Không lo thiếu nguồn hàng
Chia sẻ với Lao Động, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho hay: Để chuẩn bị phục vụ nhân dân đón Tết đầy đủ, an toàn, Bộ Công Thương đã đề nghị các địa phương, sở, ban, ngành thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường.
“Đề nghị các địa phương, các DN và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa; Triển khai chương trình bình ổn thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định; thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm...” - bà Lê Việt Nga nói.
Theo báo cáo sơ bộ, đến nay hầu hết các tỉnh, thành phố đã báo cáo về việc triển khai xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường Tết Nguyên đán 2024 và 100% tỉnh, thành phố đông dân đã hoàn thành kế hoạch này.
Các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn thị trường tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết của người dân như: Lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo, xăng dầu...
“Bên cạnh chương trình bình ổn thị trường, nhiều hoạt động khác như tổ chức các hội chợ xuân, các chương trình kết nối cung cầu, giới thiệu sản phẩm, đưa hàng Việt về nông thôn, giới thiệu các sản phẩm OCOP, tổ chức tháng khuyến mại... cũng được quan tâm tổ chức nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước, phục vụ tốt nhu cầu người dân.
Đặc biệt là, để phục vụ công nhân lao động, người có thu nhập thấp, các địa phương chú trọng đưa hàng Tết về các KCN, KCX, vùng sâu, vùng xa... Nhìn chung, do tình hình sản xuất ổn định nên năm nay, số lượng hàng hóa, sản vật phục vụ Tết rất dồi dào” - bà Lê Việt Nga cho biết thêm.
Hỗ trợ công nhân, người lao động mua sắm an toàn, tiết kiệm
Đồng Nai là địa phương có nhiều nhà máy, khu công nghiệp, đông công nhân… nên từ nay đến Tết, Sở Công Thương Đồng Nai tiếp tục làm việc một số địa phương và DN sản xuất kinh doanh các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán, tình hình chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết và ứng phó với các tình huống thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, phục vụ công nhân mua sắm Tết an toàn.
Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng triển khai các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, bán hàng lưu động để người dân mua sắm thuận tiện, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai Thái Thanh Phong, để phục vụ nhân dân, đặc biệt là CNLĐ mua sắm Tết an toàn, tỉnh Đồng Nai đã triển khai chương trình cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Còn theo ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, phục vụ người dân mua sắm Tết, tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, các DN của địa phương tham gia bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa và kích cầu tiêu dùng, đảm bảo chất lượng, đầy đủ nguồn hàng, bình ổn giá (đảm bảo giá thấp hơn thị trường từ 5-10% theo từng thời điểm).
“Nguồn hàng đưa ra thị trường Tết năm nay của Bình Dương gồm 819 tấn lương thực (gạo, nếp); 273 tấn thịt lợn; 82 tấn thịt trâu, bò; 137 tấn thịt gia cầm; 1.230 tấn rau, củ, quả; 1.450 triệu quả trứng (gà, vịt); 483 nghìn lít sữa…
Để đảm bảo nguồn hàng, định kỳ ngày 25 hằng tháng, các DN tham gia bình ổn giá phải báo cáo cụ thể tình hình dự trữ hàng hóa và ngày 20.2.2024 phải gửi báo cáo tổng kết giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán về Sở Công Thương và Sở Tài chính để có hướng giải quyết kịp thời” - ông Võ Văn Minh chỉ đạo.
Sở Công Thương TPHCM cũng cho nay, lượng nông sản cung ứng thị trường TPHCM qua 3 chợ đầu mối đạt bình quân 7.600 tấn/ngày, gồm 800 tấn thịt gia súc, gia cầm, 1.200 tấn thủy hải sản, 5.600 tấn rau củ quả. Dự kiến, vào thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 13.000 - 15.000 tấn/ngày.
Để chuẩn bị Tết, Sở Công Thương phối hợp với UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức triển khai tới Ban quản lý các chợ tập trung theo dõi số lượng hàng hóa xuất nhập, tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn và về chợ, nắm bắt tình hình kinh doanh, kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng của thương nhân trong chợ; đẩy mạnh tuyên truyền, công tác kiểm tra, kiểm soát; đảm bảo hoạt động kinh doanh tại chợ thực hiện nghiêm túc quy định về niêm yết giá, hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm…
Đặc biệt, với mặt hàng gạo, do giá gạo trong nước có xu hướng tăng do giá gạo thế giới tăng cao, để tăng nguồn lực bình ổn giá mặt hàng này, Sở Công Thương TPHCM đã vận động, mời gọi thêm nhiều DN tham gia, đồng hành cùng chương trình bình ổn thị trường với cam kết: Cung cấp đủ gạo trong mọi tình huống, giá cả hợp lý, gạo không chất bảo quản, chất lượng an toàn.
Được biết, với nguồn lực hiện tại do có sự tham gia của các tập đoàn kinh doanh gạo quy mô lớn như: Vinh Phát, Lương thực Thành phố, Tấn Vương, Lộc Trời…; cùng với sự chia sẻ thông tin, phối hợp kịp thời của các địa phương vùng nguyên liệu, các hệ thống phân phối lớn của TPHCM, dự kiến thị trường gạo trên địa bàn TPHCM từ nay đến Tết Nguyên đán được duy trì ổn định, đảm bảo cân đối cung cầu.