theo đường Hoàng gia.
Việc khai quật tập trung tại khu vực trung tâm nội thành và chia làm 2 phân khu. Khu A là khu vực các hố đào ở phía Bắc trục đường Đông – Tây với tổng diện tích 3.500 m2, khu B là khu vực các hố đào ở phía Nam dọc đường Đông – Tây với tổng diện tích 9.500 m2.
Qua cuộc khai quật, đã phát lộ nhiều dấu tích về con đường Hoàng gia. Cụ thể, tại khu A vật liệu xây dựng con đường Hoàng gia chủ yếu là đá phiến kết hợp với gạch xây. Khu B không có vật liệu đá phiến mà chủ yếu là gạch ngói vụn.
Các nhà khảo cố tham gia khai quật nhận định, con đường Hoàng Gia của thành Tây Đô thời Hồ chỉ còn tình trạng tốt nhất ở khu vực trước và sau cổng Nam.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Bá Linh - Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản thế giới Thành Nhà Hồ cho biết, từ cuộc khai quật lần này đã phát hiện nhiều dấu tích, kiến trúc quan trọng của kinh đô thời nhà Hồ. Với những phát hiện này, đã đóng góp vào việc tìm hiểu cấu trúc và kiến trúc Thành Nhà Hồ qua các thời kỳ lịch sử.
“Qua các cuộc khai quật trong khu vực nội thành đã liên tiếp làm xuất lộ nhiều dấu tích kiến trúc quan trọng của kinh đô, dấu tích con đường Hoàng gia, cụm kiến trúc Nền Vua, cụm kiến trúc Con Rồng, dấu tích được tương truyền là Đông Thái miếu và Tây Thái miếu. Từ đó có thể bước đầu nhận diện mặt bằng Thành Nhà Hồ ở khu vực trục trung tâm nội thành”- ông Linh chia sẻ.
PGS, Tiến sĩ Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết, đối với các kiến trúc đã xuất lộ trên trục đường Hoàng gia, một yêu cầu lớn đặt ra là cần nghiên cứu vị trí và chức năng của các kiến trúc này.
“Để tìm hiểu điều này, cần phải mở rộng công tác nghiên cứu tổng thể, khai quật khảo cổ học, nghiên cứu đối sánh cấu trúc của các kinh đô cổ ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Việc này cần một thời gian dài và có phần khó khăn” - PGS, Tiến sĩ Tống Trung Tín cho hay.