Rà soát tổng thể để loại bỏ những chứng chỉ không thực chất

Đặng Chung |

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét sửa đổi, bổ sung những quy định còn bất cập về các loại chứng chỉ trong bồi dưỡng, bổ nhiệm, thăng hạng... đối với viên chức đang nhận được sự đồng thuận của đội ngũ viên chức trên cả nước. Rất nhiều kiến nghị, mong muốn cơ quan chức năng cần rà soát tổng thể để loại bỏ những chứng chỉ không thực chất, mà lâu nay vẫn được ví là những “giấy phép con” hành đội ngũ công chức, viên chức.

Ủng hộ chủ trương “giảm tải” chứng chỉ trong thăng hạng, bổ nhiệm

Muốn thăng hạng, giữ hạng, hay nâng ngạch, viên chức trên cả nước buộc phải có những tấm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và chứng chỉ chức danh nghề nghiệp… Đây là quy định trong Luật Viên chức và các Nghị định, thông tư về quản lý, đánh giá công chức, viên chức tồn tại hàng chục năm nay.

Báo Lao Động từng có nhiều loạt bài điều tra phản ánh vấn nạn "học giả - chứng chỉ thật" trong việc cấp phát những loại chứng chỉ này. Trong quá trình thâm nhập điều tra, phóng viên cũng chứng kiến câu chuyện “dở khóc dở cười” của những người đi thi - đối tượng chuẩn bị thi công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, viên chức. Họ thừa nhận những chứng chỉ này là không thực chất, có được bằng các “gói chống trượt”. Nhưng nó lại là “giấy thông hành” để viên chức đạt các tiêu chuẩn trong bổ nhiệm, thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Đã có rất nhiều kiến nghị của đội ngũ viên chức về việc bỏ những loại chứng chỉ trên. Đến nay, mới có ngành giáo dục và đào tạo ban hành chùm thông tư số 01, 02, 03, 04 về tiêu chuẩn, chức danh giáo viên từ mầm non đến phổ thông, trong đó đã bỏ các yêu cầu về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với viên chức trong ngành. Giáo viên là viên chức muốn thăng hạng, bổ nhiệm, ngoài yêu cầu về chuyên môn, đạo đức thì cần có thêm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Còn với viên chức của các ngành khác, để được thăng hạng, bổ nhiệm vẫn cần rất nhiều loại chứng chỉ, trong đó có tin học, ngoại ngữ, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Câu chuyện những ngày đầu năm, hàng triệu viên chức của nhiều ngành nghề, trong đó có viên chức ngành giáo dục phải ồ ạt đi thi, đi học để bổ sung các loại chứng chỉ chức danh nghề nghiệp... nhận được sự quan tâm của dư luận.

Trước những tâm tư, băn khoăn của đội ngũ viên chức, ngày 19.3, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp, báo cáo cụ thể về các loại chứng chỉ đối với đội ngũ viên chức. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu nêu rõ những loại chứng chỉ nào là điều kiện để được bổ nhiệm thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; chứng chỉ nào là bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, phân loại chứng chỉ bắt buộc và không bắt buộc trong quản lý viên chức.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GDĐT báo cáo cụ thể về nội dung tương tự nêu trên đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên cơ sở công lập các cấp. Đồng thời, đơn vị này đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan cho phù hợp để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập trong thời gian vừa qua về vấn đề này.

Trả lời vấn đề trên, ông Trương Hải Long - Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) - cho biết, trước mắt Bộ Nội vụ đang thực hiện việc "giảm tải" chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với công chức, viên chức. Chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận lớn của các bộ, ngành, địa phương.

Cụ thể, hiện Bộ GDĐT đã không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn viên chức giáo dục nữa. Sắp tới, Bộ NNPTNT cũng không quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn viên chức thuộc ngành mình. Bộ Nội vụ và Bộ TTTT cũng có dự thảo thông tư sửa đổi theo hướng bãi bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và sẽ ban hành vào thời gian tới.

Theo Bộ Nội vụ, bỏ chứng chỉ ở đây không có nghĩa là không quy định về năng lực ngoại ngữ, tin học nữa, mà tùy yêu cầu vị trí việc làm mà cơ quan tuyển dụng sẽ yêu cầu, kiểm tra, sát hạch… khi tuyển dụng, bổ nhiệm, nhưng sẽ không yêu cầu nộp chứng chỉ. Bộ Nội vụ hứa sẽ sớm tổ chức một cuộc họp với các bộ, ngành, đề nghị họ sớm sửa đổi, bổ sung theo hướng “giảm tải chứng chỉ” để đảm bảo sự công bằng giữa các ngạch công chức, viên chức nói chung.

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp: Không thực chất, lãng phí lớn

Việc bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong thăng hạng, bổ nhiệm công chức, viên chức đang dần được thực hiện đồng bộ trên cả nước, ở tất cả các lĩnh vực, bộ, ngành. Vậy còn chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thì sao? Theo tìm hiểu của phóng viên, quy định phải đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp mới được thăng hạng, giữ hạng hay nâng ngạch là quy định chung đối với viên chức của tất cả các ngành, các lĩnh vực. Không chỉ giáo viên mới cần có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, mà viên chức của các ngành khác cũng cần có (như chứng chỉ bồi dưỡng phóng viên, biên tập viên với báo chí; chứng chỉ chức danh nghề nghiệp bác sĩ với ngành Y tế...).

“Thời gian tới có bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hay không?”, trả lời câu hỏi này, ông Trương Hải Long - Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) cho biết, hiện nhiều ý kiến cũng đồng thuận bãi bỏ, đặc biệt đối với viên chức.

Nói thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh tinh thần văn bản chỉ đạo của Thủ tướng đã yêu cầu rà soát tổng thể lại các chứng chỉ. Theo ông, “lịch sử” vấn đề chức danh nghề nghiệp này đã từ năm 1993, tức là đã gần 30 năm rồi. Vì vậy, cần phải rà soát tổng thể các chứng chỉ để xác định chứng chỉ nào dùng để bổ nhiệm, nâng ngạch, chứng chỉ nào mang tính chất bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn với nghĩa cập nhật kiến thức; cái nào bắt buộc, cái nào khuyến khích, từ đó loại bỏ những chứng chỉ rườm rà, không cần thiết.

Ông Thăng cũng cho biết sẽ đề xuất sửa Nghị định 101/2017/NĐ-CP ngày 1.9.2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức theo hướng đảm bảo tính liên thông thống nhất với vị trí việc làm, các yêu cầu nội dung của Nghị định 106/2020 đối với viên chức và Nghị định 62/2020 đối với công chức, trên cơ sở Luật Cán bộ Công chức, Viên chức năm 2019 để đảm bảo tính liên thông, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Trong quá trình thực hiện việc này sẽ tiếp tục tập hợp, tiếp thu các ý kiến từ dư luận để xây dựng chính sách cho tốt hơn.

Sớm “gỡ” những bất cập liên quan đến chức danh nghề nghiệp của giáo viên

Những ngày qua, Báo Lao Động tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của giáo viên liên quan đến các quy định về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Trong đó, “tâm thư” của một giáo viên chia sẻ rằng, thầy cô “cực chẳng đã” phải đi học và thi, phải chịu mất tiền cho những tấm chứng chỉ không thực chất. Việc ngành giáo dục kiến nghị bỏ được chứng chỉ tin học, ngoại ngữ (chính thức có hiệu lực kể từ ngày 20.3.2021) đã tháo gỡ rất nhiều vướng mắc cho đội ngũ giáo viên. Nhưng nhiều thầy cô vẫn kỳ vọng, mong muốn tiếp tục được giảm bớt những quy định, thủ tục bằng cấp, chứng chỉ rườm rà, để tập trung hoàn toàn cho công tác chuyên môn.

Liên quan đến những tâm tư, lo lắng của giáo viên về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, Bộ Nội vụ cho biết, vấn đề phát sinh với các giáo viên là do khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan liên quan đã không để ý đến điều khoản chuyển tiếp, dẫn đến việc hồi tố, khiến giáo viên lo lắng đi học lấy chứng chỉ để bổ sung, để được giữ hạng. Tuy Bộ GDĐT đã kịp thời có Công văn 971 giải quyết một phần vướng mắc, tâm tư lo lắng của giáo viên (quy định việc phát sinh chứng chỉ chỉ thực hiện từ thời điểm thông tư có hiệu lực, chứ không hồi tố), nhưng theo Bộ Nội vụ, công văn “mới giải quyết được một phần”.

“Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước đội ngũ công chức, viên chức, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ quản lý công chức, viên chức chuyên ngành để kịp thời giải quyết những vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các quy định mới của các Bộ, ngành về tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành” - Bộ Nội vụ nêu rõ trong văn bản trả lời Báo Lao Động về các nội dung liên quan.

Trong khi đó, một lãnh đạo Bộ GDĐT cho biết, ngành giáo dục đã nhiều lần nỗ lực trong việc đề nghị được thay các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp bằng các chứng chỉ chuyên ngành, nhưng đây là quy định của Luật Viên chức và Nghị định 101 của Chính phủ nên không thể làm khác được. Nếu bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, thì phải sửa các quy định trong Luật và trong Nghị định. Với những người hiểu biết về pháp luật đều biết rằng tất cả văn bản dưới luật không được phép quy định những nội dung trái luật, không thống nhất với luật, hoặc vượt quá thẩm quyền mà luật cho phép. “Trước tiên khi ban hành một chính sách mới và cả trong quá trình thực hiện chúng tôi đều lắng nghe tất cả ý kiến từ dư luận để có những nghiên cứu, xem xét. Có thể có những ý kiến mình cần làm tốt hơn để có lợi cho đối tượng mình quản lý, cụ thể là giáo viên thì mình sẽ phải nghiên cứu xem xét để chỉnh sửa ngay. Có những cái có thể bị vướng ở quy định này, quy định kia thì chúng ta phải có thời gian, lộ trình cụ thể. Tuy nhiên, Bộ GDĐT đều tôn trọng và trân trọng tất cả ý kiến đóng góp từ dư luận xã hội và các cá nhân” - đại diện Bộ GDĐT cho biết. Đ.Chung

Đặng Chung
TIN LIÊN QUAN

Bộ Nội vụ sẽ “gỡ rối” bất cập liên quan đến chứng chỉ chức danh nghề nghiệp

Đặng Chung |

Trong công văn trả lời Báo Lao Động, Bộ Nội vụ cho biết, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước đội ngũ công chức, viên chức, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan để kịp thời giải quyết những vướng mắc, bất cập khi triển khai các quy định mới về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.

Lãng phí chứng chỉ ngoại ngữ: “Rối” quy định chứng chỉ, chứng nhận ngoại ngữ, nhà tuyển dụng e ngại chất lượng

HUYÊN NGUYỄN |

Có những người dành cả tuổi thanh xuân để đi học chứng chỉ ngoại ngữ cho đủ hồ sơ bởi mỗi đơn vị tuyển dụng lại yêu cầu một kiểu. Điều này cũng xuất phát từ thực tế “rối” các quy định chứng chỉ, chứng nhận ngoại ngữ dẫn đến bệnh hình thức, mua bán chứng chỉ nên khiến không ít nhà tuyển dụng e ngại chất lượng.

Đang thiếu quy định chuyển tiếp liên quan chứng chỉ chức danh nghề nghiệp

Trần Kiều - Phạm Đông |

Trao đổi xung quanh vấn đề chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên nói riêng và viên chức nói chung, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho rằng, nên có quy định chuyển tiếp cho những người chịu quy định phát sinh từ thời điểm ban hành thông tư, chứ không phải hồi tố.

Dự báo thời tiết đêm giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

AN AN - MINH HÀ |

Cơ quan khí tượng nhận định ít có khả năng xuất hiện thời tiết cực đoan trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán 2023.

Vì sao Đại học quốc gia Hà Nội giới hạn thi đánh giá năng lực 2 lần?

Linh Chi - Dương Anh |

Từ năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ giới hạn mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi đánh giá năng lực tối đa 2 lần. Điều này được GS.TS Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQGHN lý giải là do muốn tạo công bằng cho các thí sinh.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Bi hài chuyện người già online: Suýt bị lừa gần 300 triệu đồng

BẠN ĐỌC NGUYỄN MINH ÚT |

Tôi nhận được một tin nhắn trên Facebook với nội dung vô cùng phấn khởi: “Xin chúc mừng tài khoản của bạn đã may mắn nhận được giải nhất từ sự kiện tuần lễ tri ân khách hàng năm 2022… Phần quà giải nhất của chị gồm: 1 xe máy Honda SH 150i; 1 phiếu quà tặng trị giá 200 triệu đồng tiền mặt… do tập đoàn Facebook tổ chức bình chọn…”.

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Bộ Nội vụ sẽ “gỡ rối” bất cập liên quan đến chứng chỉ chức danh nghề nghiệp

Đặng Chung |

Trong công văn trả lời Báo Lao Động, Bộ Nội vụ cho biết, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước đội ngũ công chức, viên chức, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan để kịp thời giải quyết những vướng mắc, bất cập khi triển khai các quy định mới về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.

Lãng phí chứng chỉ ngoại ngữ: “Rối” quy định chứng chỉ, chứng nhận ngoại ngữ, nhà tuyển dụng e ngại chất lượng

HUYÊN NGUYỄN |

Có những người dành cả tuổi thanh xuân để đi học chứng chỉ ngoại ngữ cho đủ hồ sơ bởi mỗi đơn vị tuyển dụng lại yêu cầu một kiểu. Điều này cũng xuất phát từ thực tế “rối” các quy định chứng chỉ, chứng nhận ngoại ngữ dẫn đến bệnh hình thức, mua bán chứng chỉ nên khiến không ít nhà tuyển dụng e ngại chất lượng.

Đang thiếu quy định chuyển tiếp liên quan chứng chỉ chức danh nghề nghiệp

Trần Kiều - Phạm Đông |

Trao đổi xung quanh vấn đề chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên nói riêng và viên chức nói chung, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho rằng, nên có quy định chuyển tiếp cho những người chịu quy định phát sinh từ thời điểm ban hành thông tư, chứ không phải hồi tố.