Vấn nạn quảng cáo
"Gần đây khi xem YouTube, tôi lại bắt gặp quảng cáo thuốc trị xương khớp, tiểu đường, nhất là thuốc cường dương. Chúng xuất hiện ở cả các video hoạt hình và chương trình dành cho trẻ nhỏ" - anh Nguyễn Văn Cường - một người dân sống tại TP Cao Bằng - chia sẻ.
Các video quảng cáo thuốc vẫn được thực hiện theo phong cách quen thuộc trước đây. Nội dung quảng cáo sẽ được lồng ghép hình ảnh của người nổi tiếng hoặc một số người tự nhận là bệnh nhân đã khỏi sau khi sử dụng thuốc.
Thậm chí, có doanh nghiệp giả mạo đài truyền hình, lồng ghép video tinh vi để quảng cáo sai về TPCN. Nhiều người còn giả mạo bác sĩ, lương y của các bệnh viện lớn để tư vấn về TPCN... như thuốc chữa bệnh. Trong các bài quảng cáo này, luôn kèm những câu khẳng định như: "Tốt nhất; chữa dứt điểm; xóa bỏ tình trạng đau nhức, khỏi ngay tại nhà...".
Mong xử lý dứt điểm
"Mong các cơ quan ngăn chặn dứt điểm, bởi gia đình tôi có 3 con nhỏ, các cháu thường xem các bài nhạc thiếu nhi trên YouTube qua tivi, nhưng quảng cáo kiểu này liên tục làm phiền" - chị Thái Mỹ (sống tại TP Hà Nội) chia sẻ.
Liên lạc theo số điện thoại 0965332XXX trên một đoạn quảng cáo sản phẩm "Khớp Thiên Vương", PV liền nhận về loạt tư vấn. Người ở đầu dây xưng là bác sĩ Nguyễn Hồng Siêm (nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội, Bác Sĩ CK2 BVĐK Hà Đông với 40 năm kinh nghiệm) - tư vấn: "Với sản phẩm đông y sẽ điều trị gout khỏi dài lâu, đã khỏi là khỏi tận gốc, mỗi tháng dùng 1 liệu trình gồm 1 lọ Khớp Thiên Vương (60 viên), tặng kèm 1 chai dạng xịt xoa bóp... số tiền cần bỏ ra hằng tháng khoảng 1,7 triệu đồng".
Người này không quên dặn kèm, muốn mua hàng thật phải gọi vào đúng số điện thoại nêu trên các đoạn quảng cáo xem trên tivi hay truyền hình. Quá trình trao đổi với PV, người tư vấn này luôn khẳng định sản phẩm Khớp Thiên Vương là thuốc, có tác dụng chữa bệnh và mỗi liệu trình dùng sẽ kéo dài 3 tháng, các triệu chứng bệnh xương khớp hay gout sẽ được trị khỏi. Tuy nhiên theo tìm hiểu, sản phẩm này là thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Trao đổi với Lao Động, LS Trần Đại Lâm (Công ty Luật TNHH ANVI) - chia sẻ: "Với các hành vi như quảng cáo thực phẩm chức năng, bán thuốc với cam kết là chữa khỏi hoàn toàn, điều trị tận gốc bệnh... mà chưa được kiểm chứng về chất lượng, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép quảng cáo là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo khoản 1 Điều 49 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, tổ chức có hành vi “quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định” sẽ bị phạt tiền đối với cá nhân từ 20 - 25 triệu đồng.
Ngoài ra, nếu việc quảng cáo không đúng sự thật, quá sự thật, khiến người tiêu dùng hiểu nhầm về công dụng, chức năng của sản phẩm, sử dụng và bị thiệt hại thì tổ chức, cá nhân quảng cáo sai sự thật sẽ phải bồi thường tương ứng với thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Hơn nữa, người quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm tù về tội quảng cáo gian dối...