Số báo đầu tiên mang tên Lao Động

Lao Động |

Tại sao ngay trong cuộc họp thành lập Tổng Công hội đỏ đã quyết định ra một tờ báo? Và tờ báo mang tên Lao Động? Câu trả lời chỉ có thể tìm trong những kinh nghiệm đầu tiên của cách mạng Việt Nam và trong phong trào công nhân quốc tế.

Xuất phát điểm

Nguyễn Ái Quốc, người cộng sản và người đoàn viên công đoàn đầu tiên của Việt Nam, năm 1922, sau khi thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa, đã tổ chức xuất bản tờ báo Lơ Paria (Le Paria - Người cùng khổ). Tờ báo đã tạo một luồng gió cách mạng thổi qua Đông Dương và nhiều nước thuộc địa khác.

Năm 1924, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người sáng lập tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội (VNTNCMĐCH) và sau đó ngày 21.6.1926 xuất bản tờ tuần báo của Tổng bộ Thanh niên. Ngày 21.6 sau này trở thành ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Năm 1927, Nguyễn Đức Cảnh dự lớp huấn luyện tại Quảng Châu của VNTNCMĐCH, đã được đọc báo Thanh Niên và nhiều số báo Le Paria, chắc chắn đã cảm thụ nhạy bén những kinh nghiệm vận động cách mạng bằng một tờ báo, và ông đã vận dụng ngay vào việc sáng lập tổ chức Công đoàn năm 1929.

Sau Hội nghị thành lập Tổng công hội đỏ Bắc kỳ ngày  28.7.1929, Nguyễn Đức Cảnh bắt tay ngay vào việc chuẩn bị ra báo Lao Động. Địa điểm làm báo là một ngôi nhà nhỏ ở ngõ Thông Phong đầu phố Hàng Bột, ngày nay là phố Tôn Đức Thắng. Đặc điểm ngôi nhà là nó quay lưng ra một cái hồ mang tên Hồ Giám, ở một góc hồ có một hòn cù lao um tùm cây cối, bên kia bờ hồ tiếp giáp với một khu vườn có lối thông sang cổng lớn của khu Văn Miếu, Quốc Tử Giám, thời đó cũng rậm rạp cây cối. Tường sau của ngôi nhà là một bức tường mỏng, tường mười, có khoét sẵn một lỗ hổng đủ người chui lọt, xếp gạch và dán giấy báo để nghi trang, phòng khi có động người làm báo chỉ việc chui ra bờ hồ, bơi ra ẩn trong hòn cù lao. Khi cần thì bơi sang bên kia hồ lọt vào khu Văn Miếu, tạm nương thân dưới bóng các bậc thánh hiền, hoặc luồn ra phố thoát ra. Ngày nay trước cửa Văn Miếu, bờ hồ bị san lấp, nhà cửa mọc lên san sát, nhưng cái hồ và hòn cù lao vẫn còn.

Làm Báo Lao Động thời ấy có hai người: Nguyễn Đức Cảnh và Trần Hồng Vận.

Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2.2.1908 tại làng Diêm Điền, thôn Hộ Đội, huyện Thuỵ Anh (nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy), tỉnh Thái Bình. Đầu những năm 20 của thế kỷ trước, Nguyễn Đức Cảnh lên Hà Nội kiếm việc làm ở hiệu ảnh Hưng Ký, phố Hàng Trống; dạy học ở trường tư thục Công Ích phố Bạch Mai; còn làm thợ sắp chữ ở nhà in Bạch Mai. Năm 1925 gia nhập nhóm Nam Đồng thư xã, sau này phát triển thành Việt Nam quốc dân Đảng (VNQDĐ).

Tháng 6.1927 Tỉnh bộ Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội (TNCMĐCH) Hà Nội thành lập. Tháng 9.1927 Nguyễn Đức Cảnh và Lý Hồng Nhật dự lớp huấn luyện tại Quảng Châu (Trung Quốc). Vào đúng thời gian đó Nguyễn Ái Quốc vừa sang Liên Xô nên Nguyễn Đức Cảnh và Lý Hồng Nhật không được gặp Người. Hai người đã dự một lớp huấn luyện do Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn giảng. Kết thúc lớp học, Cảnh và Nhật tuyên bố ly khai VNQDĐ và gia nhập TNCMĐCH.

Cuối năm 1927, khi từ Quảng Châu về Việt Nam, Nguyễn Đức Cảnh được phân công làm ở cơ sở Chợ Đuổi (phố Tuệ Tĩnh - Hà Nội) soạn tài liệu, in, phát hành. Tháng 2.1928, được cử làm Bí thư Tỉnh bộ TNCMĐCH Hải Phòng sau đó làm Bí thư Khu bộ Hải Phòng gồm cả Kiến An và vùng mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả. Cuối 1928 đi “vô sản hoá” tại xưởng cơ khí Carông Hải Phòng; làm phu khuân vác ở Cảng. Thời gian này đã viết tài liệu “Tổ chức công hội như thế nào?” (16 trang, in đất thó), viết bài cho các báo Đồng Lòng Tranh Đấu, Cờ Đỏ, Tin Tức với các bí danh Trọng, Quý, Vũ.

Sau sự kiện 28.7, Nguyễn Đức Cảnh vừa làm Báo Lao Động vừa tiếp tục hàng loạt công tác khác.

Ngày 17.11.1931 Nguyễn Đức Cảnh bị Hội đồng đề hình do Busê (Bouchet) làm chánh án xử tử (cùng với Hồ Ngọc Lân) trong một phiên toà xử 200 người một lúc. Ngày 30.7.1932 ông bị địch giải về Hải Phòng. 5 giờ sáng ngày 31.7.1932 Nguyễn Đức Cảnh bị xử tử hình vì hoạt động cách mạng.

Những ngày đầu tiên

Một điều hết sức may mắn cho tất cả các thế hệ làm Báo Lao Động và cho những người biên soạn lịch sử báo là một trong hai người đầu tiên làm Báo Lao Động năm 1929 còn hiện diện cho đến 1994: Trần Hồng Vận. Khi chúng tôi khai thác những tài liệu này thì ông còn mạnh chân khỏe tay, đặc biệt trí nhớ còn rất minh mẫn. Tháng 11.1993 ông xuất hiện tại Đại hội lần thứ bảy Công đoàn Việt Nam trong tiếng vỗ tay vang dội kéo dài. Ngày nay ông là nhân chứng lịch sử duy nhất của những ngày thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ và những số Báo Lao Động đầu tiên.

Trần Hồng Vận kể: “Số 1 Báo Lao Động ra ngày 14.8.1929 đúng nửa tháng sau hội nghị thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ. Nơi làm báo là nhà chị Vinh, có em gái là Hồng, em trai là Hiển. Cậu Hiển đẹp trai, tính tình điềm đạm, không to tiếng với ai bao giờ, biết giữ bí mật. Chị Vinh vốn là người của Quốc dân Đảng được Cảnh nói cho những hiểu biết mới, liền theo cộng sản. Làm báo thời đó tuy đơn giản nhưng cũng rất lỉnh kỉnh. Nào là giấy mua về cất giấu ở đâu, rồi là khay, đất sét, chỗ phơi phóng, nơi viết bài, nơi trình bày... rất dễ bị lộ. Ngoài Vinh còn có một nữ đồng chí xinh đẹp tên là Vân. Vân chữ đẹp, giúp tôi làm công việc ấn loát nghĩa là chép bài lên giấy làm bản in trên đất sét. Vân mê Cảnh, mỗi lần gặp Cảnh là luống cuống làm Cảnh phát sợ. Chúng tôi tán vào, bảo Cảnh hợp tác đi lấy chỗ đi lại, để còn có người đi chợ, nấu cơm; Vân lại thông minh, bảo viết cho những tin ngắn, viết được ngay. Cảnh cũng đem lòng yêu, nhưng cố nén, sợ lộ, vả lại cái nghề cách mạng chuyên nghiệp, còn phải đi, còn phải tù đày là cái chắc, sợ sẽ làm Vân khổ. Chúng tôi bảo Vân chạy mua giấy Kỳ Lân để in cho đẹp, Vân lùng sục nhưng xem ra khó, đành bảo Vân thôi, dùng giấy Đáp Cầu vậy. Tôi chạy mua thạch, định in thạch cho đẹp nhưng số lượng nhiều, chưa có nhân mối, cũng lại sợ lộ. Đành dùng đất sét lấy ở ao Ngọc Hà, đem về còn phải lắng, lọc cho thật mịn rồi mới đóng thành khuôn in. Định in mỗi lần 40 bản, nhưng chỉ được 25 bản chữ đã bắt đầu mờ. Phải làm khuôn chữ nhiều lần vậy. Mỗi khuôn chữ chép bằng mực tím đặc, áp lên mặt đất sét để 10 phút rồi mới bóc, sau đó in từng tờ. In xong, vận chuyển đến chùa Hương Tuyết gần đường phố Bạch Mai, phát hành ở đấy. Phát hành viên là các bà, các chị buôn thúng bán mẹt, chạy hàng trên tàu hoả. Báo Lao Động phát hành cùng với Báo Búa Liềm của Đảng, xếp trong những cái thúng hai đáy, đưa về Sơn Tây, Phủ Lý, Hải Phòng, Thái Bình, Hòn Gai. Tôi phát hành báo về quê Hải Dương. Tôi có nhân mối ở Nhà máy rượu, một anh làm suyếcvâyăng (bảo vệ) trước có đi lính khố xanh. Nhưng chỉ được một thời gian rồi cắt. Tôi nhận thấy anh này tính tình không kín đáo.

Nguyễn Đức Cảnh rất bận, anh đến từng lúc, kiểm tra công việc rồi đi. Khi cần soạn bài, anh bơi ra hòn cù lao giữa hồ, ở lỳ ngoài đó. Quấy rối anh, hoạ chăng chỉ có đàn vịt. Và làm anh bối rối chút đỉnh, là cô Vân thường lóng ngóng trong nhà trông chừng, canh gác cho anh. Sau này Vân được cử đi làm tài chính cho Đảng. Chúng tôi quyết nghị cấm làm tài chính bằng các biện pháp mạo hiểm và cử Vân làm việc này là thích hợp nhất.

Năm 1929, Báo Lao Động ra được 4 số thì ngừng. Ba số đầu in bằng đất sét, số 4 in bằng máy stăngsin. Báo ngừng vì anh Cảnh phải điều động đi công tác khác, rời khỏi Hà Nội. Lúc đó chỉ biết thế, sau này mới biết anh được cử vào Vinh và bị bắt ở đó”.

Năm 1983, Trần Học Hải tức Trần Hồng Vận đến thăm Toà soạn Báo Lao Động ở 51, Hàng Bồ, Hà Nội. Ông đã phác họa lại cho anh chị em hình dung được makét (maquette) trang 1 số 1 báo Lao Động ra ngày 14.8.1929 và sao lại bài báo trên trang 1 mà ông đã thuộc lòng.

(Lược theo sách Lịch sử 90 năm Báo Lao Động - NXB Lao Động, Hà Nội 2019)

Lao Động
TIN LIÊN QUAN

Kỷ niệm 90 năm Báo Lao Động ra số đầu tiên tại miền Trung - Tây Nguyên

Hoàng Văn Minh |

"90 năm, chúng tôi tự hào nhất điều gì? Chính là luôn luôn giữ vị trí số một trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Và để có được điều đó thì tính quyết định đến từ anh chị em phóng viên, đặc biệt là các cây bút, trong đó có đội ngũ những cây bút của Văn phòng miền Trung - Tây Nguyên trong thời gian qua", nhà báo Nguyễn Ngọc Hiển - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Lao Động phát biểu tại lễ kỷ niệm 90 năm Báo Lao Động ra số đầu tiên tại Đà Nẵng.

Báo Lao Động phát động cuộc thi viết về con người và vùng đất Thanh Hóa

QUANG ĐẠI - HƯNG THƠ |

Ngày 6.8, tại TP Thanh Hóa, Báo Lao Động và UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp tổ chức Lễ phát động cuộc thi viết phóng sự, bút ký về vùng đất và con người xứ Thanh, chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày báo Lao Động xuất bản số đầu tiên và 990 năm Thanh Hóa.

Báo Lao Động dâng hương tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh

Đặng Chung - Sơn Tùng |

Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên (14.8.1929-14.8.2019), đoàn cán bộ, phóng viên Báo Lao Động do đồng chí Nguyễn Ngọc Hiển - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Lao Động - dẫn đầu đã đến dâng hương tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh tại khu tưởng niệm ở thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Kỷ niệm 90 năm Báo Lao Động ra số đầu tiên tại miền Trung - Tây Nguyên

Hoàng Văn Minh |

"90 năm, chúng tôi tự hào nhất điều gì? Chính là luôn luôn giữ vị trí số một trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Và để có được điều đó thì tính quyết định đến từ anh chị em phóng viên, đặc biệt là các cây bút, trong đó có đội ngũ những cây bút của Văn phòng miền Trung - Tây Nguyên trong thời gian qua", nhà báo Nguyễn Ngọc Hiển - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Lao Động phát biểu tại lễ kỷ niệm 90 năm Báo Lao Động ra số đầu tiên tại Đà Nẵng.

Báo Lao Động phát động cuộc thi viết về con người và vùng đất Thanh Hóa

QUANG ĐẠI - HƯNG THƠ |

Ngày 6.8, tại TP Thanh Hóa, Báo Lao Động và UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp tổ chức Lễ phát động cuộc thi viết phóng sự, bút ký về vùng đất và con người xứ Thanh, chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày báo Lao Động xuất bản số đầu tiên và 990 năm Thanh Hóa.

Báo Lao Động dâng hương tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh

Đặng Chung - Sơn Tùng |

Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên (14.8.1929-14.8.2019), đoàn cán bộ, phóng viên Báo Lao Động do đồng chí Nguyễn Ngọc Hiển - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Lao Động - dẫn đầu đã đến dâng hương tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh tại khu tưởng niệm ở thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.