Ngày 17.5, trao đổi với Lao Động, một lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk xác nhận, UBND tỉnh đã thống nhất thành lập 2 đoàn kiểm tra, giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm trưởng đoàn phối hợp với đơn vị liên quan khảo sát thực tế vị trí bổ sung bãi đổ thải phục vụ dự án cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa. Dự kiến trong tuần tới, cơ quan chức năng sẽ đi khảo sát thực địa để kiểm tra vị trí các bãi đổ thải tại dự án.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk, đây là một trong những công việc rất quan trọng, nếu không làm sớm dự án có nguy cơ chậm tiến độ đề ra, nhất là khi địa bàn sắp vào mùa mưa. Đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh quyết định và sẽ được làm sớm để các nhà thầu thi công an tâm thi công tuyến đường trọng điểm này của tỉnh.
Ngoài ra, giữa tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có công văn kiến nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường hướng dẫn sử dụng đất không thích hợp, đất hữu cơ từ Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột để hoàn thổ, cải tạo, phục hồi môi trường mỏ vật liệu phục vụ dự án.
Theo đó, quá trình thi công dự án cao tốc, khối lượng đất không thích hợp, đất hữu cơ từ hoạt động bóc lớp phủ để thi công nền đường là rất lớn. Công tác đổ thải còn gặp nhiều khó khăn do vướng mắc trong việc đền bù, thỏa thuận với chủ đất đã làm chậm tiến độ thực hiện dự án.
Thực tế, đơn vị thi công đã đề xuất sử dụng đất hữu cơ, đất không thích hợp trong phạm vi tuyến để phục vụ công tác hoàn nguyên, hoàn thổ mỏ vật liệu đã được cấp phép để phục vụ cho dự án; thu hồi khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại các bãi thải để sử dụng cho các công trình đầu tư công của tỉnh.
Điều này vừa giải quyết được nhu cầu đổ đất không thích hợp, đất hữu cơ từ hoạt động bóc lớp phủ để thi công nền đường, vừa cải tạo nền đất của mỏ sau khi kết thúc khai thác để có thể sử dụng canh tác nông nghiệp sau khi cải tạo phục hồi môi trường, hoàn trả mặt bằng.
Tuy nhiên, đối chiếu với quy định của pháp luật về khoáng sản và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài nguyên - Môi trường, chưa có quy định về việc sử dụng đất thải dôi dư của dự án cao tốc để thực hiện cải tạo phục hồi môi trường đối với các mỏ vật liệu được cấp phép theo cơ chế đặc thù phục vụ dự án cao tốc và thu hồi khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại các bãi thải của dự án cao tốc để sử dụng cho các công trình, dự án đầu tư công của tỉnh.
Do đó, để có cơ sở hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án tỉnh cần có sự hướng dẫn của Trung ương để thực hiện hoàn thổ, cải tạo phục hồi môi trường cho mỏ vật liệu phục vụ dự án và thu hồi khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại các bãi thải của dự án để sử dụng cho các công trình, dự án đầu tư công của tỉnh.
Như Lao Động đã thông tin, Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 được chia thành 3 dự án thành phần. Trong đó, Dự án thành phần 1 do UBND tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan chủ quản, chiều dài 31,5km; Dự án thành phần 2 do Bộ Giao thông Vận tải làm cơ quan chủ quản, chiều dài gần 37km và Dự án thành phần 3 do UBND tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản, chiều dài hơn 48km.
Chính phủ đã đồng ý chủ trương chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác đối với 196,62ha rừng trên địa bàn 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk để thực hiện Dự án như báo cáo kết quả thẩm định và kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó, diện tích rừng cần chuyển đổi của địa bàn tỉnh Đắk Lắk lên đến 169,43ha.