Mong hết ngập nước, kẹt xe
Sau khi Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập TP.Thủ Đức (trên cơ sở sáp nhập 3 quận 2, 9, Thủ Đức hiện nay), TPHCM đang nghiên cứu, quy hoạch Thành phố Thủ Đức trở thành một điểm nhấn của TPHCM.
Theo đó, TPHCM định hướng TP.Thủ Đức trong tương lai sẽ được thiết kế không gian rộng rãi, xanh sạch đẹp, hiện đại, thành nơi đáng sống... Quy hoạch cũng sẽ làm rõ các điểm nhấn, điểm khác biệt của TP.Thủ Đức tương lai, so sánh không chỉ với các thành phố trong nước, mà còn đối với các trung tâm tài chính, công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực Châu Á và một số thành phố phát triển trên thế giới.
Về cơ sở hạ tầng giao thông, TPHCM hướng đến giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Trong đó, có việc mở rộng mạng lưới giao thông đường sắt đô thị trên địa bàn các quận hướng Đông và định hướng kéo dài tuyến metro số 1 kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương. Thành phố cũng sẽ mở rộng mạng lưới xe buýt, BRT trong khu vực phía Đông gắn với các trung tâm phát triển, các khu dân cư mới và kết nối với tuyến metro số 1 đang hình thành... Từ đó, nâng tỉ lệ người sử dụng giao thông công cộng (đường bộ, đường sắt, đường thủy) trong khu vực từ 10% lên 25% vào năm 2025.
Song song với giao thông vận tải bằng đường bộ, UBND thành phố cũng yêu cầu nghiên cứu phát triển thêm mạng lưới giao thông thủy (taxi thủy, xe buýt đường sông…) để điều hướng các hành lang kênh rạch lớn và kết nối với mạng lưới sông lớn của thành phố. Bên cạnh đó, TP.Thủ Đức trong tương lai cũng sẽ xây dựng nhiều công trình văn hóa, thể thao, du lịch mang tầm cỡ khu vực…
Kỳ vọng quy hoạch là nơi đáng sống
Dù bức tranh định hướng quy hoạch TP.Thủ Đức trong tương lai khá hoành tráng, hiện đại, song với người dân đang sinh sống tại các quận 2, 9, Thủ Đức hiện nay thì chỉ cần những điều thực tế hơn, đó là hết cảnh ngập nước, kẹt xe là thành nơi đáng sống. Bởi lâu nay, nhiều người dân đã quá khổ sở, vất vả với cảnh nước tràn vào nhà, ngập đến thắt lưng, còn giao thông thì thường xuyên ùn ứ khiến họ mệt mỏi và bất lực.
Chứng kiến cảnh đường Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức) sau cơn mưa chiều 24.9 vừa qua, nước ngập sâu, chảy xiết như “dòng thác”, cuốn trôi cả nắp cống và ít nhất 2 người đi đường lọt hố ga may mắn được người dân cứu sống, ông Nguyễn Văn Khôi (buôn bán gần đó) cảm thấy bất lực. Theo ông Nguyễn Văn Khôi, lâu nay, cứ mưa là đường này ngập kinh khủng, nước chảy xiết làm nhiều người đi đường bị nước cuốn té ngã rất nguy hiểm. Người dân, báo chí nhiều năm nay cũng đã phản ánh hoài, nhưng vẫn chưa thấy cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm cảnh ngập nơi đây.
Không riêng đường Võ Văn Ngân, khu vực đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9, ngay trước UBND phường Phước Bình), gần chục năm nay khi trời mưa to là nước ngập gần yên xe máy, nước tràn vào nhà dân, kéo theo nhiều tuyến đường nhánh vào các khu dân cư cũng ngập lênh láng, dù cách đây vài năm đoạn đường Đỗ Xuân Hợp đã được đầu tư làm hệ thống cống thoát nước tốn hơn trăm tỉ đồng.
Cùng với cảnh ngập nước thì các quận 2, 9, Thủ Đức lâu nay cũng thường xuyên đối mặt với cảnh giao thông ùn ứ trên các trục đường Nguyễn Duy Trinh, Đỗ Xuân Hợp, Lê Văn Việt, Lã Xuân Oai, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định...
“Tôi ủng hộ việc sáp nhập quận 2, 9, Thủ Đức thành TP.Thủ Đức. Tuy nhiên liệu có còn cảnh ngập nước, kẹt xe như lâu nay hay không?” - bà Oanh nói.
Ngày 3.10, tổ chức lấy ý kiến người dân về việc sáp nhập
Theo kế hoạch do UBND TPHCM, cử tri ba quận 2, 9, Thủ Đức (dự kiến sáp nhập thành Thành phố Thủ Đức) và 19 phường thuộc quận 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận sẽ được lấy ý kiến vào ngày 3.10.2020 về sáp nhập các đơn vị hành chính nơi mình cư trú. Phiếu lấy ý kiến gồm 2 nội dung: Đồng ý và không đồng ý với phương án sắp xếp; tại 3 quận 2, 9 và Thủ Đức có thêm nội dung lấy ý kiến tên đơn vị hành chính mới là Thành phố Thủ Đức. Nếu có trên 50% tổng số cử tri trên địa bàn tán thành, HĐND các cấp liên quan thảo luận, biểu quyết tán thành hoặc không tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính, trong đó HĐND TPHCM sẽ họp cho ý kiến ngày 12.10. Sau đó, Sở Nội vụ tham mưu UBND TPHCM hồ sơ đề án trình Bộ Nội vụ trước ngày 25.10.
Bên cạnh việc lấy ý kiến người dân, UBND TPHCM cũng có văn bản gửi Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đề nghị tổ chức phản biện về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021.