Chiều tối ngày 19.7, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM kết hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo thông tin về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện TPHCM có khoảng 30.000 ca nhiễm đang được điều trị tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19.
Thành phố đang triển khai nhiều khu tiếp nhận, điều trị F0 để dự trù cho kịch bản 60.000 ca mắc COVID-19. Trong đó, nhiều bệnh viện dã chiến tại huyện Bình Chánh đang được hoàn thiện để đưa vào sử dụng.
Cũng theo ông Nam, hiện khu điều trị F0 tại các khu tái định cư vẫn còn trống nhiều giường. Do đó, năng lực tiếp nhận F0 vẫn đang dư khả năng của thành phố. Tuy vậy, ông cho biết do không lường được diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên thành phố vẫn đang tiếp tục lên các kịch bản cao hơn.
Về trang thiết bị, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết TPHCM cơ bản có đủ máy thở và thiết bị ECMO cho công tác điều trị.
Theo ông Nam, thành phố đã trang bị khá nhiều thiết bị cho Bệnh viện Nhi đồng thành phố, Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2. Đồng thời, có nhiều doanh nghiệp tài trợ thiết bị điều trị cho TPHCM, chẳng hạn một đơn vị tài trợ cho thành phố 500 máy thở.
Tương tự, thiết bị ECMO hiện nay được TPHCM tiếp tục vừa đầu tư mua mới, vừa được các tài trợ nên tương đối đủ.
Về việc trang thiết bị y tế hiện nay cơ bản đáp ứng đủ cho công tác điều trị nhưng tại sao nhiều bệnh viện lại xin hỗ trợ trang thiết bị, máy thở? Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng bất kỳ tình huống nào cũng nên có chuẩn bị, chứ không phải do thiếu máy thở nên mới yêu cầu khẩn cấp. Ông Nam khẳng định việc đề xuất thêm thiết bị là sẵn sàng cho kịch bản với 60.000 ca nhiễm.
Để chuẩn bị cho kịch bản trên, hiện nay TPHCM đang mở rộng việc điều trị bệnh nhân COVID-19 cho các bệnh viện khác. Thậm chí, Bệnh viện Từ Dũ là đơn vị có chuyên ngành rất sâu nhưng vẫn thực hiện bệnh viện chia đôi - một nửa để chăm sóc sản phụ khoa, một nửa điều trị bệnh nhân COVID-19.
Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, máy thở hiện nay đang được trang bị cho các bệnh viện gần như tuyến cuối để điều trị bệnh nhân nặng.
Còn tại các bệnh viện dã chiến đang điều trị cho F0 không có triệu chứng nên chỉ cần các bình oxy. Nếu bệnh nhân từ không có triệu chứng chuyển sang có triệu chứng thì thở oxy và chuyển lên tuyến trên điều trị.
"Ngành y tế hiện đã trang bị 4 bình oxy cao áp với 12 tấn oxy/bình để mỗi bệnh viện dã chiến có oxy đầy đủ. Ngành y tế cũng phân bổ 180 bình oxy về các quận huyện" - ông Nam nói.