Tiền ảo Pi bỗng nóng trở lại
Thời gian gần đây, câu chuyện đồng tiền ảo Pi tiếp tục nóng trở lại trong giới đầu tư tiền ảo. Điển hình như vào cuối tháng 6, mạng xã hội lan truyền hình ảnh hơn 1.000 người có mặt tại buổi offline "Việt Nam GCV 314.159$ Event" được tổ chức ở một nhà hàng tại Bắc Ninh. Nội dung của chương trình xoay quanh đồng tiền ảo Pi.
Tại Việt Nam, ứng dụng Pi Network thường xuyên nằm trong danh sách ứng dụng mạng xã hội được tải về nhiều nhất trên iOS. Trong khi đó, ứng dụng "đào Pi" trên Android cũng đạt hơn 50 triệu lượt tải về.
Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), một số nội dung liên quan đến hoạt động giao dịch tiền ảo Pi xuất hiện và gây xôn xao dư luận trong thời gian qua. Đây là vấn đề lớn liên quan đến các hoạt động tín dụng tiền ảo xuyên biên giới trên không gian mạng mà cơ quan chức năng chưa quản lý được. A05 đang phối hợp với công an các địa phương làm rõ những hoạt động liên quan đến giao dịch, cách thức chi trả.
"Các dấu hiệu của hoạt động lôi kéo, đa cấp tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người tham gia, đề nghị người dân cần cảnh giác để tránh bị mất tài sản" - Thiếu tướng Lê Xuân Minh - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) Bộ Công an - nói.
Không phải là phương tiện thanh toán
Bên trong một hội nhóm có tên "Mua bán trao đổi Pi Network uy tín" có hơn 22.000 thành viên, liên tục mỗi giờ có đến cả chục bài viết đăng tin thu mua, rao bán tiền ảo Pi.
"Nhận thu mua Pi giá cao"; "Mình mua 5.000 Pi giao dịch trực tiếp tại Hà Nội", "Thanh khoản Pi, giao dịch trực tiếp tại Trung Kính, Cầu Giấy:... là những nội dung thường thấy trong hội nhóm này.
Theo ghi nhận của PV Lao Động, mức giá quy đổi đồng Pi hiện tại vẫn chưa có sự thống nhất khiến cho việc giao dịch tiềm ẩn những rủi ro lớn. Có những người thu mua Pi với giá chỉ vài trăm nghìn đồng nhưng thậm chí có những tin đồn "hét giá" 1 đồng Pi quy đổi tới 7 tỉ VND khiến giới đầu tư trở nên hoang mang, hỗn loạn.
Chuyên gia kinh tế - PSG.TS Đinh Trọng Thịnh cảnh báo, dự án tiền ảo hứa hẹn việc Pi sẽ có giá trị khi được ứng dụng trong thực tế và là phương tiện để trao đổi hàng hóa như một phương tiện tiền ảo là mang tính lừa đảo. Hiện nay, ở nước ta cũng như nhiều nước khác trên thế giới không công nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán. Những người đi "lùa gà" tự tạo ra các tỉ giá ảo để quy đổi Pi ra tiền Việt hoặc quy ra một giá trị tương đương với sản phẩm cần trao đổi. Còn trên thực tế, Pi không được phép quy đổi ra tiền.
Trong khi đó, mới đây, Công an tỉnh Kon Tum thông tin việc giao dịch bằng đồng Pi tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, rủi ro lừa đảo trong tình thế giá Pi đang loạn như hiện nay. Các đối tượng có thể dụ dỗ người dân mua Pi hoặc dùng Pi để trao đổi hàng hóa.
Khi người dân chuyển tiền hoặc chuyển Pi cho đối tượng thì đối tượng sẽ ngay lập tức chặn liên lạc nhằm chiếm đoạt.
"Hiện nay, Việt Nam chưa công nhận bất cứ loại hình tiền ảo, tiền mã hóa nào và cũng chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo. Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo.
Vì vậy, nhà đầu tư sẽ chịu toàn bộ rủi ro khi tham gia đầu tư vào các hoạt động đầu tư tiền ảo, sản phẩm ảo vì chúng không được pháp luật bảo hộ. Do đó, người dân cần nêu cao cảnh giác trước khi tham gia vào các hoạt động đầu tư, huy động vốn và trả thưởng theo mô hình mạng lưới đa cấp và các hoạt động giao dịch mua bán tiền ảo" - phía Công an tỉnh Kon Tum cảnh báo.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng nhiều lần phát đi thông điệp các loại tiền ảo không phải là tiền tệ đồng thời không phải phương thức thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.