Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng được xây dựng từ tháng 11.1974 và hoàn thành tháng 5.1985 sau quá trình sử dụng cầu đã bị hư hỏng nặng mặt cầu tầng 2.
Theo Cục Quản lý xây dựng đường bộ, mặt đường trên cầu đã xuất hiện các hư hỏng với đặc điểm kết cầu phức tạp (cầu dàn thép 2 tầng cho đường bộ và đường sắt, chiều dài nhịp lớn, dàn thép liên tục trên nhiều nhịp) mặt cầu đồng thời phải chịu các xe tải trọng lớn trên cầu, tải trọng tàu hỏa, lực gió ngang, nhiệt độ… tạo ra các dao động chuyển vị biến dạng, ứng suất lớn đồng thời theo các phương khác nhau.
Do đó, việc nghiên cứu sửa chữa mặt cầu Thăng Long một cách căn cơ để khai thác êm thuận, an toàn, bền vững lâu dài và khai thác đồng bộ với đường vành đai 3 là hết sức cần thiết và cấp bách.
Đề cập đến các giải pháp sửa chữa mặt cầu Thăng Long, ông Sỹ cho biết các đơn vị nhà thầu sẽ gia cường mặt cầu thép trực hướng hiện tại thành mặt cầu liên hợp nhẹ như cào bóc lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép; hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép và lắp đặt lưới thép; lớp bê tông siêu tính năng có cường độ chịu nén bảo đảm bền vững; thảm bê tông nhựa polyme; thay thế các khe co giãn đã bị hư hỏng bằng khe co giãn ray dạng mô đun; sửa chữa lề bộ hành, hệ thống thoát nước và hệ thống an toàn giao thông.
Trả lời câu hỏi về chất lượng mặt cầu sau khi sửa chữa ông Nguyễn Trung Sỹ khẳng định: Lần sửa chữa này sẽ bảo đàm độ bền ít nhất trên 10 năm theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. Kết cấu dàn thép của 5 liên nhịp dàn thép đã được kiểm định 1 cách chắc chắn và bảo đảm khả năng chịu lực của cầu bền vững, kết cấu thép ở dưới ổn định và không biến dạng.
Về công tác phân luồng đảm bảo giao thông, Tổng cục Đường bộ thực hiện công tác cắm biển báo, công bố thông tin trên các phương tiện từ ngày 20.7 và tổ chức phân luồng giao thông thử từ ngày 28.7 đến 8.8 và chính thức cấm cầu từ ngày 8.8.2020.