Theo đó, Sở Y tế Hải Phòng đề nghị UBND các quận, huyện huy động tối đa sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là Tổ chăm sóc nguời nhiễm COVID-19 tại cộng đồng, mạng lưới tình nguyện viên, tổ chức thiện nguyện, người bệnh COVID-19 đã bình phục, y tế tư nhân, chính quyền cơ sở, tổ dân phố... cùng tham gia vào tư vấn, điều trị, chăm sóc, quản lý người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ có hiệu quả công tác quản lý, thu dung điều trị F0 tại cộng đồng.
Các bệnh viện, trung tâm y tế đang điều trị người bệnh mắc COVID-19 nâng cao chất lượng điều trị; rà soát để thực hiện cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân, đảm bảo đầy đủ oxy cho các tầng, các Trạm Y tế lưu động. Riêng Bệnh viện: Hữu nghị Việt Tiệp, Kiến An, Trẻ em, Phụ sản phải quan tâm nâng cao năng lực hồi sức tích cực, thường xuyên hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu.
Cùng với đó, thường xuyên rà soát, rút kinh nghiệm, khắc phục các bất cập trong việc tổ chức quản lý, điều hành thu dung, điều trị F0; rà soát nhân lực, có kế hoạch đào tạo thường xuyên, đặc biệt đào tạo nhân lực các kíp trực, hạn chế tối đa nhân viên y tế trực quá 8 tiếng/ngày, làm tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh môi trường bề mặt.
Các cơ sở y tế thực hiện nghiêm phân loại người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử lý, cách ly, điều trị. Các cơ sở điều trị phân loại nguy cơ ngay từ khi nhập viện, đánh giá mức độ lâm sàng, tiến triển của bệnh nhân để phân luồng vào các khoa, buồng bệnh phù hợp, thuận tiện cho việc theo dõi chăm sóc và điều trị. Ngoài ra, tăng cường theo dõi tình trạng người bệnh để tiên lượng sớm, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tăng nặng; tuyệt đối tránh chuyển tầng muộn; quan tâm chế độ dinh dưõng, nước uống đầy đủ cho người bệnh. Cùng với đó, có đường dây nóng tăng cường kết nối, hội chẩn tư vấn, điều trị từ xa.
Các Trạm Y tế lưu động tiếp nhận, cập nhật danh sách F0 trên địa bàn chuyển ngay thông tin F0 về UBND xã/phường/thị trấn; Tổ thẩm định đánh giá điều kiện cách ly tại nhà; Ban Chỉ đạo phòng chống dịch xã/phường/thị trấn để ban hành Quyết định cách ly, điều trị F0 tại nhà.
Trạm Y tế lưu động lập danh sách các trường hợp F0 tại nhà, phân loại theo các nhóm nguy cơ để quản lý, theo dõi chặt chẽ chỉ số SP02 để đánh giá trường hợp tăng nặng và chuyển tuyến kịp thời, tạo sự kết nối với F0, triển khai theo dõi sức khỏe hàng ngày, kê đơn điều trị, hướng dẫn chế độ ăn uống sinh hoạt, lấy mẫu xét nghiệm, đặc biệt phải xử lý cấp cứu chuyển tầng kịp thời; kết nối để vận chuyến kịp thời người bệnh từ cộng đồng lên tuyến trên. Các trạm phối hợp chặt chẽ với tổ COVID-19 cộng đồng, đi từng ngõ gõ từng nhà, rà soát người chưa tiêm, tiêm chưa đủ mũi vaccine để triển khai tiêm ngay cho người dân.
Sở Y tế giao Trung tâm cấp cứu 115 khẩn trương hoàn thiện phương án vận chuyển cấp cứu. Trước mắt, Trung tâm Y tế các quận huyện, Trung tâm cấp cứu 115 phân công trách nhiệm vận chuyển người bệnh từ cộng đồng để chuyển tầng, chuyển tuyến, thường xuyên rút kinh nghiệm; khẩn trương hoàn thành đề án vận chuyến cấp cứu khi UBND thành phố bố trí kinh phí.
Đến 18h ngày 29.12, Hải Phòng có 8.717 ca F0, trong đó, 16 ca tử vong.