Mở rộng diện bao phủ là trọng tâm sửa luật
Ông Đinh Duy Hùng - Phó Trưởng Ban Quản lí Thu - Sổ, thẻ BHXH Việt Nam - cho biết, đến hết năm 2022, số người tham gia BHXH là 17,5 triệu người, trong đó có hơn 16 triệu người tham gia BHXH bắt buộc và gần 1,5 triệu người tham gia BHXH tự nguyện.
Theo bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc kiêm Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, sau 7 năm thực hiện Luật BHXH 2014 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2016), trung bình mỗi năm Việt Nam có thêm hơn 500.000 người tham gia BHXH, mặc dù có bước tiến đáng kể nhưng Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn.
Tỉ lệ bao phủ BHXH hiện nay chỉ chiếm 37% lực lượng lao động, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu cần đạt 60% vào năm 2030.
Theo bà Pauline Tamesis, mở rộng phạm vi bao phủ của hệ thống BHXH phải là trọng tâm trong việc sửa đổi Luật BHXH hiện hành.
Ông Andre Gama, Chuyên gia Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam - nhận xét, có những nhóm lao động mới có khả năng về tài chính để tham gia BHXH, nhưng hiện chưa có quy định pháp luật để những người này tham gia. Vì vậy, việc mở rộng diện bao phủ phải là cốt lõi trong sửa luật, để tăng số lượng người tham gia BHXH.
Ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐTBXH - cũng cho hay, dự thảo Luật BHXH lần này được sửa đổi căn bản, toàn diện, trong đó thể chế hóa các nội dung trong Nghị quyết số 28-NQ/TW của BCH Trung ương khóa XII “về cải cách chính sách BHXH” theo hướng đa dạng, linh hoạt, đa tầng hiện đại, tiến tới bao phủ BHXH toàn bộ lực lượng lao động.
Phải làm rõ thế nào là trốn đóng BHXH
Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là vấn đề trốn đóng, chậm đóng BHXH gây thiệt hại đến quyền lợi của NLĐ.
Bà Lê Minh Lý - Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương - cho biết, cơ quan này đang quản lí hơn 20.200 doanh nghiệp, đơn vị với gần 1 triệu người tham gia BHXH bắt buộc.
Tổng số tiền chậm đóng BHXH đến 30.6.2023 là 924,5 tỉ đồng. Trong đó, chậm đóng từ 3 đến 6 tháng là 840 đơn vị với số tiền 840 tỉ đồng; trên 6 tháng là 926 đơn vị với số tiền 109 tỉ đồng, có hơn 700 đơn vị chậm đóng do giải thể, phá sản… Nhóm nợ BHXH dưới 6 tháng có khả năng thu hồi tiền chậm đóng cao, nhóm nợ từ 6 tháng trở lên khó thu hồi hơn.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là chế tài xử phạt chưa đủ sức răn, các quy định pháp luật của Bộ luật Hình sự và các văn bản liên quan còn chồng chéo, có điểm chưa cụ thể...
Bà Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch LĐLĐ TP Hồ Chí Minh - cũng cho rằng, mặc dù đã có quy định về xử lí hình sự tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN nhưng đến nay vẫn chưa có vụ án nào về trốn đóng BHXH được xử lí. Bà Thúy kiến nghị cần làm rõ hành vi trốn đóng BHXH.
Ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - kiến nghị, chỉ cần quy định NSDLĐ đã trả lương, quyết toán thuế rồi mà chưa đóng BHXH cho NLĐ thì được xem là hành vi trốn đóng BHXH.
* Ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội - cho rằng, việc ban hành chính sách và tổ chức thực hiện Luật BHXH vẫn còn những hạn chế, yếu kém như: Chính sách mới chưa quan tâm đến khu vực phi chính thức. Việc mở rộng và phát triển đối tượng BHXH còn dưới mức tiềm năng. Tính tuân thủ pháp luật BHXH chưa cao, tình trạng trốn đóng, chậm đóng, đóng không đủ số lượng và mức đóng cũng như lạm dụng BHXH, nhất là khu vực doanh nghiệp vẫn còn khá phổ biến…
* TP Hồ Chí Minh: 21.515 doanh nghiệp nợ BHXH từ 3 tháng trở lên. Theo thông tin từ BHXH TP Hồ Chí Minh, đến ngày 7.7.2023, có 21.515 doanh nghiệp, đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 3 tháng trở lên. Trong số này, có nhiều doanh nghiệp nợ trên 10 tỉ đồng, như: Công ty CP Dịch vụ Bưu Chính Viễn thông Sài Gòn nợ hơn 35,77 tỉ đồng; Công ty CP Thương mại - Dịch vụ Thiếu Nhi Mới nợ hơn 29.1 tỉ đồng; Công ty CP Dệt May Gia Định nợ gần 14 tỉ đồng; Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn Thái Tuấn nợ gần 14 tỉ đồng.