Trao đổi với báo Lao động ngày 22.6, bà Chu Thị Thu Thủy - Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh - cho biết: “Giải pháp hữu hiệu nhất trong công tác phòng chống dịch bệnh trên người cũng như động vật là sử dụng vaccine. Hiện nay, vacxin DTLCP đã được công bố và được phép lưu hành trên toàn quốc”.
“Tại địa bàn Quảng Ninh, năm 2023, thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh cũng đã có văn bản gửi các địa phương để các cơ sở, hộ chăn nuôi đăng ký tiêm vaccine, tuy nhiên cũng không có cơ sở nào đăng ký.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, địa phương dự kiến sẽ triển khai tiêm vaccine DTLCP từ 1-2 xã vào tháng 7.2024 và đánh giá tỉ lệ an toàn cũng như mức độ bảo hộ của vaccine, từ đó sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tiêm vaccine trên diện rộng” - bà Thủy nói.
DTLCP về cơ bản là một loại virus tồn tại lâu ngày trong môi trường tự nhiên. Kết quả đánh giá hàng năm đã phát hiện khoảng 3% tỉ lệ mẫu dương tính với DTLCP. Việc chăn nuôi lợn tại Quảng Ninh mới cung ứng được 40-45 % thị trường còn lại nhập từ các tỉnh ngoài.
Là một trong những hộ chăn nuôi đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh xuất hiện DTLCP, gia đình anh Lê Văn Anh (thôn Bấc, xã Liên Vị, TX Quảng Yên) đã có kinh nghiệm 20 năm làm nghề chăn nuôi lợn. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình. Có năm nhiều, gia đình nuôi hơn 30 con lợn 1 lứa.
Anh Lê Văn Anh cho biết: "Đây là lần thứ 4, gia đình phải mang lợn bị nhiễm DTLCP đi tiêu hủy nên rất lo lắng. Gia đình đang đợi dịch qua đi để tái đàn. Nếu thời gian tới mà địa phương cho tiêm phòng vaccine, gia đình sẽ đăng ký ngay”.
Theo thống kê, từ ngày 14.5.2024 đến ngày 22.6.2024, DTLCP đã xuất hiện tại 236 hộ/57 thôn, khu/22 xã, phường ở 6 địa phương gồm Móng Cái, Quảng Yên, Hải Hà, Tiên Yên, Ba Chẽ, Uông Bí với hơn 1.700 cá thể lợn bị tiêu hủy, tương đương 85 tấn.
Những ngày gần đây, dịch không lây lan ra các xã, thôn mới. Tuy nhiên, tại các xã, thôn đã có dịch vẫn phát sinh từ 5-7 hộ/ngày, chủ yếu là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ từ 3-10 con lợn.
Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành văn bản về việc yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch, chịu trách nhiệm người đứng đầu nếu để dịch bệnh lây lan.
UBND tỉnh cũng đã ban hành 4 văn bản liên quan đến công tác khống chế DTLCP, Sở NNPTNT đã cử cán bộ đến các địa phương để triển khai các biện pháp kỹ thuật, kiểm tra đôn đốc, kiểm soát tình hình dịch bệnh.
Các địa phương đã thống kê được tổng đàn để đưa ra các giải pháp phòng chống dịch, chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, vôi bột để cấp phát cho người dân. Tăng cường tuyên truyền để người dân nắm được tình hình và các biện pháp phòng chống dịch bệnh và cơ chế chính sách hỗ trợ dịch bệnh gây ra.
Để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, các cơ quan chức năng khuyến cáo, đối với các cơ sở chưa có dịch cần ngăn ngừa lợn tiếp xúc với những nguồn mang mầm bệnh như phương tiện vận chuyển, người, thức ăn, vật nuôi, chuột bọ, kiểm soát an toàn sinh học…