Gia Lai:

Ruộng khô, đồng khát dưới chân công trình thủy lợi 3.000 tỉ đồng

THANH TUẤN |

Đại công trình thủy lợi 3.000 tỉ đồng đã hoàn thiện xong các hạng mục nhưng lại chưa có vùng tưới, chưa biết tưới nước vào đâu. Công trình dự kiến tưới cho 14.000ha đất nông nghiệp nhưng cũng chỉ là dự kiến trên… bản vẽ thi công, thiết kế. Thực tế chưa có giọt nước nào của đại công trình giải hạn cho đất lúa của người dân. Trớ trêu hơn, quy hoạch vùng tưới lại nằm trong diện tích đất có rừng. Và ngay dưới chân con đập nghìn tỉ này, hàng ngày người dân vùng biên giới nghèo khó vẫn hằng mong chờ nước chảy về ruộng đồng khô khát của mình.

Khô khát bên kho nước khổng lồ

Gia Lai đang bước vào mùa khô, những ngày này, khu vực xã biên giới Ia Mơr nắng khô khốc, chỉ có bụi đường đỏ quạch và rừng khộp mùa thay lá. Anh Rah Lan Hóc, người dân làng Krông, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông cho biết: “Do nguồn nước tưới tiêu không có đủ nên bà con đều làm lúa một vụ. Mùa giáp hạt, nhiều nhà còn bị thiếu lương thực. Nhiều tháng trời, ruộng đồng bỏ hoang, đất đai khô cằn dùng để chăn thả trâu bò”.

Gần 100% người dân vùng biên giới xã Ia Mơr và các xã lân cận là người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn gặp nhiều khó khăn.

Bà Ksor H’BLâm (làng Krông, xã Ia Mơr) cho biết: “Hơn bao giờ hết, người dân địa phương rất mong chờ nguồn nước đổ về từ hồ thủy lợi Ia Mơr. Bà con đã chờ đợi hơn 10 năm nay rồi, ruộng đồng thì khô cằn bên biển hồ đầy nước chỉ chừng vài chục mét. Có nước tưới, cuộc sống người dân sẽ “thay da đổi thịt”.

Ông Rơ Lan Chim - Bí thư Đảng ủy xã Ia Mơr, huyện Chư Prông cho hay, công trình thủy lợi thi công hơn 10 năm nay rồi nhưng chưa hoàn thiện hệ thống kênh tưới theo đường xương cá, để lan tỏa nước đi khắp nơi.

Người dân vẫn chịu cảnh khô khát và nắng hạn, đất đai thiếu nước tưới nên chưa thể làm 2 vụ lúa. Nhiều hộ dân khó khăn vẫn đang được nhà nước chu cấp, hỗ trợ vật chất.

Ý tưởng trên giấy, nguy cơ lãng phí công trình tiền tỉ?

Hồ thủy lợi Ia Mơr có vốn đầu tư 3.000 tỉ đồng hiện đã hoàn thiện xong các hạng mục. Tuy nhiên, điều lạ kỳ ở đây là hồ thủy lợi lại chưa có hệ thống kênh mương nội đồng để dẫn nước tỏa đi về các vùng đất, mà theo dự kiến sẽ là đất nông nghiệp, dùng để trồng lúa, ngô, khoai, sắn… Nhiều hécta đất nông nghiệp hiện hữu của xã Ia Mơr cũng vẫn chưa có nước tưới.

Khác với hồ đập ở vùng đồng bằng, nơi thường có sẵn các cánh đồng lúa bạt ngàn để tưới tiêu qua hệ thống kênh mương nội đồng.

Ở vùng biên giới chủ yếu là đồi núi, đất có rừng, rất ít diện tích đất nông nghiệp dùng để trồng lúa nước, trừ số ít những mảnh ruộng được khai phá lâu đời. Vì thế, muốn có đất trồng lúa, trồng mì thì cần phải được chuyển đổi sang đất nông nghiệp.

Ông Phạm Vũ Tú - Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông cho biết: “Người ta dự kiến sẽ để dân khai hoang, trồng ruộng lúa trên phần đất mở rộng 8.500ha sẽ được chuyển đổi là đất nông nghiệp (sẽ chuyển đổi từ đất rừng).

Tuy nhiên khi gặp vướng mắc từ việc chuyển đổi công năng sử dụng đất thì dự án di dân tới vùng tưới cũng “án binh bất động”. Hệ thống kênh mương máng không thể xây dựng đi qua đất rừng, khi mà nhà nước chưa cho phép chuyển đổi”.

Đến nay, công trình nghìn tỉ hoàn thành nhưng chưa biết tưới nước vào đâu, khu vực nào, việc thi công, thiết kế có nhầm lẫn hay không, liệu có gây lãng phí tiền của nhà nước?.

Ông Phạm Vũ Tú - giải thích thêm: Ý tưởng ban đầu là khi vùng tưới được chuyển đổi sang đất nông nghiệp thì chính quyền địa phương sẽ tiến hành di dời khoảng 1.000 hộ dân trên địa bàn đến các điểm dân cư cố định, dọc theo vùng tưới với 5 đến 7 điểm dân cư. Vừa di dân vừa cấp đất đai để người dân được sản xuất, vừa được hưởng lợi từ nguồn nước hồ thủy lợi Ia Mơr.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai thì mỗi hộ dân dự kiến sẽ được nhận 2ha đất sản xuất, với 1.000 hộ thì sẽ có khoảng 2.000ha. Mỗi điểm dân cư chiếm khoảng 150ha đất.

Như vậy, vừa giải quyết được chỗ ở mới tập trung và giải quyết vấn đề thiếu đất đai và cấp nguồn nước tưới cho sản xuất. Có đất, có nước thì cuộc sống người đồng bào thiểu sổ ở vùng biên giới sẽ đổi thay.

Mặt khác, với 8.500ha đất được chuyển đổi thành đất nông nghiệp, tỉnh Gia Lai sẽ thu hút đầu tư ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, để biến vùng đất này thành vùng trù phú và phát triển.

“Ý tưởng xây dựng con đập có từ năm 1998, đến năm 2005 Bộ NNPTNT mới phê duyệt chủ trương đầu tư.

Thời điểm thiết kế, thi công con đập, người ta nghĩ rằng việc chuyển đổi công năng từ đất rừng sang đất nông nghiệp theo Luật quản lý, bảo vệ và phát triển rừng khá thuận lợi và dễ dàng. Tuy nhiên, khi con đập hoàn thiện vào năm 2020 thì Luật Lâm nghiệp đã ra đời nên rất khó chuyển đổi vì vướng các thủ tục pháp lý”, ông Tú nói.

Cũng chính vì cái vướng này nên quy hoạch vùng tưới và dự án di dân vẫn còn đang nằm trên giấy!

Đang chờ... chuyển đổi đất rừng

Việc quy hoạch vùng tưới của con đập nghìn tỉ là nằm trên khu vực rừng và đất rừng, theo quy hoạch 3 loại rừng của Chính phủ.

Nếu không chuyển đổi sang đất nông nghiệp thì dự án nghìn tỉ có nguy cơ lãng phí tiền của, không biết tưới nước vào đâu và không thiết thực như ý tưởng ban đầu được. Với 8.500ha đất rừng ở huyện Chư Prông là diện tích rất lớn, muốn chuyển đổi từ đất rừng sang đất sản xuất nông nghiệp ở mức quy mô này thì cần phải trình Quốc hội xin ý kiến, phê duyệt chủ trương.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lưu Trung Nghĩa - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Sở NNPTNT) tỉnh Gia Lai cho biết, hồ thủy lợi Ia Mơr là công trình trọng điểm cấp Quốc gia do Bộ NNPTNT làm chủ đầu tư.

Trước vướng mắc này, Bộ nhiều lần cử các đoàn công tác vào tìm hiểu, bàn giải pháp tháo gỡ. Tới đây, Bộ sẽ trình toàn bộ hồ sơ, thủ tục lên Thủ tướng Chính phủ để báo cáo lên Quốc hội, để xin ý kiến về việc có đồng ý chủ trương chuyển đổi đất rừng sang đất nông nghiệp hay không.

Nếu được sẽ sớm làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo đúng quy định của luật Lâm nghiệp và sẽ tiến hành trồng lại rừng thay thế với diện tích tương ứng.

“Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai sẽ thường xuyên phối hợp ,trao đổi thông tin với Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 8 để tiếp tục xem xét, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình làm dự án. Mục tiêu là để dự án sớm đi vào hoạt động, đảm bảo tưới tiêu phục vụ cho đời sống người dân”, ông Lưu Trung Nghĩa nói.

Dự án hồ chứa nước Ia Mơr được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) phê duyệt từ năm 2005, phân kỳ đầu tư trong hai giai đoạn, gồm hợp phần công trình hồ chứa Plei Pai, đập dâng Ia Lốp và cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Ia Mơr, với tổng mức đầu tư trên dưới 3.000 tỉ đồng. Dự kiến, khi hoàn thành, hồ thủy lợi này sẽ tạo nguồn cấp tưới cho hơn 14.000ha đất nông nghiệp của tỉnh Gia Lai và 4.000ha đất nông nghiệp của huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.

Theo thiết kế, công trình hồ thủy lợi Ia Mơr với diện tích mặt nước hơn 2.800ha. Giai đoạn 1 của dự án được phê duyệt tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng và hiện nay đã hoàn thiện hợp phần công trình Hồ chứa nước Plei Pai và đập dâng Ia Lốp. Giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư gần 1.300 tỉ đồng và đã hoàn thiện cụm công trình đầu mối hồ Ia Mơr.

THANH TUẤN
TIN LIÊN QUAN

Ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt năm 2021

Vũ Long |

Dự báo nguồn nước thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với nguy cơ xâm nhập mặn; miền Trung bị hạn hán.

Chủ động ứng phó hiệu quả với hạn hán, xâm nhập mặn

Vũ Long |

Ngay từ đầu năm 2021, cần tập trung theo dõi, tính toán, dự báo kịp thời về phạm vi, mức độ hạn hán, xâm nhập mặn để ứng phó.

Miền Trung chống chọi với hạn hán kỷ lục

Khánh Long Tín |

Tình trạng khô hạn đang diễn ra khốc liệt tại nhiều tỉnh miền Trung, lượng nước tại nhiều hồ chứa đã dưới mực nước chết, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sinh hoạt của người dân, cần các giải pháp căn cơ để cứu vụ hè thu đang bị đe dọa.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Ông Park Hang-seo dặn dò cầu thủ tuyển Việt Nam trong ngày chia tay

AN NGUYÊN |

Kết thúc AFF Cup 2022, huấn luyện viên Park Hang-seo đã nói lời cuối cùng trên cương vị huấn luyện viên trưởng và bày tỏ tình cảm của mình với các cầu thủ tuyển Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt năm 2021

Vũ Long |

Dự báo nguồn nước thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với nguy cơ xâm nhập mặn; miền Trung bị hạn hán.

Chủ động ứng phó hiệu quả với hạn hán, xâm nhập mặn

Vũ Long |

Ngay từ đầu năm 2021, cần tập trung theo dõi, tính toán, dự báo kịp thời về phạm vi, mức độ hạn hán, xâm nhập mặn để ứng phó.

Miền Trung chống chọi với hạn hán kỷ lục

Khánh Long Tín |

Tình trạng khô hạn đang diễn ra khốc liệt tại nhiều tỉnh miền Trung, lượng nước tại nhiều hồ chứa đã dưới mực nước chết, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sinh hoạt của người dân, cần các giải pháp căn cơ để cứu vụ hè thu đang bị đe dọa.