Sài Gòn mùa... sạt lở

M.Quân - H.Trân |

Trong những năm qua, cứ đến mùa mưa là TPHCM lại rộ lên các vụ sạt lở bờ sông. Và mùa mưa năm nay cũng không ngoại lệ, chỉ hơn 1 tháng trở lại đây, trên địa bàn TPHCM liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở nghiêm trọng khiến người dân mất ăn, mất ngủ. Nhiều gia đình chỉ sau một đêm thức dậy đã rơi vào cảnh trắng tay vì nhà bị “hà bá” nuốt gọn. Ngoài việc khai thác cát bừa bãi với quy mô lớn thì tình trạng san lấp, xây dựng trái phép lấn chiếm sông, kênh rạch thời gian qua đã làm thay đổi dòng chảy, dẫn đến gia tăng những trận sạt lở.

5 căn nhà bị cuốn xuống sông và vết nức toác dài 40m

Mới đây vào đêm 26.6, khoảng 5 căn nhà tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè bất ngờ nứt toác, đổ sập xuống sông, khiến hàng chục người dân bung cửa thoát thân. Chị Huỳnh Thị Phải (40 tuổi, ngụ số 18/1 tổ 4, ấp 3) – kể vào khoảng 23h30 đêm ngày 26.6, gia đình chị đang ngủ thì bất ngờ nghe những tiếng động lớn phát ra từ phía bờ sông. "Chúng tôi nghĩ là mưa lớn nên chạy ra kiểm tra để cất đồ đạc thì hãi hùng thấy nhà mình đang đổ ập xuống sông. Các bức tường lớn cùng nhiều công trình phụ phía sau nứt toác, đổ sập rồi trôi tuột xuống dòng nước chảy xiết" – chị Phải chưa hết bàng hoàng, kể lại.

Theo chị Phải, cả gia đình chị liền hoảng loạn tháo chạy ra ngoài và tri hô những hộ dân xung quanh. "Cảnh tượng lúc đó rất hỗn loạn vì ai cũng hoảng sợ. Chúng tôi sau đó chỉ vội di chuyển được một số tài sản ra ngoài, không ai dám vào nhà bởi sợ có thể bị sập bất cứ lúc nào" – chị Phải nói thêm.

Trong khi đó, chị Tống Thị Mộng Trinh (27 tuổi) kể, thời điểm xảy ra vụ việc, chị chỉ kịp dắt xe máy ra ngoài, 9 triệu đồng cùng 3 chỉ vàng dành dụm của gia đình bị chìm xuống sông. “Tôi ngủ phía sau nhà thì nghe tiếng động mạnh, rung lắc dữ lắm. May mà tôi tỉnh giấc, bung cửa chạy ra ngoài kịp, không thì bị lọt xuống sông rồi”, chị Trinh nhớ lại cảnh tượng kinh hoàng trong đêm.

Ông Đỗ Minh Toàn, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Hiệp Phước, cho biết, vụ sạt lở không gây thiệt hại về người nhưng khiến phần sau của 5 căn nhà đổ sập xuống sông, 3 căn khác bị ảnh hưởng, nứt toác. Nhiều tài sản, quần áo, vật dụng trong nhà bị nước nhấn chìm. Trong đêm 26 đến rạng sáng 27.6, chính quyền địa phương đã di dời khẩn cấp 8 hộ dân đến nơi an toàn trước khi tìm biện pháp khắc phục. Ước thiệt hại hơn 200 triệu đồng.

Đối với người dân, việc xây cất được một căn nhà là điều không dễ dàng gì, do vậy việc nhà bị "hà bá" nuốt xuống sông là một tổn thất khá nặng nề. Ông Toàn nói, trước mắt chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ tiền tạm cư cho mỗi hộ dân là 1,5 triệu đồng. Đồng thời, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng của địa phương sẽ đến hiện trường đo đạc, lập phương án bồi thường và di dời hoàn toàn những hộ dân nơi đây tới khu vực khác để tránh xảy ra tình trạng tương tự, bởi nơi đây đang nằm trong danh sách được cảnh báo có nguy cơ sạt lở.

Trước đó cũng không lâu, vào ngày 30.5, sau một đêm ngủ dậy cả xóm đều hoảng hồn khi phát hiện con đường dân sinh (gần mép sông Rạch Tôm) tại xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè đã bất ngờ xuất hiện vết nứt dài 40m, nguy cơ sạt lở đổ xuống sông bất cứ lúc nào. Khoảng gần một chục hộ dân cùng hệ thống hạ tầng nằm trong khu vực nứt toác. Để đảm bảo an toàn tính mạng người dân, UBND thành phố buộc chỉ đạo chính quyền địa phương phải di dời khẩn cấp các hộ dân đến vị trí khác an toàn hơn. Cùng với đó, UBND TP đã chấp nhận cho Sở GTVT tạm ứng 300 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách thực hiện thuê đơn vị tư vấn, đánh giá toàn diện để có phương án xây dựng công trình nhằm ngăn chặn triệt để nguy cơ xảy ra sạt lở tại khu vực.

Nhiều gia đình chỉ sau một đêm thức dậy đã rơi vào cảnh trắng tay vì nhà bị “hà bá” nuốt gọn. Ảnh: M.Q

Hậu quả của lấn chiếm kênh rạch, khai thác cát bừa bãi

Ông Nguyễn Văn Lưu - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè - cho biết, trên địa bàn huyện có nhiều điểm nguy cơ sạt lở, tập trung ở các xã như Nhơn Đức, Hiệp Phước, Phước Lộc với tổng cộng 325 hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng, buộc phải di dời. Những khu vực được cảnh báo là vùng nguy hiểm, huyện sẽ cho di dời trước. TP đã bố trí 3 khu đất để huyện sắp xếp tái định cư cho người dân, về cơ bản thì đã làm gần xong.

Theo Sở GTVT TPHCM, hiện nay trên địa bàn thành phố có 40 vị trí sạt lở bờ sông (Q.2, Thủ Đức, huyện Nhà Bè, Cần Giờ...), trong đó có 23 điểm đặc biệt nguy hiểm, 16 điểm nguy hiểm và 1 điểm sạt lở cấp độ bình thường. Theo đó, H.Nhà Bè có nhiều điểm sạt lở nhất (16 điểm) và có đến 11 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Kế đến là Q.2, Q.Thủ Đức và H.Cần Giờ, mỗi địa phương có 5 điểm sạt lở (hơn một nửa là điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm)... Hiện có 33/35 vị trí sạt lở đang được triển khai các dự án chống sạt lở. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án này còn nhiều khó khăn do công tác đền bù giải phóng mặt bằng của một số dự án xây dựng kè bảo vệ bờ do UBND các quận - huyện thực hiện còn chậm.

Theo ông Nguyễn Văn Tám – Phó GĐ Sở GTVT TPHCM, tình trạng san lấp, xây dựng trái phép lấn chiếm sông và trên hành lang bờ sông, kênh, rạch vẫn còn tồn tại đã làm thu hẹp dòng chảy, gia tăng tải trọng tạo áp lực gây sạt lở trên các tuyến kênh rạch. Ngoài ra, việc khai thác cát bừa bãi với quy mô lớn ở khu vực (đặc biệt trên tuyến sông Sài Gòn, sông Đồng Nai...) và các vùng phụ cận đã góp phần làm thay đổi chế độ dòng chảy của sông, gây mất cân bằng bùn cát, dẫn đến gia tăng xói lở bờ sông, kênh, rạch, nhất là khi vào mùa mưa, được người dân ví von là mùa sạt lở. Nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân tại các vị trí sạt lở, Sở GTVT kiến nghị ủy ban nhân dân các quận- huyện tổ chức di dời khẩn cấp người, tài sản ra khỏi các vị trí đặc biệt nguy hiểm nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do sạt lở gây ra.

Để cảnh báo và chủ động phòng ngừa, ứng phó tình trạng sạt lở, Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã yêu cầu Sở GTVT phối hợp với các đơn vị liên quan cùng các quận, huyện khảo sát, kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở trên địa bàn thành phố; đồng thời, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các dự án bảo vệ bờ sông, kênh rạch. Bên cạnh đó, đơn vị chức năng phải tiến hành cắm biển cảnh báo nguy hiểm sạt lở, thả phao phân luồng đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông thủy đi qua khu vực bị sạt lở; phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho nhân dân sinh sống xung quanh để biết và chủ động phòng, tránh các thiệt hại có thể xảy ra. 

UBND TPHCM giao Thanh tra Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra, phối hợp với UBND các quận, huyện xử lý những trường hợp lấn chiếm sông, kênh, rạch trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn bờ sông, kênh, rạch. UBND TPHCM cũng chỉ đạo Công an TP và Sở Tài nguyên - Môi trường tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, phối hợp với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai xử lý triệt để các chủ phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trái phép trên sông Sài Gòn, Đồng Nai.

Đến năm 2020, di dời xong 1.200 hộ sống ven khu vực sạt lở

Theo phương án quy hoạch bố trí ổn định dân cư giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025, TPHCM sẽ di dời 1.210 hộ dân đang sinh sống trong khu vực nguy hiểm (ven sông, ven biển bị sạt lở) vào các điểm dân cư hiện hữu hay khu tái định cư tập trung trên địa bàn quận Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ. Các dự án sẽ được ưu tiên đưa vào kế hoạch trung hạn giai đoạn này bao gồm: Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư di dời sạt lở trên địa bàn huyện Nhà Bè (khu 2ha tại xã Phước Lộc, khu 1ha và 1,9ha tại xã Hiệp Phước) với tổng mức đầu tư 113 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư phục vụ di dời các hộ dân xã Thạnh An, huyện Cần Giờ (Khu phố Giồng Ao, thị trấn Cần Thạnh) với tổng mức đầu tư 355 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có dự án di dời 44 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao thuộc quận Thủ Đức tại các phường Linh Đông, Hiệp Bình Chánh và Hiệp Bình Phước với tổng mức đầu tư 3,96 tỷ đồng; dự án di dời 108 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao thuộc huyện Bình Chánh tại xã Bình Hưng và xã Tân Nhựt với tổng mức đầu tư 9,72 tỷ đồng; dự án di dời bố trí dân cư phòng tránh thiên tai cho 388 hộ dân thuộc huyện Cần Giờ tại các xã Bình Khánh, Lý Nhơn, Long Hòa, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp và thị trấn Cần Thạnh với tổng mức đầu tư 34,92 tỷ đồng.


M.Quân - H.Trân
TIN LIÊN QUAN

Đề nghị kỷ luật nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Vương Trần |

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ông Mai Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Sớm nghiên cứu nguồn kinh phí hỗ trợ đoàn viên, người lao động mất việc làm

Vương Trần |

Thủ tướng Chính phủ nêu yêu cầu này nhằm hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị mất việc làm, đặc biệt là người lao động có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo sớm ổn định cuộc sống, đón Tết đầm ấm.

Nam ca sĩ sưu tầm 120 lá cờ khi du lịch vòng quanh thế giới

Chí Long |

Nhân dịp đầu năm mới 2023, ca sĩ Đoan Trường chia sẻ về hành trình du lịch vòng quanh thế giới và sưu tầm 120 lá cờ từ các nước mà anh từng đi qua.

Tài chính thông minh: Kế hoạch chi tiêu để Tết không liêu xiêu

Nhóm PV |

Nếu thiếu kinh nghiệm, bạn rất dễ bội chi và cháy túi vì tiêu xài quá nhiều trong dịp Tết. Trong số Tài chính thông minh (laodong.vn) này, bà Nguyễn Thùy Chi - Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT - sẽ bật mí bí quyết để có thể cùng gia đình tiết kiệm mà vẫn đón Tết ấm áp và trọn vẹn.

Đường đi của thực phẩm đông lạnh bẩn: Cục Quản lý thị trường HN lên tiếng

NHÓM PV |

Liên quan đến loạt bài phản ánh “Đường đi của thực phẩm đông lạnh bẩn”, trao đổi với Lao Động, Cục phó Cục Quản lý thị trường Hà Nội - Trần Việt Hùng - thừa nhận: thực tế việc các đơn vị kinh doanh thực phẩm chỉ nhập một lượng nhỏ hàng hoá có hóa đơn, chứng từ rồi trà trộn thực phẩm bẩn sau đó bán ra thị trường là có tồn tại.

Thêm một giám đốc công ty đăng kiểm ở Bắc Giang bị bắt tạm giam

Vân Trường |

Công an tỉnh Bắc Giang vừa khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Mạnh Tuân, Giám đốc Công ty cổ phần đăng kiểm xe cơ giới Thái Nam.

Thân nhân 39 người Việt chết trong xe tải ở Anh có khả năng được bồi thường

Thanh Hà |

Tòa án Anh đã tịch thu tài sản của chủ công ty vận tải liên quan đến cái chết của 39 người Việt để bồi thường cho các gia đình nạn nhân.

Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm: Trước "cơn sóng thần", đau xót nhưng phải tháo gỡ làm lại

Khánh Hoà |

Lần đầu tiên sau khi hàng loạt trạm đăng kiểm cũng như lãnh đạo ngành này bị bắt để điều tra vì sai phạm, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Nguyễn Tô An đã có buổi trao đổi chia sẻ với báo chí về vụ việc mà ông ví là "cơn sóng thần" để lại hậu quả đau đớn, xoá đi bao nhiêu công sức của nhiều thế hệ đồng thời khiến người dân vất vả khi đi đăng kiểm.