BÁO ĐỘNG CHỈ SỐ Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ Ở HÀ NỘI:

Sức khoẻ người dân bị đe dọa

PHẠM ĐÔNG - TÙNG GIANG |

Trong những ngày gần đây, chất lượng không khí ở Hà Nội đều cho những kết quả trong ngưỡng kém và xấu ở cả “10/10” điểm quan trắc. Chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí trung bình một ngày) ở Hà Nội luôn duy trì màu cam và màu đỏ (tức chất lượng không khí kém). Các chuyên gia cho rằng, lượng lớn khí thải, bụi thoát ra từ hoạt động sản xuất, giao thông và xây dựng khiến Hà Nội bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Bãi rác quá tải, chất lượng không khí rất xấu

Ngày 27.9, thông qua các ứng dụng đo thời tiết như Air Visual hay Pam Air, nhiều điểm quan trắc taị Hà Nội có chất lượng không khí AQI ở trên mức 150, chạm mốc 180. Còn theo số liệu từ Cổng thông tin quan trắc môi trường của TP.Hà Nội, chỉ số chất lượng không khí trung bình một ngày AQI tính đến hôm nay là 147. Đây là mức chỉ số không tốt cho nhóm nhạy cảm. Nhóm người nhạy cảm có thể bị ảnh hưởng sức khỏe.

Một số nguyên nhân chính khiến Hà Nội chịu tình trạng ô nhiễm đến mức báo động đã được các chuyên gia đầu ngành, những đơn vị chức năng nêu rõ. Tuy nhiên, khi nhìn nhận trực diện vấn đề khiến môi trường sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng từng ngày, từng giờ, không thể không kể đến việc thành phố đang trong quá trình đô thị hóa, nhiều công trình xây dựng phát sinh bụi, chưa di dời được các nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi nội đô.

Đặc biệt, một nguyên nhân gây ô nhiễm trực tiếp đến nguồn không khí ở Hà Nội là do rác thải tồn đọng, ùn ứ ở một số tuyến đường, kênh mương. Theo ghi nhận của Lao Động, bên lề đường Quang Tiến, cách cổng trường THPT Đại Mỗ (thuộc phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội) chừng 20m, tình trạng rác thải sinh hoạt, phế thải VLXD hình thành tự phát trong một thời gian dài, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, cuộc sống hàng ngày của học sinh và người dân nơi đây. Tương tự, con mương nằm trên địa bàn phường Định Công, bắt nguồn từ ngõ 192 đường Lê Trọng Tấn (quận Hoàng Mai, Hà Nội) từ lâu trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp của hàng trăm hộ dân. Một lượng lớn rác thải sinh hoạt tập kết ven bờ mương, lâu ngày đã phân hủy, bốc mùi hôi thối khiến cho bất cứ ai qua đoạn mương cũng phải khiếp sợ.

Ông Nguyễn Hữu Tiến - Tổng Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Hà Nội - cho biết, công ty là đơn vị được giao quản lý, vận hành 2 bãi rác lớn nhất thành phố hiện nay là Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) và Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì). Trong đó mỗi ngày, bãi rác Nam Sơn tiếp nhận 4.500 - 4.700 tấn; bãi rác Xuân Sơn khoảng 1.200 tấn. Với lượng rác này, đến hết năm 2020, cả hai bãi sẽ không còn khả năng tiếp nhận thêm. Và đây sẽ là sức ép rất lớn nếu không sớm thúc đẩy các dự án xử lý rác tiên tiến khác trên địa bàn thành phố.

Đáng chú ý, hiện nay hầu hết bãi rác của thành phố đều sử dụng biện pháp chôn lấp và có tới 85 - 90% các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (không khí, nước, đất), nhiều bãi rác trong tình trạng quá tải. Đặc biệt, kết quả quan trắc môi trường không khí xung quanh các bãi rác có xu hướng gia tăng vượt quy chuẩn từ 1,2 - 1,5 lần cho phép. Tại các bãi chôn lấp, nước rỉ rác có chứa hàm lượng chất ô nhiễm cao gây ô nhiễm nước mặt và nước ngầm.

Về vấn đề xử lý rác ở Hà Nội, ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết: “Rác của các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội phải đi theo hướng xử lý bằng công nghệ từ các nhà máy. Lẽ ra, việc này chúng ta đã phải thực hiện từ rất lâu, nhưng thực tế việc triển khai nhà máy xử lý rác hiện đại vẫn loay hoay và triển khai chậm. Thực trạng này, chúng ta phải có đánh giá nghiêm khắc để đưa ra được chiến lược xử lý rác thải sinh hoạt ở Việt Nam”.

Tiếp đó, ông Nghiêm Xuân Đạt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và các khu công nghiệp Việt Nam - cũng nhấn mạnh, việc xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp vừa tốn diện tích đất, vừa khó kiểm soát vệ sinh môi trường. Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn là nơi tiếp nhận rác lớn nhất của thành phố, theo tính toán cũng sẽ hết chỗ chôn lấp vào năm 2020. Việc này đặt ra cho Hà Nội yêu cầu phải sớm có phương án xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại.

Biểu đồ chỉ số chất lượng không khí trung bình AQI ngày 27.9 (nguồn Cổng thông tin quan trắc môi trường Hà Nội).
Biểu đồ chỉ số chất lượng không khí trung bình AQI ngày 27.9 (nguồn Cổng thông tin quan trắc môi trường Hà Nội).

Đủ các nguồn gây ô nhiễm

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Minh - giảng viên bộ môn tai mũi họng Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch - cho biết, nguồn sinh ra bụi mịn PM2.5 ở các đô thị lớn hầu hết là từ khí thải giao thông, công trình xây dựng, đường sá và nhà máy công nghiệp. Loại bụi này có kích thước siêu nhỏ, chúng có thể đi vào đường hô hấp khi con người hít thở, từ đó có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu, ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người.

Ngoài ra, khi độ ẩm trong ngày ở mức cao 92 - 95%, hiện tượng nghịch nhiệt (tầng cao nhiệt độ cao, tầng thấp nhiệt độ thấp) khiến lớp bụi, khói luẩn quẩn mặt đất không thoát lên được. Đây được xem là hiện tượng mù chứa nhiều chất ô nhiễm trong không khí diễn ra mấy ngày vừa qua.

Bà Nguyễn Thị Anh Thư - cán bộ nghiên cứu về chất lượng không khí của GreenID (Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh) - cho biết, trong 3 năm gần đây, GreenID đều tiến hành các báo cáo định kỳ đánh giá chất lượng không khí ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Có nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn khiến chất lượng không khí ngày càng kém.

“Theo những đánh giá của chúng tôi và các báo cáo chất lượng không khí trong những năm gần đây thì hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với ô nhiễm, nồng độ bụi mịn trong không khí vẫn ở mức cao. Quy hoạch đô thị trong các thành phố lớn có quá nhiều nhà cao tầng cùng với các điều kiện thời tiết như nghịch nhiệt khiến khối không khí bị ô nhiễm không thể phát tán lên cao. Ngoài ra, các nguồn khí thải bên ngoài theo hướng gió, đặc biệt là từ các khu công nghiệp cũng ảnh hưởng tới không khí” - bà Anh Thư nhận định.

Bà Anh Thư cho rằng, sự gia tăng của các nguồn gây ô nhiễm nội ô như số lượng các phương tiện giao thông, các hoạt động xây dựng, các hoạt động sinh hoạt của người dân là nguyên nhân hàng đầu khiến chất lượng không khí suy giảm. Để cải thiện vấn đề ô nhiễm môi trường, cần phải có sự chung tay giữa chính quyền và người dân, đồng thời cũng cần sự phối hợp giữa các ban, ngành khác nhau.

TPHCM: Các chất ô nhiễm trong không khí tăng đột biến

Liên quan đến tình trạng ô nhiễm không khí, Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường (Sở Tài nguyên - Môi trường TP.Hồ Chí Minh) đo tại 30 vị trí trong tháng 9 cho thấy, các chất ô nhiễm tăng đột biến trong các ngày 18 đến 20.9. Cụ thể, các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, PM10, PM2.5, NO2, SO2, CO tăng 1,4 đến 2,2 lần. Đặc biệt, thông số bụi lơ lửng, PM10, PM2.5 có tỉ lệ vượt chuẩn tăng 25-50% trong ngày 20.9. Tình trạng mù gây ô nhiễm không khí này được gọi là sương mù quang hóa. Sương mù quang hóa là một dạng ô nhiễm xảy ra ở tầng đối lưu của khí quyển. Ánh sáng mặt trời phản ứng với các khí thải động cơ, công nghiệp… tạo ra ozone, PAN và aldehit tạo ra hiện tượng này, gây độc hại cho sức khỏe con người. MINH QUÂN

PHẠM ĐÔNG - TÙNG GIANG
TIN LIÊN QUAN

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội: Bụi mịn là tác nhân gây ung thư phổi

Thùy Linh |

Bụi mịn có thể xâm nhập sâu vào cơ thể người do có kích thước siêu nhỏ và ảnh hưởng sức khỏe nhiều người hơn bất kỳ chất gây ô nhiễm nào khác, ngay cả ở nồng độ thấp.

Thực hư thông tin không khí Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới

Nguyễn Hà |

Đại diện Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội cũng như các chuyên gia cho rằng, không có chuyện Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

TP. Hồ Chí Minh: Công bố nguyên nhân gây ô nhiễm không khí

Trần Khanh |

Tình trạng sương mù dày đặc kéo dài từ ngày 18 - 22.9 tại TP. Hồ Chí Minh được nhận định là bắt nguồn từ hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ làm gia tăng hiện tượng đảo nhiệt. Quá trình này thường xảy ra vào khoảng tháng 9-10 hàng năm, kết hợp với độ ẩm trong không khí cao gây tích tụ, ngưng kết các chất ô nhiễm có sẵn trong không khí tạo ra hiện tượng mù quang hóa.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội: Bụi mịn là tác nhân gây ung thư phổi

Thùy Linh |

Bụi mịn có thể xâm nhập sâu vào cơ thể người do có kích thước siêu nhỏ và ảnh hưởng sức khỏe nhiều người hơn bất kỳ chất gây ô nhiễm nào khác, ngay cả ở nồng độ thấp.

Thực hư thông tin không khí Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới

Nguyễn Hà |

Đại diện Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội cũng như các chuyên gia cho rằng, không có chuyện Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

TP. Hồ Chí Minh: Công bố nguyên nhân gây ô nhiễm không khí

Trần Khanh |

Tình trạng sương mù dày đặc kéo dài từ ngày 18 - 22.9 tại TP. Hồ Chí Minh được nhận định là bắt nguồn từ hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ làm gia tăng hiện tượng đảo nhiệt. Quá trình này thường xảy ra vào khoảng tháng 9-10 hàng năm, kết hợp với độ ẩm trong không khí cao gây tích tụ, ngưng kết các chất ô nhiễm có sẵn trong không khí tạo ra hiện tượng mù quang hóa.