Về vấn đề này, báo Lao Động có nhiều bài, tuyến bài phản ánh về tình trạng sạt lở bờ sông tại Thanh Hoá. Trong đó, có bài “Sông Mã nổi giận” nói về tình trạng sạt lở tại thôn Giang Đông, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Hoặc bài “Cát tặc rút ruột sông Mã và dấu hỏi về lợi ích nhóm” đề cập nhiều năm qua, “cát tặc” ngang nhiên cắm vòi vào bãi sông hút cát khiến sông Mã thay đổi dòng chảy, hủy hoại sinh kế, đe dọa tính mạng người dân, trong khi đó chính quyền các cấp vẫn loay hoay tìm cách xử lý.
Tại kế hoạch mới ban hành, UBND tỉnh Thanh Hoá khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể của tỉnh nhằm thu hút nguồn lực ngoài ngân sách cho công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, sẽ xây dựng được cơ sở dữ liệu, bản đồ hệ thống quan trắc, giám sát, nghiên cứu và cảnh báo các khu vực có nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển, cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở trên địa bàn theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Kiểm soát hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, khu vực ven biển, ngăn chặn khai thác cát, sỏi trái phép, nhất là tại các khu vực đã được cảnh báo có nguy cơ sạt lở. Quản lý chặt chẽ vùng đất ven sông, ven biển không để xây dựng, nâng cấp nhà ở, công trình ven sông, ven biển làm tăng nguy cơ sạt lở, bị rủi ro do sạt lở. Bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, gắn với ổn định sinh kế cho người dân.
Di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi các khu vực sạt lở (bao gồm bờ sông, suối, kênh, rạch và bờ biển) đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm; từng bước sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, kết hợp với tái định cư, ổn định đời sống cho người dân.