Có thể thấy, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 ảnh hưởng sâu rộng đến du lịch và các hoạt động kinh tế xã hội của hầu hết địa phương trong cả nước.
Mặc dù tỉnh Điện Biên nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh và trở thành “vùng xanh” từ nhiều tháng nay, tuy nhiên do các quy định về kiểm soát đi lại, du lịch vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.
Để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, ngày 11.10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Tiếp đó là hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương và quy định của nhiều địa phương phương về nới lỏng kiểm soát việc đi lại của người dân. Tuy nhiên, do chưa có sự đồng bộ, thống nhất, đặc biệt là tại các tỉnh Tây Bắc nên chưa có tác động tích cực đến ngành du lịch.
Sau hơn 1 tuần, các điểm du lịch tại vùng xanh Điện Biên vẫn đìu hiu, vắng bóng khách tham quan.
Dạo một vòng quanh các điểm di tích lịch sử nổi tiếng tại TP.Điện Biên Phủ, như: Đồi A1, Hầm Đờ-Cát, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ… trong gần 1 buổi sáng, chúng tôi không gặp được du khách nào để phỏng vấn. Mặc dù đây là những điểm du lịch nổi tiếng mà hầu hết người đến Điện Biên đều ghé thăm.
Trao đổi về thực trạng này, bà Vũ Thị Tuyết Nga - Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ (đơn vị từng làm đầu mối trong việc bán vé cho các đoàn tham quan tại tất cả điểm di tích chiến trường Điện Biên Phủ) - cho biết: “Từ đầu năm đến nay, lượt du khách đến Điện Biên chỉ đạt khoảng 20,3%. Trong đó, lượt khách nước ngoài giảm sâu, chỉ đạt khoảng 2,5% kế hoạch”.
Còn bà Phạm Thị Thảo - Phó Giám đốc Ban quản lý di tích Điện Biên - cho hay: "So với trung bình những năm trước, lượng khách năm nay chỉ bằng 1/4. Đặc biệt là du khách nước ngoài, trong 9 tháng đầu năm chỉ có 157 lượt khách, hầu hết là những người đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam".
Bà Thảo cũng thông tin, trong mấy tháng gần đây, trung bình mỗi ngày chỉ có khoảng 10 khách tại tất cả điểm di tích mà đơn vị quản lý. Thậm chí có những ngày không có khách nào, do vậy, đơn vị không có nguồn thu đảm bảo để chi trả cho các hoạt động thường xuyên và trả lương cho hợp đồng lao động.
"Để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi, thích ứng an toàn trong đại dịch, đơn vị đã xây dựng kế hoạch chi tiết, trang bị đầy đủ thiết bị, vật tư phục vụ phòng dịch và 100% viên chức, người lao động thực hiện nhiệm vụ tại các điểm tham quan đã được tiêm vaccine 2 mũi" - bà Thảo nói.
Bà Thảo nhận định: “Trong những ngày tới, khi các địa phương có sự thống nhất về phương án nới lỏng kiểm soát người đi lại thì ngành du lịch mới hy vọng có cơ hội phục hồi và phát triển".